Đường nối cầu Phú Mỹ (quận 2) vẫn tiếp tục xuống cấp dù được sửa chữa. Trong khi đó, chủ đầu tư thẳng thắn thừa nhận đường không đạt tiêu chuẩn nên hư hỏng và hiện đang thiếu vốn để tiếp tục nâng cấp.
Vì đâu đường sửa xong vẫn tan nát?
Theo ghi nhận, sáng 16/9, tại đoạn đường nối dài gần
3km thuộc vành đai phía Đông TP.HCM này, các “hố sâu” xuất hiện nhiều
đến nỗi dù đường vắng nhưng khi xe đi qua đây đều không dám chạy nhanh.
Đặc biệt, trên mặt đường gần 1km kéo dài từ dưới chân
cầu Phú Mỹ đến trạm thu phí (quận 2), xuất hiện các lớp nhựa bong tróc,
đá dăm rải khắp nơi, khiến cho tất cả các phương tiện lưu thông qua đây
đều ngán ngẩm.
|
Đường nối cầu Phú Mỹ dù đã tiến hành sửa chữa nâng cấp nhưng mặt đường vẫn bị bong tróc và lồi lõm, có đoạn lún sụt 10-20cm.
|
Mặt khác, đường nối cầu Phú Mỹ hàng ngày các phương
tiện xe tải nặng thường xuyên qua lại, trong khi vẫn tiếp tục bị lún (có
nơi lún 10 – 20cm), làm cho mép đường có độ chênh khá lớn so với mặt
đường, xe đi qua có thể lật bất cứ lúc nào và gây nguy hiểm cho người
điều khiển xe hai bánh.
Một người dân đi xe máy vừa bị ngã khi đi qua đoạn
đường này, bức xúc: “Dù đã đi vài lần và đã rất cẩn thận, nhưng giờ tôi
lại bị trầy xước khắp nơi. Nhiều đoạn trên đường giống như “cái bẫy”,
những người không thạo đường đi vào ban đêm sẽ rất nguy hiểm”.
Ông Nguyễn Thành Thái – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần
đầu tư xây dựng Phú Mỹ (gọi tắt là PMC), cho biết, dự án đường vành đai
phía Đông được UBND TP.HCM duyệt vào cuối tháng 7/2006. Trong đó, khu
quản lý giao thông đô thị số 2 đã phê duyệt kết cấu mặt đường là loại
cao cấp A2.
PMC đã giao cho nhà thầu How Yu (Đài Loan) thi công và
công ty tư vấn Meinhardt thực hiện tư vấn giám sát. Trong quá trình thi
công, tư vấn giám sát đã nhiều lần cảnh báo với PMC về kết cấu mặt đường
A2 không phù hợp với lưu lượng xe tải nặng thực tế.
Về việc này, PMC đã có báo cáo lên UBND thành phố, Sở
GTVT vào cuối năm 2010, trong đó kèm theo tài liệu báo cáo của đơn vị tư
vấn giám sát, nêu rõ: kết cấu mặt đường phù hợp cho đường vành đai phía
Đông là loại cao cấp A1 theo tiêu chuẩn 22TCN-06.
Sau đó, Sở GTVT đã báo cáo về việc xin chủ trương nâng
cấp mặt đường thiết kế từ mặt đường láng nhựa thành kết cấu mặt đường
thảm bê tông nhựa. UBND TP.HCM đã giao cho các sở ban ngành xem xét
nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Đại diện PMC cũng cho biết, việc thiết kế tuyến đường
theo tiêu chuẩn A2 nên khi tiến hành làm đường không tiến hành bất cứ
biện pháp nào đảm bảo chất lượng kết cấu đường vĩnh cửu.
Trao đổi trực tiếp với PV, thạc sĩ Phạm Sanh – Giảng
viên chuyên ngành cầu đường Đại học GTVT TP.HCM, nhận định, việc lún và
hư hỏng trên tuyến đường nối cầu Phú Mỹ chủ yếu vẫn do nền đất yếu.
Ngoài ra, cũng phải kể thêm về công nghệ làm đường thực
tế ở nước ta chưa đạt hiệu quả cao, chủ yếu áp dụng công nghệ bê tông
nhựa đường. Trong khi, các nước trên thế giới đều triển khai và áp dụng
làm đường bằng công nghệ bê tông xi măng, cốt thép, tuy kinh phí làm lớn
nhưng độ bền cao gấp nhiều lần.
Bên cạnh đó, tình trạng các xe chở quá trọng lượng cho
phép cũng là nguyên nhân gây nên sự mau chóng xuống cấp của nhiều tuyến
đường, thạc sĩ Sanh nêu rõ.
Được biết, theo xác nhận của Khu quản lý giao thông đô
thị số 2, vào giữa tháng 3/2011, PMC cũng đã tiến hành sửa chữa dặm vá ổ
gà trên toàn tuyến đường nối. Tuy nhiên, hoạt động được thời gian ngắn,
tuyến đường đâu lại vào đó, khiến cho dư luận rất bức xúc.
