THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 June 2012

Yêu cầu báo cáo khẩn về việc người Trung Quốc “đóng bè” trên vịnh Cam Ranh

Ai cũng biết, Cam Ranh là một quân cảng “nhạy cảm” về chiến lược quân sự, nhưng từ những bè cá của người Trung Quốc này có thể “nhòm” khá rõ quân cảng.
Chiều 31.5, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Thành ủy Cam Ranh cho biết, đã chỉ đạo UBND thành phố rà soát lại các hoạt động kinh doanh, thu mua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP.Cam Ranh. Qua đó, những cơ sở, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Yêu cầu báo cáo khẩn về việc người Trung Quốc “đóng bè” trên vịnh Cam Ranh
Bè nuôi cá của người Trung Quốc trên vịnh Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Chung
Cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản khẩn số 2912/UBND-VX, yêu cầu TP.Cam Ranh báo cáo công tác quản lý hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn Cam Ranh cho UBND tỉnh trước ngày 8.6.
Không cấp phép nuôi trồng thủy sản
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Ớt, Phó phòng Kinh tế TP.Cam Ranh cho biết: “Hiện tại vịnh Cam Ranh có đến 800 ha nuôi trồng thủy sản, khoảng 11.400 lồng nuôi, chủ yếu là nuôi trồng tự phát. Không một cá nhân hay doanh nghiệp nào được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên vịnh này”. Đây quả là một kiểu quản lý khó hiểu của chính quyền địa phương.
Ông Ớt cũng thông báo rằng, những trường hợp vi phạm, người địa phương cũng như người nước ngoài đều sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc người Trung Quốc thu mua hải sản, nuôi cá trên vịnh Cam Ranh có bị phạt không thì ông Ớt từ chối cung cấp thông tin.
Được biết, tại Cam Ranh có 4 cơ sở thu mua hải sản và 1 cơ sở nuôi bè với rất nhiều lồng cá là của người Trung Quốc, nhưng “núp bóng” công ty của người Việt Nam. Trong đó cơ sở nuôi bè trên biển là của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Song Phong (TP.HCM). Ông Ớt cho biết, năm 2007, công ty này đã bị xử phạt vì không có giấy phép hoạt động, nhưng đến nay họ vẫn chưa chấp hành.
Rất gần quân cảng Cam Ranh
Những người dân ở P.Cam Linh, TP.Cam Ranh đều nhẵn mặt với những cái tên A Giót, A Xìu từ gần 10 năm trước, giờ lại thêm A Cang, A Ngán, A Keng, A Hải… Từ chỗ nói tiếng Việt “bằng tay”, giờ một số đã nhuần nhuyễn tiếng Việt khi trao đổi, mua bán. Thậm chí như A Giót đã lấy vợ là người Cam Ranh này.
Bè nuôi cá của người Trung Quốc nằm cách cảng Cam Ranh khoảng 300 m về phía đông, có những ngôi nhà lợp tôn được thiết kế kiên cố, mỗi bè rộng khoảng 100 m2, có hàng chục lồng nuôi cá được kết với nhau. Anh Công nói: “Bè cá của mấy người Trung Quốc lớn nhất nhì ở đây. Họ thu mua cá nhỏ của người dân, sau đó đưa về “vỗ béo” xong mới cho xuất”.
Từ những gã thương hồ lang thang, giờ những người Trung Quốc này thành những ông chủ, thuê hẳn một đội quân khá đông người Việt làm công cho họ.  Từ những bè cá của người Trung Quốc này có thể “nhòm” khá rõ quân cảng Cam Ranh.
Nguyễn  Chung