Bán gạo cho Trung Quốc: mừng hay lo?
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-06-19
Thị trường Trung Quốc từng được cho là tháo gỡ bế tắc đầu ra cho hạt gạo Việt Nam trong những tháng đầu năm. Nhưng tính bền vững của thị trường đông dân này đang là một dấu hỏi lớn.
AFP photo
Ruộng lúa bậc thang ở Lào Cai, Sapa, phía Bắc Việt Nam.
Lúa gạo - mặt hàng chiến lược
4 tháng đầu năm 2012, thương nhân Trung Quốc mua gạo Việt Nam nhiều chưa từng thấy. Con số được công bố lên tới 1,2 triệu tấn, như mở ra một thị trường lớn cứu vãn đầu ra xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đang gập bế tắc.
Chính nhờ vậy vụ lúa đông xuân 2011-2012 vừa qua ở đồng bằng sông Cửu Long mới không đến nỗi lâm vào khủng hoảng, khi người nông dân nhiều nơi vẫn giữ thói quen sản xuất giống lúa hạt tròn phẩm cấp thấp, do đây là giống ngắn ngày, năng suất cao và dễ làm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ở Hà Nội từng bày tỏ sự âu lo khi doanh nhân Trung Quốc chú ý mạnh tới thị trường gạo Việt Nam, chỉ trong vòng vài tháng mà tăng gấp 4 lần lượng mua cả năm 2011:
“Lúa gạo là mặt hàng hết sức quan trọng của Việt Nam mang tính cách chiến lược, kể cả cho an ninh lượng thực trong nước cũng như cho xuất khẩu, bởi vì về mặt xuất khẩu thì Việt nam có những thị trường quan trọng, mà nếu như, ví dụ Trung Quốc họ ào ạt mua và họ có thể chào hàng với cái giá cao hơn trước thì có thể các doanh nghiệp Việt Nam lại bỏ những bạn hàng lâu dài của mình mà bán cho Trung Quốc thì đến lúc muốn lấy lại thị trường mình đã quan hệ lâu nay là không dễ dàng.”
Hồi đầu tháng 6 Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VAFA) nơi cầm trịch hoạt động xuất khẩu gạo lên tiếng báo động về việc doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc đang gây khó khăn hủy bỏ nhiều hợp đồng đã ký, không nhận hàng dù hàng đã đến cảng của họ.
Khi công bố thông tin vừa nêu hôm 7/6, ông Trương Thanh Phong chủ tịch VFA tiết lộ tin, khách hàng Trung Quốc sang tận đồng bằng sông Cửu Long đề nghị trộn gạo trắng vào gạo thơm theo tỷ lệ 50/50. Làm như thế doanh nhân Trung Quốc được lợi 1/3 giá, tất nhiên người bán cũng hưởng lợi theo thỏa thuận và sẽ bán được hàng. Ông Phong cho biết VFA đã nghiêm cấm việc này vì về lâu dài làm ảnh hưởng thương hiệu gạo Việt Nam.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long, những người trực tiếp làm ra hạt lúa nói gì về vụ trộn gạo trắng với gạo thơm.
“Vấn đề mờ ám này là vì lợi nhuận của nó, nó chia đều cho những người ham lợi là các doanh nghiệp, chủ nhà máy giữa hai bên thôi, chứ không thể đổ lỗi cho người nông dân. Ở đồng bằng sông Cửu Long nông dân chỉ bán lúa chứ đâu có ai xay ra gạo bán được đâu, kho gạo chỉ mua gạo của thương lái còn nông dân chỉ bán lúa cho thương lái . Nông dân không bao giờ có khả năng trộn gạo giá thấp với gạo chất lượng cao, nông dân làm sao biết chuyện đó để làm, họ chỉ biết bán lúa thôi.
