THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 September 2011

Tranh cãi việc thu phí ôtô vào nội đô TP HCM


Đánh giá việc thu phí ôtô 30.000-50.000 đồng một lượt vào trung tâm thành phố là biện pháp để giảm ùn tắc nhưng nhiều ý kiến cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án kèm theo lo ngại giá cả, hàng hóa sẽ tăng cao. 
Kiến nghị thu phí ôtô vào nội đô TP HCM từ 6h đến 20h

Theo đề xuất của Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) sắp tới sẽ lập 36 trạm thu phí bao quanh khu vực quận 1 và quận 3 để thu phí tất cả xe ôtô vào khu vực này. ITD tính toán, khi áp dụng thu phí sẽ giảm được khoảng 40% lượng xe ôtô vào, từ đó sẽ giảm được tình trạng kẹt xe tại khu vực nội thành. Hiện, Sở GTVT TP HCM đang kiến nghị với UBND để vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2012 sẽ bắt đầu triển khai việc thu phí này.

Khu vực thu phí (bên trong vùng màu đỏ) được ITD đề xuất.

Theo Tiến sĩ Trần Xuân Dũng, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược phát triển GTVT, Bộ GTVT việc thực hiện dự án trên trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý vì đối tượng đi xe ôtô là những người khá giả, nên sẽ có nguồn thu để trang bị thêm hạ tầng giao thông còn yếu kém tại thành phố. Hiện ôtô cũng là một nguyên nhân gây kẹt xe tại khu vực trung tâm.

"Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt để hạn chế bớt tình trạng ùn tắc. Về lâu dài, thành phố phải hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch đô thị hợp lý. Đây mới là biện pháp chiến lược để đối phó với tình trạng quá tải giao thông hiện nay", ông Dũng cho hay.

Đồng quan điểm, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP HCM, nêu, việc thu phí ôtô vào nội ô thành phố để hạn chế xe cá nhân là không sai, nhưng đi đôi với thu phí thì thành phố cũng cần phải nâng cao chất lượng giao thông công cộng vì khu vực quận 1, 3 là "đầu não" của cả thành phố, nơi tập trung rất nhiều các cơ quan hành chính, doanh nghiệp, trung tâm thương mại.

Cũng theo ông Chung, ngoài lý do có điều kiện kinh tế, những người sử dụng ôtô riêng còn xuất phát từ nhu cầu làm ăn, tiếp khách. Nếu phải gửi xe ở ngoại ô thì họ sẽ đi vào trung tâm bằng phương tiện gì? Hiện nay chất lượng xe buýt thấp, trong khi các tuyến đường sắt đô thị lại chưa được đưa vào sử dụng.

Theo các chuyên gia, việc thu phí ôtô vào nội đô khó có thể giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay tại TP HCM. Ảnh: An Nhơn.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều quan điểm băn khoăn về tính khả thi của dự án.PGS - TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông, trường đại học Bách Khoa TP HCM cho rằng, dự án này sẽ rất khó khả thi. TP HCM có khoảng 5 triệu xe máy, trong khi đó chỉ có khoảng 500.000 ôtô, nên nói ôtô con là nguyên nhân chính gây kẹt xe và từ đó có biện pháp để hạn chế loại phương tiện này sẽ không đúng với thực tế đang diễn ra ở hầu hết các tuyến đường trong thành phố.

Trong khi đó, ở ta chưa có bãi đỗ xe ngầm, giao thông công cộng cũng chưa tốt nên dù có thu phí thì người dân sẽ vẫn vào trung tâm thành phố. Khi đó không thể nói việc thu phí sẽ giảm ùn tắc. Thành phố chỉ nên thực hiện việc thu phí khi nào có các giải pháp đồng bộ mới có thể kéo giảm ùn tắc giao thông tại TP HCM được.

"Báo cáo tổng kết tình hình giao thông 6 tháng đầu năm của Sở GTVT cũng cho thấy các vụ ùn tắc đang có xu hướng chuyển từ khu vực nội thành ra các tuyến đường cửa ngõ. Vậy thì việc thu phí ôtô vào trung tâm liệu đã đủ kéo giảm ùn tắc giao thông cho thành phố chưa?", tiến sĩ Phạm Xuân Mai băn khoăn.

Giá taxi vào trung tâm sẽ tăng cao vì phải "cõng" thêm khoản phí. Ảnh: Hữu Công.

Còn ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM nêu, việc thu phí sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi, vì taxi cũng là một phương tiện công cộng. Ngoài tiền phí trả taxi, khách hàng còn phải chịu thêm tiền phí vào trung tâm nữa.

Trong trường hợp tài xế taxi phải trả phí thì có thể xảy ra trường hợp taxi sẽ chỉ hoạt động ở các quận ngoại ô mà không chạy vào trung tâm. Ngược lại, tài xế không chịu chạy ra ngoại thành mà "đóng đô" trong khu vực trung tâm để khỏi phải nộp phí, khi đó tình trạng kẹt xe chẳng những không giảm mà còn trầm trọng hơn nữa.

"Vì vậy theo tôi, thành phố nên tìm phương án khác hợp lý hơn với mục đích để giảm ùn tắc còn thu phí sẽ không khả thi và phát sinh những hệ quả không tốt", ông Hỷ nói.

Chung quan điểm, luật sư Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM cho rằng, việc thu phí trong thời điểm hiện nay là không hợp lý vì tình trạng kẹt xe tại thành phố do rất nhiều nguyên nhân như đường xá chật hẹp, ý thức người sử dụng phương tiện giao thông... Nếu có thu phí 30.000-50.000 đồng hoặc thậm chí cao hơn nữa thì nhiều người vẫn sẵn sàng nộp phí để vào trung tâm.

Thêm nữa, việc thu phí rất có thể dẫn đến việc giá cả bị đội theo, vì các loại phương tiện như xe taxi, xe tải chở hàng vào trung tâm sẽ tăng chi phí khi đó hàng hóa cũng sẽ tăng giá theo gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. "Thu phí để giảm kẹt xe hoàn toàn không phải là một giải pháp hay và theo tôi khó mà thành công như tính toán của nhà đầu tư", ông Đằng cho biết.

Theo ITD, tổng số vốn của dự án thu phí ôtô vào nội ô này là 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí mua sắm thiết bị chiếm hơn 1.000 tỷ đồng. ITD đề xuất với UBND TP nên thực hiện theo hình thức BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành). Tuy nhiên, Sở GTVT lại cho rằng nên thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) do hình thức BTO còn mới, TP HCM chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý.

Cũng theo đề xuất của ITD, mức thu phí đối với xe ôtô 4-7 chỗ là 30.000 đồng/lượt, và các loại ôtô khác là 50.000 đồng/lượt. Thời gian thu phí từ 6h-20h hàng ngày (trừ ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật). Với mức thu này thì trong vòng hai năm, đơn vị đầu tư sẽ có thể hoàn vốn.

Về cách thức thu phí, các xe đi vào vùng thu phí sẽ phải gắn thiết bị OBU (đầu đọc trên xe), khi qua các điểm thu phí hệ thống sẽ tự nhận diện và trừ vào tài khoản ngân hàng của chủ xe. Giá một thiết bị OBU trên thị trường hiện nay khoảng 800.000 đồng. Chủ phương tiện có thể bỏ tiền lắp đặt OBU hoặc thuê dài hạn thiết bị của đơn vị cho thuê.

Hữu Công