Chuyện xưa bỏ qua được, chuyện nay mới là đau xót
Huy Phương/Người Việt
Phạm Trần Anh Tuấn ra đời năm 1970 tại quận Ðất Ðỏ, Phước Tuy trong một gia đình nông dân nghèo, mà kẻ thù mấy đời của gia đình là Việt Minh Cộng Sản. Ông Cố của Tuấn đã bị Việt Minh giết, ông Nội bị chặt đầu bỏ ngoài đường lộ và thân phụ của ông, một sĩ quan VNCH bị tử thương vì Việt Cộng phục kích trong một lần hành quân mở đường tại Chi Khu Ðất Ðỏ.
Tuy vậy, khi nói về những người đã gây tang tóc cho mấy đời gia đình ông, Thiếu Tá Anh Tuấn cho rằng có thể ông không thù hận Việt Cộng vì đó là mối thù cá nhân, nhưng ông ghét Việt Cộng vì chế độ này đã đưa dân tộc Việt Nam đến bên bờ vực thẳm. Ông đã có chú, bác bị tập trung trong các nhà tù Cộng Sản sau tháng 4, 1975, gia đình ông đã trải qua những ngày khốn khổ trong vùng kinh tế mới, tuy vậy những gì mà ông thấy xẩy ra trên đất nước bây giờ làm cho lòng ông đau xót.
Thiếu tá Phạm Trần Anh Tuấn. (Ảnh: Huy Phương/Người Việt)
Trong thời gian ở Việt Nam, tuy chỉ theo học được đến lớp 7, hiện nay Thiếu Tá Tuấn đọc và viết được tiếng Việt rất giỏi và luôn luôn theo dõi tình hình thời sự, nhất là những gì đang xẩy ra tại Việt Nam. Suy nghĩ về chế độ đang cai trị đất nước, ông cho rằng, tuy chiến thắng năm 1975, Cộng Sản đã chọn con đường sai lầm mà không bao giờ nhận khuyết điểm, không những đưa dân tộc đến chỗ nghèo đói mà còn làm cho xã hội tha hóa về mặt đạo đức.
Thân phụ của Phạm Trần Anh Tuấn là Trung Úy Phạm Ngọc Châu, xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu và tốt nghiệp khóa 24 SQTB Thủ Ðức, phục vụ trong Lực Lượng Ðặc biệt VNCH, Biệt Kích Lôi Hổ ở Ðà Nẵng. Ðầu năm 1972, trong thời gian "Việt Nam Hóa Chiến Tranh," Trung Úy Phạm Ngọc Châu được đưa về TK Phước Tuy, và vì muốn gần gũi gia đình, Trung Úy Châu tình nguyện về Chi Khu Ðất Ðỏ. Chỉ trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ dẫn trung đội mở đường, Trung Úy Châu đã bị phục kích tử thương. Lúc bấy giờ Phạm Trần Anh Tuấn chỉ mới được 18 tháng tuổi.
Sau tháng 4, 1975, gia đình của Cố Ðại Úy Phạm Ngọc Châu bị bắt đi vùng kinh tế mới Bà Tô, thuộc tỉnh Xuyên Mộc. Sau bốn năm chịu cảnh thiếu thốn ở chốn rừng thiêng nước độc và các con không có cơ hội đến trường, tháng 12, 1979, bà mẹ của Phạm Trần Anh Tuấn quyết định đưa các con trốn về lại Bà Rịa và dẫn đứa con trai lớn vượt biển. Cuộc ra đi tìm đường sống thành công, hai mẹ con bà đến định cư tại San Francisco, không thân thích, không tài sản, không Anh ngữ, sống đã khó, còn lo chuyện làm sao đem các con từ bên nhà sang. Mãi đến 8 năm sau (1986), bà mới bảo lãnh cho ba đứa con còn lại, trong đó có Phạm Trần Anh Tuấn sang Mỹ. Lúc mẹ và anh ra đi, Tuấn chỉ mới lên 9 tuổi, hằng ngày phải theo ông ngoại, ra sông, vào những lúc thủy triều xuống chài cá, tôm để kiếm sống, mỗi đêm thường khóc vì thương mẹ, không bao giờ mơ ước mình có ngày đến Mỹ, tốt nghiệp đại học BA (International Relations), MBA (Financial Management), và trở thành một sĩ quan của một quân đội hàng đầu của thế giới.
Phạm Trần Anh Tuấn đến Mỹ năm 1986 và được vào lớp 10. Khác với những học khu khác trên đất Mỹ, San Francisco có trường học đặc biệt cho di dân mới đến, Tuấn vào trường Newcomer High School, rồi tốt nghiệp trung học George W. High năm 1989. Ngay tháng 11 năm đó, Anh Tuấn nối tiếp con đường binh nghiệp của cha anh, tình nguyện vào binh chủng TQLC Hoa Kỳ. (Người anh cả vượt biên theo mẹ, Phạm Ngọc Tuân cũng đã phục vụ trong binh chủng TQLC Mỹ 4 năm). Tuấn bắt đầu binh nghiệp với ngành pháo binh, sau đó chuyển sang ngành tài chánh khi được thăng cấp sĩ quan năm 1997. Trong gần 20 năm quân ngũ, PT Anh Tuấn đã có mặt trên các chiến trường Kuwait trong chiến dịch Bão Sa Mạc, Ðông Timor, Iraq, Afghanistan... Tuấn đã từng làm cố vấn cho một tiểu đoàn Cảnh Sát Dã Chiến ở Baghdad, sĩ quan đặc trách cho chương trình Xây Dựng Nông Thôn tại Helmand, Afghanistan. Hiện nay Thiếu Tá PT Anh Tuấn giữ chức vụ thanh tra và huấn luyện viên thuộc Trung Ðoàn 23, Sư Ðoàn 4 TQLC Trừ Bị tại San Bruno, California.
Trong ngày Ðại Hội Gia Ðình Mũ Ðỏ tổ chức tại Nam Cali vào tháng 8, 2011, Ðại Tá Nhảy Dù Lương Xuân Việt hiện diện trên sân khấu cùng với Thiếu Tá TQLC Phạm Trần Anh Tuấn, khi trao lá cờ Mỹ đã treo tại Afghanistan cho ban tổ chức, đã giới thiệu ông là hậu duệ của TQLC-VNCH phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù, và Thiếu Tá Tuấn là hậu duệ của Biệt Kích Dù phục vụ trong binh chủng TQLC.
Thiếu Tá PT Anh Tuấn luôn luôn nhớ đến người mẹ, một quả phụ VNCH, trong số phận ngặt nghèo, đã vươn lên, vượt qua bao nhiêu khó khăn để tìm con đường sống cho những đứa con. Không có bà, Phạm Trần Anh Tuấn mãi mãi là anh dân quê, chài lưới ven con sông Thủ Lựu, Bà Rịa, Vũng Tàu, ngày ngày kiếm sống, không hề có chút tương lai. Phạm Trần Anh Tuấn mang ơn nước Mỹ và muốn phục vụ đất nước này một cách trực tiếp, hữu hiệu trong vai trò một người lính TQLC hiện dịch.