Ông Hải cho biết, hiện khối không khí lạnh từ phía bắc tràn về vẫn tiếp tục chi phối thời tiết các tỉnh miền Bắc. Trong đợt rét này, nền nhiệt độ tại khu vực này giảm đáng kể, trời rét kèm mưa, một số nơi xuất hiện rét đậm, rét hại. Đã ghi nhận tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ có lúc chỉ 11,6 độ C, Sa Pa (Lào Cai) 12 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 14,3 độ C, Mộc Châu (Sơn La) 15 độ C, Sìn Hồ (Lai Châu) 15,3 độ C… Đây là đợt không khí lạnh thứ 3 tràn về miền Bắc kể từ cuối tháng 9 đến nay.
Ông Lê Thanh Hải
|
Xin ông cho biết, thời tiết mùa đông năm nay sẽ diễn biến như thế nào?
Mùa đông năm nay được nhận định là không ấm cũng không quá rét so với trung bình nhiều năm. Rét đậm, rét hại vẫn xảy ra nhưng không kéo dài như mùa đông năm trước và chủ yếu tập trung vào tháng 1, tháng 2.2012. Đợt rét đậm diện rộng đầu tiên (nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 15 độ C ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ) khả năng xuất hiện muộn hơn so với mức trung bình nhiều năm (ngày xuất hiện trung bình nhiều năm là 26.12). Băng giá nhiều khả năng sẽ xuất hiện tại Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Nguyên Bình và Trùng Khánh (Cao Bằng) và một số vùng núi cao khác. Các tỉnh, thành cần hết sức lưu ý để chủ động đối phó với gió mùa đông bắc mạnh gây sóng to gió lớn trên các vùng biển như đã từng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong mùa đông năm trước.
Theo ông, từ nay đến hết mùa mưa bão, VN sẽ còn phải đón bao nhiêu cơn bão nữa?
Từ đầu mùa mưa bão đến nay đã có 6 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó có 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Theo nhận định của chúng tôi, từ nay đến hết mùa mưa bão, sẽ còn 1 - 2 cơn bão và 1 - 2 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Từ nay đến hết tháng 11, mưa lũ lớn sẽ xảy ra nhiều và liên tiếp tại các tỉnh miền Trung.
Ông có thể dự báo chi tiết hơn về tình hình lũ lụt ở miền Trung?
Theo số liệu thống kê trung bình nhiều năm, trong khoảng thời gian này, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định sẽ phải hứng chịu từ 5 - 6 đợt lũ. Dự báo, đỉnh lũ cao nhất sẽ ở mức báo động 3 và trên báo động 3, cá biệt trên một số sông có thể sẽ xuất hiện lũ lớn lịch sử. Lũ lớn nhất, nhiều khả năng sẽ xảy ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên và Bình Định.
Phú Yên từng gánh chịu cơn lũ lớn trong năm 2010 - Ảnh: D.Đ.Minh
|
Lũ đặc biệt lớn đã xuất hiện tại ĐBSCL có phải là điều bất thường, thưa ông?
Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, từ sau đợt nước lên vào đầu tháng 7, mực nước luôn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và tăng liên tục đến cuối tháng 8, sau đó xuống chậm trùng với kỳ triều kém ở hạ lưu. Từ đầu tháng 9, do lũ thượng nguồn về kết hợp các đợt triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh với cường suất trung bình 4 - 5 cm/ngày, cao nhất là 12 cm/ngày và đạt mức báo động 2 vào giữa tháng 9, báo động 3 vào ngày 25 - 26.9. Đỉnh lũ tại Tân Châu đạt mức 4,86m (cao hơn báo động 3 là 0,36m) xấp xỉ đỉnh lũ năm 1996 và thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 là 0,2m, nhưng cao hơn đỉnh lũ các năm 2001 và 2002.
Xét về tổng lượng lũ các tháng so với những năm lũ lớn cho thấy, năm 2011 ở khu vực thượng lưu sông Mê Kông thấp hơn, nhưng ngược lại ở khu vực trung, hạ lưu tháng 8 cao hơn và tháng 9 chỉ thua kém hơn năm 2000. Điều này chứng tỏ lượng nước gia nhập khu vực trung và hạ Lào đóng vai trò quyết định trong việc hình thành đỉnh lũ cao ở hạ lưu sông Mê Kông. Cơ sở hạ tầng năm 2011 thay đổi rất nhiều so với trước đây, hơn nữa, do phát triển nhanh lúa vụ 3 đã gây cản trở đến thoát lũ. Điều này chứng minh bằng sự chênh lệch trị số đỉnh lũ giữa Tân Châu và Châu Đốc năm 2011 quá lớn, đến trên 0,6m. Lũ tại ĐBSCL cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của triều. Theo tính toán, khi mực nước tại Tân Châu đạt trên 4m thì ảnh hưởng triều không đáng kể. Tuy nhiên, trong mùa lũ 2011, khi mực nước tại Tân Châu đạt mức báo động 3 vẫn bị ảnh hưởng triều khá mạnh. Điều này chứng minh triều năm nay có ảnh hưởng đến gia tăng mực nước đỉnh lũ tại khu vực đầu nguồn và làm chậm quá trình thoát lũ. Đỉnh lũ xuất hiện cùng lúc với đỉnh triều cường làm gia tăng mức độ ngập vùng hạ lưu, hầu hết các trạm có mực nước đỉnh triều cao hơn mức báo động 3 từ 0,1 - 0,3m và cao hơn mức lịch sử.
Sau mưa lũ, vụ đông xuân 2011 - 2012, tức mùa khô ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, tình trạng hạn hán sẽ diễn ra như thế nào?
Trong các tháng chính của vụ đông xuân 2011-2012 là mùa khô ở các tỉnh Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, cần chủ động đối phó tình trạng thiếu nước và khô hạn trên diện rộng ở các khu vực này. Dòng chảy toàn mùa hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 15 - 25%, ở thượng lưu nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 20 - 25%, trong đó các tháng 10, 11 và 12.2011 thiếu hụt khoảng 30 - 45%. Các tháng cuối mùa cạn (tháng 3 - 4.2012) thiếu hụt khoảng 20 - 25%, các tháng giữa mùa (tháng 1 - 2.2012) thiếu hụt 10 - 20%. Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình mùa cạn (11.2011 - 4.2012) ở mức 800 - 900 m3/giây (trung bình nhiều năm là 1.180m3/giây). Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,2m và xuất hiện vào tháng 1 - 2.2012. Tóm lại, mùa cạn năm 2011-2012 sẽ xảy ra thiếu nước và khô hạn trên diện rộng ở vùng đông bắc, vùng núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ. Các hồ chứa thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà có khả năng không tích được nước ở mức thiết kế, tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện trong mùa khô năm 2011 - 2012 sẽ căng thẳng trong nhiều tháng cuối vụ. Cần có kế hoạch tiết kiệm và sử dụng nước hợp lý trong sản xuất và đời sống.
Quang Duẩn
(thực hiện)