Kinh phí thiếu, chủ đầu tư “đuối sức”
Theo thông tin từ ban quản lý PMC, hiện tại đã gửi văn
bản kiến nghị lên UBND TP.HCM cho “ứng vốn” để tiếp tục sửa chữa tuyến
đường đợt 2, do kinh phí sửa chữa rất tốn kém, trong khi PMC gần như
“cạn vốn”.
Việc thiếu vốn được PMC giải thích: trong hợp đồng,
tổng đầu tư xây dựng 3 dự án đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ trước đây là
trên 1.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vật giá, nhiên liệu tăng đột biến
trong quá trình thi công, tổng mức đầu tư dự án tạm tính đến bây giờ lên
đến trên 1.836 tỷ đồng. Sau 2 năm trình UBND
TP.HCM tổng mức đầu tư mới
nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt, làm cho công ty vẫn chưa thể có vốn
để hoàn thành dự án.
Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng chậm (đơn cử như
quận 9 muộn hơn 3 năm mới giao mặt bằng đủ), làm cho lãi suất vay ngân
hàng tăng thêm 200 tỷ đồng.
Trong khi việc huy động từ nguồn lực bên ngoài rất khó
khăn, do thực tế, trong quá trình thực hiện cũng đã vay số tiền khá lớn
từ các tổ chức tín dụng ngoài và chưa trả nợ xong.
Ngoài ra, đầu năm 2011, UBND TP.HCM cũng đã tạm ứng cho
PMC 700 tỉ đồng để trả nợ và thanh toán cho đơn vị thi công đường dẫn
cầu Phú Mỹ. Tuy vậy, thành phố đã cấn trừ gần 380 tỷ đồng để thanh toán
cho dự án BOT cầu Phú Mỹ, gây khó khăn về vốn để tiếp tục hoàn chỉnh dự
án đường đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ.
Người đàn ông này vừa bị ngã khi đi qua cầu Kỳ Hà 4 trên đường nối cầu Phú Mỹ (quận 2) và bị trầy xước khắp chân tay
|
Ông Nguyễn Thành Thái – Tổng Giám đốc PMC, cho hay: PMC
vừa kiến nghị lên UBND thành phố không cấn trừ số tiền trên. Đồng thời,
mong thành phố xem xét giúp đỡ thanh toán số tiền còn lại 430 tỷ đồng
(trong tổng số trên 1.130 tỷ đồng khối lượng dự án đã thực hiện được).
Đặc biệt, PMC muốn bàn giao tuyến đường cho thành phố quản lý do thời
hạn bảo hành 12 tháng đã hết nếu tính từ ngày chính thức thông xe (tháng
3/2010).
Về vấn đề bàn giao tuyến đường trên, đại diện khu quản
lý giao thông đô thị số 2 (gọi tắt là khu 2) – thuộc Sở GTVT, cho rằng:
hiện tuyến đường vẫn đang thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần đầu tư
xây dựng Phú Mỹ (PMC) do đang trong thời hạn bảo hành.
Thời gian bảo hành phải được tính từ khi PMC bàn giao
chính thức cho UBND TP tuyến đường trên. Đến nay, việc bàn giao trên
chưa diễn ra nên việc duy tu, sửa chữa vẫn là trách nhiệm của PMC, vị
lãnh đạo này nhận định.
Ông Bùi Xuân Cường – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM,
khẳng định, trong thời gian tới nếu chủ đầu tư dự án vẫn không
sửa đường, Sở GTVT sẽ họp với các sở ngành liên quan và đề nghị
thành phố giao cho khu 2 bỏ tiền ra sửa chữa tuyến đường trên.
Sau đó, Sở sẽ kiến nghị thành phố yêu cầu Công ty CP đầu tư xây dựng
Phú Mỹ trả lại, nếu không sẽ cấn trừ vào số tiền mà thành phố còn nợ
PMC về dự án BT (Xây dựng – chuyển giao) đối với các tuyến đường kết nối
cầu Phú Mỹ.
Ngoài ra, Sở GTVT vừa có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM
giao cho khu 2 làm chủ đầu tư đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Rạch Chiếc
đến ngã tư Bình Thái trên xa lộ Hà Nội) bằng nguồn vốn ngân sách thành
phố, sau khi Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC – chủ đầu tư)
để dự án này quá lâu mà chưa thực hiện
Được biết, đường nối đến cầu Phú Mỹ (quận 2)
thuộc dự án đường vành đai phía Đông (từ chân cầu Phú Mỹ đến
cầu Rạch Chiếc, dài khoảng 8,7km, có tổng vốn đầu tư xây dựng
gần 380 tỷ đồng, thi công năm 2008 và hoàn thành vào năm 2010.
Tuyến đường được đưa vào khai thác từ tháng 3.2010 và
cùng với cầu Phú Mỹ được xem tuyến giao thông rất quan trọng góp phần
giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm TPHCM. Đồng thời, tạo diện
mạo mới cho giao thông ở khu vực và kết nối các tuyến đường vành đai
phía Đông TP.HCM.
Hà Nguyễn
(Theo Bưu Điện Việt Nam)