(Dân trí) - Vấn nạn người bệnh vào bệnh viện phải đưa phong bì cho y - bác sĩ tồn tại lâu nay. Ai cũng biết nhưng coi như chuyện đương nhiên, trong xã hội mà phong bì như một hình thức giao tiếp phổ biến thì người đưa cứ đưa, người nhận cứ nhận rất thản nhiên.
>> Nhân viên y tế 5 bệnh viện lớn cam kết nói không với phong bì
>> Từ chối phong bì, bác sĩ giới thiệu bệnh nhân ra phòng khám ngoài
>> Nhân viên y tế 5 bệnh viện lớn cam kết nói không với phong bì
>> Từ chối phong bì, bác sĩ giới thiệu bệnh nhân ra phòng khám ngoài
Y - bác sĩ cũng có lúc phải đến cửa công để giải quyết một vấn đề nào đó. Đôi khi họ cũng giao tiếp bằng phong bì mới xong việc, cho nên họ nghĩ rằng mình nhận phong bì cũng là một sự công bằng. Nạn phong bì không phải chỉ là các bệnh của riêng trong bệnh viện, nhưng xã hội đòi hỏi ở y – bác sĩ sự trong sạch bởi vì những người làm công việc cứu người cần phải có tâm đức cao. Xã hội tôn trọng và đặt niềm tin vào bác sĩ nên xem họ như “từ mẫu”. Đưa tiền lót tay cho bác sĩ rất đau, đau không chỉ vì mất tiền mà vì mất niềm tin, hình ảnh của lương y không còn đẹp trong lòng người. Chưa kể, trong lúc gặp hoàn cảnh bệnh tật, phải chạy vạy lo thuốc thang, viện phí, lại phải lo tiền đút lót cho người chữa trị cho mình, bệnh nhân thực sự đau khổ và thất vọng.
Trong một bệnh viện, nếu quản lý nghiêm, người trên nói không với phong bì và bắt buộc cấp dưới phải chấp hành nghiêm ngặt quy định không được nhận phong bì của bệnh nhân thì mới hạn chế được tệ nạn này. Những người quản lý không nhận phong bì thì người dưới quyền chắc chắn không dám. Còn chỉ kêu gọi hô hào nhưng trên cứ nhận thì dưới sẽ làm theo. Vừa qua, khi 5 bệnh viện thực hiện thí điểm nói không với phong bì thì có ý kiến cho rằng không thể làm được. Nhưng thực ra, sẽ làm được nếu như lãnh đạo có quyết tâm và làm gương, cùng với sự kêu gọi là có hình thức kỷ luật kiên quyết.
Một bác sĩ mới ra trường, được giáo dục tử tế, ban đầu có thể rất ngại ngùng khi bệnh nhân đưa cho mình một cái phong bì. Nhưng rồi dần dần, chuyện đó trở thành thói quen, thiếu nó lại thấy khó chịu. Nhìn quanh đồng nghiệp thấy họ cũng nhận phong bì thì người có lòng tự trọng cũng bị lung lay, nhất là nợ áo cơm đang đè nặng.
Phân tích như thế để thấy môi trường xã hội làm cho con người tha hóa rất nhanh, môi trường đó không chỉ là nơi làm việc mà mở rộng ra các mối quan hệ khác ở những không gian khác. Cho nên công bằng mà nói, muốn dẹp được tệ nạn phong bì trong bệnh viện thì không phải chỉ có sự nỗ lực của riêng ngành y tế mà các ngành khác, cơ quan khác cũng phải nói không như vậy. Mỗi ngành, mỗi cơ quan công quyền đều tạo ra môi trường lành mạnh trong quan hệ với công dân thì cả xã hội sẽ lành mạnh.
Tuy nhiên, ngành nào làm được thì sẽ thúc đẩy cho tiến trình lành mạnh hóa xã hội đi nhanh hơn. Ngành y tế nói không được với phong bì thì người dân quá vui mừng. Đã có những vị bộ trưởng quyết tâm lấy lại hình ảnh của ngành mình và được dư luận ủng hộ, hy vọng Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có quyết tâm và hành động như vậy.
Lê Chân Nhân