Sau vụ bị giật dây chuyền trên phố, giờ mỗi khi ra đường, chị Bích tháo hết đồ trang sức. Lo sợ bị cướp, một số bạn của chị đã không rút tiền ở cây ATM khu vực vắng, có người còn trùm kín áo chống nắng dù trời đã tối... |
Ớt bột hung thủ mang đi cướp và chiếc dây vòng cổ chúng giật được trong một vụ án do Công an Hà Nội phá. Ảnh: Thái Thịnh. |
Sau vụ bị giật túi khi vừa rút tiền từ cây ATM ở quận Thanh Xuân ra, chị Lan cho hay không dám ra đường khi quá khuya. Cần tiền tiêu cô chỉ đi rút ban ngày hoặc ở những chỗ đông người qua lại.
Bạn bè cô cũng nhiều người từng bị cướp túi xách hoặc đồ trang sức trên đường. Họ chia sẻ với nhau nếu "đụng mặt" những tên lưu manh ở đoạn đường vắng nên chấp nhận mất tài sản để "bảo toàn tính mạng", chứ cố giằng co thì mình chỉ "thiệt thân", nhiều tên còn sẵn sàng rút hung khí ra tấn công. Còn nếu đường đông, các chị em tìm cơ hội thuận lợi để truy hô, nhờ người giúp sức... Đặc biệt, các chị nhắc nhở nhau tuyệt đối không treo túi xách ở tay lái vì dễ khiến kẻ xấu nổi lòng tham.
Còn chị Loan (Cầu Giấy) cho biết, để cảnh giác với nạn cướp giật, giờ mỗi khi ra đường bất kể ngày hay đêm đều mặc áo chống nắng trùm kín cổ, chân tay. "Tôi có đeo đầy vàng trên người, chúng cũng chẳng biết mà giật", chị nói.
Điện thoại và laptop của chị em bị cướp trên đường. Ảnh: Thái Thịnh. |
Chị Oanh, độc giả của VnExpress.net cho biết, một thủ đoạn khác của bọn cướp giật là theo dõi chị em tại tiệm mua bán vàng. Thấy "con mồi" đi vào, chúng sẽ bám theo. Khi chị em giao dịch xong đi ra ngoài, chúng sẽ rút roi điện, kín đáo khống chế để cướp tài sản, rồi nhảy lên xe máy của đồng bọn chờ sẵn.
"Quá sợ hãi và bị gí điện tê buốt người nên chúng tôi hầu như không phản ứng gì, nhân viên bảo vệ hay những người xung quanh chẳng thể biết để can thiệp, giúp đỡ", chị Oanh bảo.
Theo một điều tra viên, thủ đoạn nữa của kẻ gian mà chị em nên cảnh giác là chiêu vờ va chạm xe, tạo điều kiện cho đồng bọn nẫng túi sách, tài sản trong lúc các chị còn loay hoay giải quyết sự việc. Trong trường hợp này, chị em nên bình tĩnh khóa cổ xe, cầm túi bên mình, rồi mời những người xung quanh cùng tham gia phân giải... Từng là nạn nhân của thủ đoạn này, chị Hồng chia sẻ: "Chúng đi 3 xe, mình phân trần với ông tông xe thì một ông sẽ đứng che khuất tầm nhìn của mình để ông khác lấy xe hoặc túi xách".
Nhiều tên mang theo dao để tấn công nạn nhân nếu cản trở việc cướp giật túi của chúng. Ảnh: Hà Anh |
Trước tình trạng cướp giật tài sản của phụ nữ ngày càng tinh vi, việc đề cao cảnh giác là yếu tố quan trọng hàng đầu. "Mỗi người đoàn kết, đấu tranh cái xấu chứ không nên đổi lỗi cho tất cả các cơ quan công an làm việc kém hiệu quả", một phụ nữ chia sẻ.
Với góc nhìn của đàn ông, anh Hoàng Long nhận xét, cách đơn giản để hạn chế tình trạng này là người đi đường không nên thờ ơ với "tai nạn" của người khác. "Có khi nhìn thấy người khác bị cướp giật mà chẳng ai dám xông ra giúp đỡ, truy bắt. Đây là kẽ hở để tội phạm lộng hành", anh nói.
Trước hàng loạt các vụ cướp giật xảy ra gần đây ở Hà Nội, nhiều độc giả củaVnExpress.net mong muốn Hà Nội có đội SBC như ở Bình Dương hay TP HCM. "Mình mong trong thời gian sớm nhất Hà Nội có thật nhiều nhóm hiệp sĩ đường phố", độc giả Lê Công Dũng bày tỏ.
Thái Thịnh
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.