Để tới trường, hàng trăm học sinh Đắk Nông phải vượt qua hồ Thủy điện Đắk R’tíh trên một chiếc bè tạm. Gặp hôm gió to, mặt hồ nổi sóng, chiếc bè chông chênh muốn lật úp, quăng các em xuống nước xiết bất cứ lúc nào.
Để tới được trường, gần 1 tháng nay, hàng ngày, cả trăm
học sinh ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) đang theo học
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn phải vượt qua hồ Thủy điện Đắk R’tíh trên một
chiếc bè tạm. Mỗi lần các em đến trường hay tan học ra về là các bậc
phụ huynh, thầy, cô giáo không khỏi nơm nớp lo âu.
Không đi bè thì đi bộ, xa lắm!
Trưa 12-9, đúng vào lúc tan học, chúng tôi đã được tận mắt chứng
kiến hành trình từ trường về nhà vô cùng chông chênh, nguy hiểm của các
em. Tới bờ hồ, vài em học sinh nam nhanh nhẹn cầm sợi dây kéo chiếc bè
đang đậu ở bờ bên kia cho trở lại bờ bên này để đến lượt mình có thể qua
hồ.
Chiếc bè trông thật đơn sơ, được làm từ 8 chiếc thùng phi, kết lại
với nhau bằng dây thép, mặt sàn là những tấm ván mỏng với diện tích
chừng 5m² để làm chỗ đứng. Một sợi dây bằng cước to được cố định tại hai
bên bờ hồ để người sử dụng ở mỗi bên bờ có thể tự kéo bè qua lại. Ngoài
sợi dây cước còn có thêm một sợi dây bằng sắt (cỡ phi 8) cũng được cố
định tại hai đầu bờ để người đứng trên bè vịn vào đó lôi bè đi, không
cần phải có mái chèo.
Hơn 20 em học sinh chen chúc trên chiếc bè đơn sơ vượt hồ Thủy điện Đắk R’tíh
Chiếc bè mỏng manh như vậy, nhưng khi kéo cũng rất nặng, nên các em
học sinh thường chờ nhau để cùng hợp sức kéo bè qua lại. Em Điểu Sáp,
học lớp 3B cho biết: “ Ngày nào cháu cũng cùng với các bạn qua hồ trên
chiếc bè này. Bè nặng nên chúng cháu phải cùng nhau kéo, khi trời nắng
ráo còn đỡ, chứ khi mưa gió thì nặng lắm”. Còn em Thị Dương, học sinh
lớp 4B thì nói: “Cháu không biết bơi nên ngồi trên bè chông chênh cũng
sợ lắm, nhưng không đi bè thì đi bộ xa lắm. Chúng cháu học buổi sáng còn
đỡ, những bạn học buổi chiều thì khi tan học, trời tối, thường có gió
to, sóng lớn, bè kéo rất nặng nên khổ lắm”.
Chuyến qua hồ hôm nay có tới 24 em học sinh cùng chen chúc trên
chiếc bè, khi ra giữa hồ gió thổi làm mặt hồ nổi sóng, tạt bè ra xa,
khiến sợi dây sắt căng ra và rung lên bần bật. Nhìn những em nhỏ gò lưng
cầm dây sắt kéo bè, chơi vơi giữa sóng nước, chúng tôi không khỏi lo
lắng, giật mình, nếu không may thì chuyện gì sẽ xảy ra đây…
“Sáng kiến” liều!
Từ đầu năm học 2011-2012 này, để đến trường, ngoài
việc phải lội bộ quãng đường có mấy con dốc cao, dài và trơn trượt, các
em phải vượt qua trở ngại lớn nhất là hồ nước này. Đây là một nhánh của
hồ Thủy điện Đắk R’tíh, ở chỗ hẹp nhất cũng hơn 100m, thời gian gần đây
được người dân địa phương chọn làm bến, kết bè để qua lại hàng ngày.
Theo anh Điểu Chơn, một người dân ở bon Đắk R’moan có 4
con đang theo học tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết, trước đây ở
địa điểm này vẫn có một con đường đất nhỏ mà hàng ngày người dân, các em
học sinh trong bon qua lại, đến trường khá thuận tiện vì chỉ khoảng 3
km. Tuy nhiên, sau khi hồ Thủy điện Đắk R’tíh tích nước, con đường cũ bị
ngập, nên muốn đến trường hoặc ra trung tâm thị xã, bà con, học sinh
phải đi đường vòng hơn 10 km, vừa xa, vừa trơn trượt. Vì vậy, để khắc
phục, rút ngắn đường đi, bà con trong bon đã có “sáng kiến” làm chiếc bè
này. Dẫu biết là nguy hiểm, nhưng vì việc học hành của con cái, cuộc
sống hàng ngày, bà con cũng đành làm liều mà thôi. Thực tế, lúc đầu bà
con cũng đã xin chính quyền địa phương hỗ trợ vài chục chiếc thùng phi
để làm chiếc cầu phao. Thế nhưng, rốt cuộc bon cũng chỉ được hỗ trợ hơn
10 chiếc thùng phi, nên chỉ đủ làm được chiếc bè tạm này.
Cô giáo Hoàng Thị Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Bế
Văn Đàn tâm sự: “Các em học sinh ở bon Đắk R’moan ham học và tội nghiệp
lắm, phải liều mình “cưỡi” bè đi học nên thường đến muộn, có hôm quần
áo, sách vở lấm lem, ướt át. Vào các ngày mưa gió thì nhiều em bỏ học,
nên chúng tôi rất cảm thông và thường kèm cặp vào buổi học sau để các em
theo kịp bài học và các bạn trong lớp”.
Theo thầy giáo Bùi Ngọc Đương, Hiệu trưởng Trường Tiểu
học Bế Văn Đàn thì toàn trường có 248 học sinh, trong đó gần 100 em ở
bon Đắk R’moan ngày ngày dùng bè đi học. Vào cuối tháng 8 vừa qua cũng
đã xảy ra một vụ lật bè, làm cả chục em bị rơi xuống nước, may mà người
dân đến cứu kịp. Hiện nay đang là mùa mưa nên mỗi khi học sinh đi về thì
giáo viên đứng ngồi không yên. Nhà trường cũng đã báo cáo lãnh đạo thị
xã về thực trạng này để có hướng giải quyết, giúp đỡ.
Theo Hoàng Thanh Báo Đắk Nông