Sáng nay, Bộ Công an cho biết đã phát hiện các dấu hiệu tham nhũng, cố ý làm trái của nhiều cán bộ Vinalines trong việc mua, sửa chữa ụ nổi 83M, chiếm đoạt hàng tỷ đồng. 6 người đã bị bắt, cựu chủ tịch Dương Chí Dũng bị truy nã.
> 'Đống sắt' hơn 26 triệu USD của Vinalines / Truy nã nguyên Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng
Tại cuộc họp báo sáng 22/5, đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) thông báo một số kết quả điều tra sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong việc chọn nhà thầu mua ụ nổi 83M; lập, phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
Ba tháng trước, việc sửa chữa ụ nổi 83M được cơ quan điều tra cho rằng có dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản. Vụ án tham nhũng tại Vinalines lập tức được khởi tố điều tra.
Khi ụ nổi được đưa vào sử dụng thì phát sinh một số hư hỏng nên được đưa về cảng để sửa chữa. Ảnh: Quốc Thắng. |
Nhà chức trách xác định, ông Trần Hải Sơn (Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), ông Trần Văn Quang (Trưởng phòng kế hoạch) cùng một số người đã thông đồng với Trần Bá Hùng (cán bộ Hyundai Vinashin) và Phạm Bá Giáp (Giám đốc Công ty Nguyên Ân - Nha Trang) lập 2 bộ hồ sơ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống khối lượng sửa chữa phần đáy ụ nổi, gửi giá... để chiếm đoạt, gây thiệt hại 2,9 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, trong phi vụ này, một số cán bộ thuộc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines được chia hơn 2,5 tỷ đồng, ông Trần Sơn Hải chiếm hưởng 900 triệu đồng. Số còn lại, ông Trần Văn Quang sử dụng.
Hiện, ông Trần Sơn Hải, Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng và Phạm Bá Giáp bị khởi tố, bắt tạm giam về Tội tham ô tài sản. 4 bị can này và những người có liên quan đã khai nhận hành vi, tự giác nộp lại hơn 1 tỷ đồng.
Mở rộng điều tra vụ việc, nhà chức trách cho rằng đã phát hiện cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng có hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước trong việc mua ụ nổi 83M và phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.
Do vậy, ngày 17/5, Bộ Công an đã khởi tố bổ sung thêm tội Cố ý làm trái vào vụ án đang điều tra. Trong ngày hôm đó và hôm sau (18/5), ông Dũng cùng ông Mai Văn Phúc Vụ phó Vụ vận tải (nguyên tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc Vinalines, Trưởng ban quản lý dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam) đã bị khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ thực thi được lệnh bắt với ông Phúc và Chiều. Ông Dũng đã bỏ trốn, đến chiều nay vẫn chưa truy bắt được.
Theo công bố của Cục Chống tham nhũng, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch, cuối tháng 6/2007, ông Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 3.850 tỷ đồng. Tại dự án có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi.
Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, năm 2007 ông Chiều đã ký văn bản đề nghị, ông Phúc có văn bản trình để ông Dũng ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M với tổng mức đầu tư 14,136 triệu USD, trong khi đây là ụ nổi sản xuất năm 1965, đã bị hư hỏng nặng, không còn hoạt động, bị Cơ quan đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định, quá thời hạn theo quy định là 22 năm, không đủ điều kiện nhập khẩu về Việt Nam.
5 tháng sau, ông Dũng lại phê duyệt điều chỉnh thay đổi phương án mua dẫn đến chi phí thực tế cho việc mua, vận chuyển ụ nổi về Việt Nam sửa chữa tổng chi phí hết 24,3 triệu USD. Đến nay, tổng số tiền Vinalines phải chi phí cho việc mua, vận chuyển, sửa chữa ụ nổi, vay lãi ngân hàng và một số khoản chi phí khác lên đến 480 tỷ đồng. Hiện, việc vay vốn và xây dựng nhà máy cũng đã bị tạm dừng, ụ nổi không đưa được vào khai thác gây lãng phí rất lớn.
Đến tháng 4/2010, Vinalines đã phải chi 30 tỷ đồng tiền thuê chỗ neo đậu, bảo vệ, trực sự cố cho ụ nổi tại cảng Gò Dầu và hơn 70 tỷ đồng tiền trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền, mua sửa chữa ụ nổi. Tổng mức thiệt hại là 100 tỷ đồng.
Bộ Công an nhận định, nguyên nhân của việc thất thoát lãng phí trên do lãnh đạo Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật dự án vào quy hoạch; chưa trình Thủ tướng xem xét quyết định theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Việc làm của các ông Dũng, Phúc và Chiều là "trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng", Luật đầu tư, Luật đấu thầu.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.
|
Hà Anh - Anh Thư