Bắc Kinh hôm qua tuyên bố nước này có khoảng 20 tàu cá đang hoạt động tại khu vực bãi đá Hoàng Nham/Scarborough và chỉ trích Philippines đang làm căng thẳng thêm tình hình.
> Philippines tố Trung Quốc cử thêm tàu tới Scarborough
Bức ảnh chụp hai tàu hải giám của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trong tháng trước. Ảnh: AFP |
"Như thường lệ, có khoảng 20 tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động xung quanh khu vực bãi đá Hoàng Nham. Hoạt động của các tàu đánh cá tại đây phù hợp với luật pháp cũng như các quy định về đánh cá của Trung Quốc", China Daily dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu hôm qua.
Trong hôm nay, ông Hồng tiếp tục chỉ trích Philippines không chân thành và thiếu trách nhiệm trong việc tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp. "Đến nay Philippines vẫn tiếp tục có những hành động khiêu khích, do đó Trung Quốc sẽ phải tăng cường kiểm soát và nâng cao báo động tại khu vực", ông Hồng cho hay.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez cho biết Trung Quốc có 5 tàu chính phủ và 16 tàu cá tại khu vực Scarborough/Hoàng Nham. Ngoài ra, Trung Quốc còn có 56 thuyền nhỏ được các ngư dân nước này điều khiển để đánh bắt cá và lấy san hô ở các vùng nước nông. Có nguồn tin còn cho rằng số thuyền nhỏ này lên tới từ 76 tới 100 chiếc.
Ông Hernandez khẳng định không có tàu cá nào của Philippines ở khu vực này, trong khi số tàu của Trung Quốc tăng lên, tức là vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá mà Manila đưa ra gần đây.
Căng thẳng bắt đầu leo thang xung quanh bãi đá kể trên từ ngày 8/4 sau khi quốc đảo Đông Nam Á phát hiện 8 tàu cá của Trung Quốc tại đây. Sau đó hai nước liên tiếp có những sự điều động tàu hải quân và máy bay quanh bãi đá mà cả hai cùng tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc tuyên bố bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thuộc chủ quyền của nước này từ hàng thế kỷ nay và cho rằng Philippines chỉ vừa chính thức tuyên bố chủ quyền từ năm 1997. Trong khi đó, Philippines tuyên bố chủ quyền của mình tại bãi cạn nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế và đề nghị đưa vấn đề này ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), nhưng Trung Quốc từ chối tham gia.
Vũ Hà