Liên tục được điều chỉnh song lương tối thiểu chưa bao giờ đuổi kịp nhu cầu sống của người lao động. Những chính sách lạc hậu đã và đang phá vỡ nguyên tắc: lương là đòn bẩy của nền kinh tế.
> Lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng mỗi tháng
> Hơn 6 triệu người được tăng lương từ 1/5
Từ tháng 1/2003 đến tháng 5/2012, Chính phủ đã 8 lần điều chỉnh lương tối thiểu, từ 210.000 đồng lên 1,05 triệu đồng, tăng 400%. Tuy nhiên, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết mức lương này hiện chỉ bằng 37,5% nhu cầu tối thiểu (nếu tính cả 25% phụ cấp công vụ thì đạt 46,9%).
Lãnh đạo nhiều bộ, ngành và chuyên gia họp cải cách chính sách tiền lương. Ảnh: Xuân Ngọc |
Thông tin ông Cường cung cấp nhận được nhiều ý kiến chia sẻ tại hội thảo "Thực trạng chính sách lương và giải pháp cải cách" tổ chức tại Hà Nội ngày 17 và 18/5. Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nhân công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng 20 năm qua, lương tối thiểu chưa bao giờ đạt đến mức sống tối thiểu. Theo kết quả một cuộc khảo sát được đơn vị này thực hiện năm 2011, mức sống tối thiểu của người lao động từ vùng IV đến vùng I lần lượt là 2,47 triệu đồng; 2,66 triệu đồng; 2,86 triệu đồng và 3,04 triệu đồng.
"Với đơn giá vùng I, một người lao động phải chi ít nhất 31.400 đồng mỗi ngày để có đủ 2.300 kcal làm việc. Chưa kể ngoài tiền ăn, họ phải lo nhu cầu phi thực phẩm và nuôi con", ông Điều nói. Do vậy, lương tối thiểu là 830.000 đồng tại thời điểm năm 2011 chỉ đạt từ 56,7% đến 65,7% mức sống tối thiểu, tương ứng từ vùng IV đến vùng I. Trong đó mẫu thử vùng I là Hà Nội, vùng II - Đà Nẵng, vùng III - Nam Định và vùng IV - Tuyên Quang.
Hiện cả nước có khoảng 15 triệu người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp. Theo ông Điều, chính sách tiền lương tác động trực tiếp đến đời sống của họ và gia đình, con cái, vì vậy nếu duy trì lương tối thiểu thấp để quảng bá về nhân công giá rẻ, thu hút đầu tư thì người lao động chịu thiệt thòi.
Còn Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính - Vũ Như Thăng cho biết, hệ số giữa mức lương tối thiểu so với GDP bình quân đầu người đang trong xu hướng giảm. Cụ thể, chỉ số này từ 0,46 năm 2006 xuống còn 0,35 năm 2010, mặc dù lương tối thiểu tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng mỗi tháng. Ông Thăng cho rằng, trả lương đúng cho người lao động là đầu tư phát triển nguồn lực. Điều cần thực hiện theo nguyên lý thị trường, phản ánh giá trị thực sự gắn với vị trí đảm nhiệm, khả năng và kết quả làm việc.
Cải cách nhiều lần song lương tối thiểu chưa đuổi kịp nhu cầu sống tối thiểu. Ảnh: Hoàng Hà |
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Hồng Huyên, Phó vụ trưởng Vụ xã hội, Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, chính sách lương phù hợp là động lực khuyến khích người lao động làm việc, đòn bẩy của nền kinh tế. Ngược lại, nếu bất hợp lý, nó sẽ tạo "nút thắt", lực cản lớn nhất của sự phát triển, miếng đất màu mỡ cho sự nhũng nhiễu, tham ô...
Tuy nhiên, ông cho hay, các đề án cải cách trước đều phá sản trong việc gỡ nút thắt "tiền đâu" để đảm bảo chính sách lương phù hợp. "Không ít chuyên gia hoàn toàn hụt hẫng khi nghe cơ quan tài chính công bố cân đối nguồn lực ngân sách", ông nói.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Huyên, sau khi cân đối, nguồn tài chính ngân sách có thể đảm bảo được, phần thiếu hụt sẽ vay lại của chính cán bộ, công chức. Số tiền này coi như một khoản "thế chấp" cho chất lượng, hiệu quả công việc và Nhà nước sẽ chi trả toàn bộ khi họ nghỉ hưu.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, mục tiêu của cải cách tiền lương là đảm bảo đủ sống cho người lao động và gia đình của họ. Chính sách hiện hành bất cấp khi thực hiện lương tối thiểu của người lao động khác với cán bộ, công chức Nhà nước.
Bà Mai đề xuất hướng đến một mức lương tối thiểu chung của toàn xã hội do Chính phủ công bố. Hoặc điều này chỉ áp dụng cho khu vực doanh nghiệp, làm cơ sở để chủ kinh doanh và người lao động tự thỏa thuận. Bên cạnh đó, đồng bộ với tiền lương phải là vấn đề năng suất, hiệu quả, đảm bảo chi trả phù hợp với chất lượng công việc.
Tuy nhiên, vòng xoáy chính sách tiền lương lâu nay vẫn chưa có lối thoát. Chuyên gia Sangheon LEE đến từ văn phòng lao động quốc tế Geneva cho rằng, lương thấp, người tiêu dùng không có tiền chi tiêu dẫn đến tổng cầu giảm và thị trường suy yếu. Nhưng nếu tăng lương để tăng tiêu dùng, kích thích sản xuất thì chi phí lao động cũng lên theo, giá sản phẩm đắt đỏ và làm hại tăng trưởng kinh tế.
"Chính phủ không nên đứng ra đại diện cho người lao động trong mọi trường hợp, hãy để họ tự lên tiếng thỏa thuận với chủ doanh nghiệp về giá trị sức lao động. Nhà nước chỉ cần tạo thể chế, hỗ trợ cả 2 phía", ông nói.
Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2011, cả nước có gần 1,9 triệu người hưởng lương hưu với mức bình quân là 2,56 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, theo một điều tra tại 8 địa phương đại diện 4 vùng kinh tế thực hiện năm 2011, chỉ 6,4% người về hưu thấy đủ sống, trên 50% người đánh giá còn quá khó khăn.
Thêm đó, việc lương hưu tăng 26,5% từ ngày 1/5 được xem là vượt xa tốc độ đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội. Do vậy cần tính đến quan hệ giữa số người đóng góp và được hưởng. Chuyện điều chỉnh theo tỷ lệ chung cũng có thể gây thiệt thòi cho những người có mức hưu thấp.
|
Xuân Ngọc