Một ngày sau lời cảnh cáo của Thống đốc về việc cách
chức lãnh đạo nếu lách trần 14%, tất cả các ngân hàng hôm nay đồng loạt
dừng chương trình thỏa thuận ngầm lãi suất và cảnh giác cao độ phòng
nguy cơ thanh tra.
> Lãi suất huy động trên đà giảm nhẹ/ Cách chức lãnh đạo ngân hàng nếu lách trần lãi suất
Sáng nay (8/9), bất cứ khách hàng nào dù thân hay sơ
đến phòng giao dịch một ngân hàng quốc doanh khu vực quận Đống Đa (Hà
Nội) đều chỉ được chào lãi suất tiết kiệm tiền đồng 14% cho mọi kỳ hạn,
dù nhiều tiền hay ít. Nhân lúc đủ mặt nhân viên, vị trưởng phòng dõng
dạc tuyên bố: "Các em nhớ nhé, từ hôm nay không đàm phán lãi suất, không
triển khai hợp đồng ủy thác đầu tư, dù là khách hàng nào".
Mới tuần trước thôi, phòng giao dịch này còn rốt ráo
giục khách hàng tới gia hạn hợp đồng ủy thác đầu tư với lãi suất trên
17% một năm. Về bản chất đây cũng chỉ là một hình thức gửi tiết kiệm,
nhưng ngân hàng phải lách sang dạng hợp đồng ủy thác đầu tư để có thể
tặng lãi suất cao hơn trần quy định cho khách.
Cách đây gần một tuần, tại một phòng giao dịch của
ngân hàng "có tiếng" trong việc áp dụng lãi suất "chui" với khách trên
phố Xã Đàn (Hà Nội), chị Lan- ở Đống Đa (Hà Nội) vẫn được nhân viên chào
lãi suất huy động khoảng 18-18,5% một năm số tiền 200 triệu đồng. Tuy
nhiên, đến sáng nay, liên hệ với nhân viên nói trên, chị nhận được câu
trả lời bắt đầu từ hôm nay, nhà băng này ngừng vì có thanh tra của Ngân
hàng Nhà nước.
Giao dịch viên chi nhánh một ngân hàng khác trên phố
Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cũng cho biết sẽ chấm dứt mọi giao dịch về
tiền gửi tiết kiệm với khách hàng qua điện thoại. Kể từ hôm nay, tại đơn
vị này không còn chế độ thỏa thuận lãi với khách hàng đến gửi tiền, dù
số tiền có hấp dẫn như thế nào, một nhân viên cho biết.
Tấm bảng thông báo lãi suất huy động liệu có thể không còn cần nữa nếu các ngân hàng đồng thuận đưa về 14%?. Ảnh: Tuệ Minh. |
Thực ra ngay từ chiều 7/9, vài tiếng sau khi Thống đốc
Nguyễn Văn Bình phát chỉ thị yêu cầu các ngân hàng chấm dứt lách trần
lãi suất nếu không sẽ cách chức lãnh đạo, các ngân hàng đã lên tinh thần
"chạy loạn". Nhiều phòng giao dịch, chi nhánh phải nghỉ sớm hơn thường
lệ 10-15 phút để rà soát các hợp đồng, khoản tiền gửi hiện hành.
Chị Hương, quận Bình Tân (TP HCM) kể, chiều 7/9, chị
nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các giao dịch viên ngân hàng chị đang
gửi tiền với nội dung: Nếu có người quen nào muốn gửi tiết kiệm thì nên
đến gửi trong hôm nay sẽ được hưởng lãi suất cao từ 16%- 18% mỗi năm;
còn từ ngày 8/9 trở đi, có thể lãi suất sẽ về mức 14% một năm theo đúng
quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Anh Thành Nam, nhà ở quận 3, TP HCM cho biết, sáng
8/9, đến hạn tất toán sổ tiết kiệm 400 triệu đồng tại một nhà băng lớn
trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 (lãi suất 16%), anh muốn gửi
tiếp với điều kiện nhà băng phải giữ nguyên mức lãi suất này. Tuy nhiên,
nhân viên ở đây từ chối với lý do chỉ thị cấp trên không cho phép. "Họ
cũng khẳng định, chỉ có thể áp mức lãi suất 14% một năm. Nếu tôi không
chấp nhận thì cũng đành chịu", anh nói. Cô nhân viên giải thích nâng lãi
suất cao hơn mức trần 14% hiện nay rất nguy hiểm, nhất là sau khi có
những tuyên bố cứng rắn từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương
Đông (OCB) cho biết, ngay sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước hôm 7/9,
Hội sở đã phổ biến đồng loạt đến các phòng giao dịch, chi nhành chấm dứt
huy động vượt rào, điều chỉnh lại các kỳ hạn. Ông Tuấn cũng khẳng định,
đến thời điểm này, OCB không còn tình trạng vượt rào lãi suất huy động.
Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà xác nhận với VnExpress.net,
chiều 7/9, đơn vị này đã đồng loạt phổ biến đến các phòng giao dịch
chấm dứt huy động vượt rào, điều chỉnh lại các kỳ hạn. Thậm chí, ngay
khi đang diễn ra hội nghị do Thống đốc Bình điều hành bàn về các giải
pháp tiền tệ cuối năm, lãnh đạo BIDV đã ký văn bản yêu cầu giám đốc các
chi nhánh thực hiện nghiêm ngặt.
"Dao Ngân hàng Nhà nước đã sắc, dao chúng tôi còn bén
hơn, do đó, từ 7/9, chúng tôi cam kết lãi suất huy động chỉ còn 14% và
có đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin từ cá nhân, đơn vị", ông Hà
khẳng định.
Ngân hàng tỏ ra khá tuân thủ trong việc áp lãi suất huy động sau những tuyên bố cứng rắn của Ngân Hàng Nhà nước. Ảnh: Lệ Chi |
Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, chỉ thị
lần này của Ngân hàng Nhà nước dường như có sức nặng hơn vì kèm theo đó
là các chế tài xử phạt mạnh tay.
Những đơn vị thuộc nhóm 12 ngân hàng thương mại lớn
vốn chiếm 80% thị phần thị trường tín dụng đã đồng thuận cam kết đưa lãi
suất về đúng trần. 20% còn lại là các đơn vị nhỏ hơn có thể huy động từ
thị trường 2, hoặc nhận tái cấp vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước. Cộng
thêm những biện pháp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước, việc đưa lãi đầu
vào về đúng niêm yết sẽ làm được.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần trên đường Lý
Thường Kiệt, Tân Bình (TP HCM), nếu tất cả ngân hàng đồng loạt thực
hiện trần lãi suất 14% một năm, khách hàng cũng sẽ không có nhiều lựa
chọn đối với tiền gửi của mình. Do đó,chắc chắn không có chuyện bị rút
vốn khỏi ngân hàng. Và nếu trần lãi suất 14% được thực hiện nghiêm túc
thì việc giảm lãi suất cho vay xuống 17%- 19% mỗi năm như Ngân hàng Nhà
nước đề cập là hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Tuấn của OCB cũng nhìn
nhận, việc giảm lãi suất cho vay xuống 17-19% là hoàn toàn khả thi và
không gây khó khăn cho nhà băng. Bởi hiện nay, CPI đang có chiều hướng
giảm, thanh khoản của các ngân hàng khá ổn định, nhưng vì lãi suất quá
cao nên doanh nghiệp không vay nổi, dẫn đến tình trạng tín dụng tăng
trưởng chậm, vốn tại nhiều đơn vị ứ đọng.
Tính đến thời điểm này, OCB chỉ mới sử dụng hết khoảng
11% "room" tín dụng so với mức cho phép 20% trong năm nay. Vì thế, cũng
như các nhà băng khác, việc cắt giảm lãi suất cho vay thỏa thuận đang
được OCB lên kế hoạch và thực hiện theo chủ trương để giảm áp lực cho
khách hàng và kích thích tín dụng. Song trước mắt OCB sẽ áp dụng mức lãi
suất khoảng 19% mỗi năm cho những khách hàng tốt trước. Và phải một vài
tháng nữa thì mới có thể triển khai đưa về mức 17% thậm chí dưới 17%
một năm.
Mối lo ngại khi đưa lãi suất về đúng trần, các ngân
hàng vẫn có thể "lách" bằng cách áp dụng các khoản phí để làm lợi cho
người gửi tiền cũng là "bài toán" cần được giải quyết trong bối cảnh
hiện nay. Có thể việc này chỉ xảy ra với ngân hàng nhỏ, có thanh khoản
yếu, nhưng trên thị trường, khi một nơi huy động cao, hiệu ứng "domino
trong huy động vốn" lại có thể lặp lại, do vậy, cách quản lý của Ngân
hàng Nhà nước cần phải trọn vẹn.
Một số luồng quan điểm còn cho rằng, nếu đưa cả lãi
huy động và cho vay về đúng mức hiện nay, có thể trong tương lai gần,
mọi khái niệm "khống chế", "trần", "sàn" sẽ có thể bỏ. Trong cuộc gặp gỡ
các ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố
sáng qua (7/9), Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, từ năm sau, các quy
định hành chính sẽ có thể bị gỡ bỏ để thị trường về đúng quy luật. Ngân
hàng Nhà nước sẽ điều hành bằng công cụ chính sách thay cho mệnh lệnh
hành chính.
Từ đầu tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ thị 01/CT-NHNN về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Một nội dung quan trọng là yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng nghiêm việc huy động vốn đúng như lãi suất trần niêm yết. Tuy nhiên, sau nửa năm thực hiện, chính Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, bên cạnh một số đơn vị nghiêm túc, vẫn có không ít ngân hàng cố tình làm trái bằng cách huy động vượt rào. Chỉ thị 02/CT-NHNN mới ban hành hôm qua (7/9) trong đó đề ra những hình thức xử lý nghiêm với hoạt động lách trần lãi suất huy động: cách chức lãnh đạo, hạn chế mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động, phòng giao dịch. |
Tuệ Minh - Lệ Chi