THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 February 2012

Rút kinh nghiệm từ Hà Nội để đổi giờ ở TP HCM


Nhìn nhận thực tế việc đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội đã gây xáo trộn sinh hoạt của người dân, TP HCM cho biết sẽ thận trọng và thí điểm dần vấn đề này trên địa bàn thành phố.
Ngày 1/2 Hà Nội điều chỉnh giờ học, giờ làmÙn tắc giao thông trong ngày đầu đổi giờ'Xuất hiện nhiều điểm ùn tắc mới sau đổi giờ'

Ngày 8/2, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP HCM - đơn vị được giao xây dựng kế hoạch thí điểm đổi giờ học, giờ làm đã tổ chức họp lấy ý kiến các sở ban ngành.

Theo dự thảo được Sở LĐTB&XH đưa ra, thành phố chia làm 3 nhóm điều chỉnh giờ gồm nhóm học sinh các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; nhóm các trường THPT, đại học, cao đẳng và nhóm cán bộ công nhân viên, người lao động.

Về phương án lệch giờ học, các cấp được điều chỉnh giờ vào học và giờ ra về muộn hơn 15 phút so với hiện tại. Cụ thể, bậc tiểu học buổi sáng từ 7h đến 11h (không điều chỉnh), buổi chiều bắt đầu từ 13h15 và ra về lúc 16h45. Học sinh các trường THCS, buổi sáng từ 7h15 đến 11h30, buổi chiều từ 13h15 đến 17h15. Học sinh cấp ba, buổi sáng vào học lúc 7h và ra về lúc 11h30, buổi chiều từ 13h và về lúc 17h30. Với học sinh các trường mầm non Sở LĐTB&XH đề nghị vẫn giữ nguyên giờ học tập hiện tại (từ 7h30 đến 16h).

Nhiều phụ huynh đi xe hơi và xe máy đưa con đến trường làm ùn tắc cục bộ trước một cổng trường mầm non trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Tá Lâm.

Về phương án lệch giờ làm việc, Sở LĐTB&XH đề nghị vẫn giữ nguyên giờ làm việc hiện đối với cơ quan hành chính nhà nước, sáng từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h đến 17h. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các cơ sở giáo dục), doanh nghiệp nhà nước và các đoàn thể sẽ làm việc từ 7h30 hoặc 8h. Chiều kết thúc từ 16h, 16h30, hoặc 17h.

Việc điều chỉnh giờ làm việc buổi sáng không thay đổi nhiều so với hiện nay, theo Sở là để phù hợp với đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đưa con đến trường. Giờ kết thúc ngày làm việc sớm hơn nhằm giảm số lượng người ra về tập trung trên đường quá đông vào lúc 17h và cũng phù hợp với việc đón con khi tan trường. Các đơn vị hết giờ làm việc sớm phải rút ngắn giờ nghỉ trưa để phù hợp với hoạt động sự nghiệp, dịch vụ của một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo tổng số giờ làm việc theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM, do đặc thù của TP HCM không có nhiều cơ quan trung ương như ở Hà Nội, mà chủ yếu là các cơ quan sở, ngành của thành phố, quận, huyện... nên việc đổi giờ làm và giờ học ở TP HCM không thể giống Hà Nội. Đồng thời thành phố cũng sẽ thay đổi thận trọng, thí điểm từ từ từng bước để không gây xáo trộn cho người dân.

"Việc Hà Nội điều chỉnh giờ học, giờ làm đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trong thời gian qua vì ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân cũng là cơ hội để TP HCM có thể học tập kinh nghiệm", ông Xê nói.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Văn Gia Thụy cho biết, Sở đã thực hiện lệch giờ từ năm học 2006-2007, tương tự như phương án trên. Hơn 5 năm thực hiện, ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ cao rất ít xảy ra nên Sở kiến nghị UBND thành phố được giữ nguyên thời gian học tập của học sinh trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đề nghị được hỗ trợ di dời các cổng trường gần đường vì không có chỗ đậu xe cho phụ huynh đến đón con và nhân rộng mô hình xe buýt nhỏ 12 chỗ đưa đón học sinh. "Nếu chúng ta có đủ xe buýt thì sẽ giảm được rất nhiều phương tiện cá nhân của các em cũng như phụ huynh đến đón", ông Thụy cho biết.

Trong khi đó, ông Hồ Xuân Lâm, đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza) đưa ra ý kiến, nên lùi thời gian ra về của học sinh THPT đến 18h để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm vì các em đã lớn, có thể tự lo cho mình. Đối với khối mầm non, tiểu học thì nên lùi lại phù hợp với thời gian tan tầm của phụ huynh.

"Việc bố trí thời gian ra về của nhóm học sinh nhỏ chênh nhiều so với thời điểm kết thúc ngày làm việc sẽ gây khó khăn cho các phụ huynh trong việc đưa đón con", ông Lâm nói. Ngoài ra, đại diện Hepza cũng cho rằng không cần điều chỉnh giờ làm của công nhân vì họ đã làm theo ca. Các doanh nghiệp thường xuyên phải tăng ca vì thiếu lao động nên mỗi ngày ít nhất cũng lệch 1-2 tiếng, không sợ ùn tắc vào giờ tan tầm.

Tuy nhiên, ngay lập tức Sở GD&ĐT đã phản bác lại. Bởi theo Sở, học đến 17h30 là các học sinh đã rất mệt mỏi và mất tập trung, nếu kéo dài thời gian thêm nữa thì việc học tập sẽ không hiệu quả.

Đồng tình với Sở GD&ĐT, đại diện Sở GTVT cho biết sẽ bổ sung thêm xe buýt nhỏ để đưa đón học sinh, giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên đường. Sở cũng kiến nghị phải đưa 2 "đối tượng" vào việc thay đổi giờ hoạt động là trung tâm ngoại ngữ và các siêu thị bởi ảnh hưởng lớn đến mật độ phương tiện lưu thông trên đường.

Cũng cho rằng việc giải quyết ùn tắc không phải chỉ phụ thuộc vào ngành giáo dục, ông Xê nhận định đây còn là vấn đề của Sở Y tế vì các bệnh viện tập trung quá nhiều ở một số cụm. Khu vực quận 5 có rất nhiều bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược... không chỉ phục vụ người dân TP HCM mà người ở các tỉnh đổ về. Giờ thăm nuôi của các bệnh viện trùng nhau đã góp phần làm kẹt xe. "Cần thiết phải có sự lệch giờ giữa các bệnh viện, nhất là giờ thăm nuôi", ông Xê nêu.

Kết thúc cuộc họp, đại diện Sở LĐTB&XH cho biết, sẽ tập hợp các ý kiến và báo cáo kế hoạch đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn để UBND TP HCM thông qua. Nếu được đồng ý sẽ tiếp tục thí điểm thực hiện đến tháng 6, sau đó trình HĐND xem xét và áp dụng rộng rãi trên địa bàn.

Hữu Công