Nhưng cuối cùng hậu quả người nông dân phải gánh, trộn gạo như vậy sau này khi phát hiện ra, vụ luá sắp tới hạt gạo Việt Nam mang tiếng xấu, cuối cùng người nông dân phải gánh chịu. Trước đây theo tôi biết người ta đã từng mua lúa 50404 trộn với lúa thơm để xay ra gạo bán với giá gạo thơm. Đa số thương lái làm như vậy, khi nấu gạo thơm mềm cơm còn 504 cứng cơm, bán ra nước ngoài người ta ăn biết liền chứ làm sao mà không biết được.”
Bạn hàng Trung Quốc
Những căn nhà lá dọc theo những thửa ruộng bậc thang ở Lào Cai, VN. AFP photo
Nhận định về thông tin ở đồng bằng sông Cửu Long gạo trắng được trộn với gạo thơm để bán theo giá gạo thơm và những người làm việc này được hưởng lợi bất chính, Giáo sư Bùi Chí Bửu, viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam phát biểu:
“Thật sự thì không ai đổ thừa nông dân hết, vấn đề phân phối là do doanh nghiệp còn nông dân mình không có tội gì hết. Thật ra mình bán gạo thơm jasmine là rặt chứ không có trộn đâu, trộn thì ai mua.”
Trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ nhận định rằng, thị trường Trung Quốc không bền. Tuy vậy TS Dũng nhìn nhận là nhờ thị trường Trung Quốc mà Việt Nam mới có thể giải tỏa một lượng gạo rất lớn do các thị trường khác tạm thời đóng băng. Nếu họ không mua thì doanh nghiệp Việt Nam đã rất khó khăn.
TS Dũng nhắc lại, vào những năm 1995-1996, một loạt doanh nghiệp các ngành cao su, gạo Việt Nam đã bị thiệt hại nặng khi làm ăn với Trung Quốc. Ông khuyến cáo là doanh nghiệp phải hết sức thận trọng và tỉnh táo, chỉ mua bán qua con đường chính thống, nắm chắc lai lịch của đối tác. Vẫn theo giới chức đứng đầu phòng Thương MạiCông nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, kể từ khi Việt Nam xuất khẩu gạo đến nay, đây là lần thứ ba, thứ tư doanh nghiệp Việt Nam lâm vào thế khó vì vội vã ký hợp đồng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Trần Thị Thúy Hoa, tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất hiện chi phối 50% sản lượng cao su xuất khẩu hơn 900.000 tấn mỗi năm của Việt Nam. TS Trần Thị Thúy Hoa nhận định rằng, các tổ chức hội cần giúp đỡ hội viên nhận biết thị trường để tránh bị thiệt hại.
“Riêng với ngành cao su thì Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, có nhiều doanh nghiệp rất lớn. Một số doanh nghiệp đúng là có sự làm ăn mua bán không được thuận lợi với doanh nghiệp Việt Nam thậm chí còn gây ra trở ngại. Nhưng mà cũng có những doanh nghiệp là ăn mua bán rất uy tín, rất truyền thống.
Hiện nay chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ các hội viên mình nhận biết được những doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn uy tín để tăng cường giao dịch với những doanh nghiệp đó, nhờ vậy vẫn giữ được thị trường này và tiếp cận với những doanh nghiệp có uy tín để không vướng vào thiệt hại.
Trong những năm gần đây, thấy rằng khuynh hướng đó cũng giúp doanh nghiệp khá tốt, họ có thể mở văn phòng đại diện để hiểu rõ khách hàng của mình, họ có thể thành lập công ty Việt Nam tại Trung Quốc để mua bán trực tiếp và tìm hiểu khách hàng do đó có thể giảm thiểu được những rủi ro.”
Sự kiện Trung Quốc trở quẻ đối với việc mua gạo Việt Nam gây ra nhiều quan ngại, nhất là vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long đang trong mùa gặt. Nhiều người còn nghĩ xa hơn việc trục lợi và cho là có hơi hướm chính trị. Báo chí nhắc nhiều tới chuyện hàng trăm container chuối xuất khẩu của Philippines bị nằm ụ đến hư hỏng ở các hải cảng bên Trung Quốc, khi hai nước đối đầu nhau tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough trên vùng biển Trường Sa.