THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 September 2011

Bà ăn xin nuôi cháu bị bỏ rơi vào đại học


- chuyên mụcTin Tức|Sự Kiện Hàng Ngày |
Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Nguyệt (số nhà 22 ngõ Hai Bà Trưng, TP.Nam Định) khi trời đã chập choạng tối. Thứ ánh sáng nhờ nhờ ập vào căn phòng bé xíu như hộp diêm, càng khiến khung cảnh nhuốm màu nghèo khó.

Ngồi trên chiếc giường tre, bà Nguyệt - năm nay đã ở tuổi 72 "cổ lai hy" - gầy gò tựa như thanh củi khô, lờ rờ vuốt phẳng từng đồng tiền lẻ cong queo. Số tiền đó là thành quả một ngày bà rong ruổi khắp các ngõ phố của thành Nam, nhận từ những người hảo tâm. 4 năm nay, bà làm cái công việc mà người ta gọi là ăn mày ấy để nuôi đứa cháu gái - chẳng phải máu mủ ruột rà, được bà "nhặt" về khi mới 15 tháng tuổi - học hết cấp III, rồi bước chân vào giảng đường Đại học Mở Hà Nội...

Đi ăn mày nuôi cháu

Căn phòng bà Nguyệt sống chỉ rộng khoảng 6m2, không có thứ gì đáng giá. Một chiếc giường tre ọp ẹp, một chiếc tủ cũ kỹ, một chiếc quạt già nua, tất cả như chính chủ nhân của nó. Bà lão cũng già nua, thân hình gầy tong, ốm yếu, mái tóc gần như đã bạc trắng. Theo thời gian, sự vất vả đã hằn dấu lên khuôn mặt bà những vết nhăn khắc khổ.

Thời gian biểu "một ngày như mọi ngày" của bà: Sáng, dậy sớm nấu cơm, nồi cơm dùng cho cả ngày. Sau khi ăn một bát cơm, khoảng 7h, bà bắt đầu cuộc hành trình qua khắp các phố để xin những đồng bạc lẻ của những người hảo tâm. Buổi trưa, bà về nhà, "làm" 1 bát cơm nguội, hôm nào "sang" thì bà "tự thưởng" bìa đậu hoặc quả trứng luộc. Nghỉ ngơi một chút, rồi lại lên đường. Chiều tối, bà trở về, trệu trạo nhai 1 bát cơm nguội  (lại 1 bát) cho qua bữa tối. Với những bữa cơm như thế, tôi thật không hiểu nổi sức mạnh nào đã khiến bà có thể rong ruổi cả ngày trên khắp phố phường.

Bà quê ở huyện Duy Tiên, Hà Nam. Chiến tranh loạn lạc, gia đình ly tán, bà trôi dạt đến thành Nam này. Chẳng còn ai thân thích, không chồng, không con, bà bán xôi sáng và làm những việc không tên khác để lần hồi kiếm sống. Cuộc đời bà cứ lặng lẽ trôi qua trong sự vất vả, lầm lụi, như bất kỳ số phận không may mắn nào khác trên thế gian này.

Dùng tay vuốt những tờ bạc cong queo, giọng bà vui vui: "Hôm nay tôi xin được 25 nghìn. Vậy là nó lại được thêm chút tiền để trang trải học hành trên Hà Nội rồi". "Nó" mà bà nhắc tới chính là em Phạm Thị Thu Thảo - hiện đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học (ĐH) Mở Hà Nội. Thảo chẳng phải là cháu chắt ruột rà của bà, mà chỉ là một bé gái được bà "nhặt" về khi mới được 15 tháng tuổi.

Ra đường "xin" chữ

Bà kể lại: Cách đây 20 năm, bố mẹ của Thảo - vốn quê ở Nghệ An di cư ra đây làm ăn - là hàng xóm của bà. Mẹ Thảo vì lừa đảo mà bị đi tù, người chồng "gà trống nuôi con", hằng ngày mưu sinh bằng nghề đạp xích lô. Thương tình, bà nhận trông nom Thảo khi Thảo mới 15 tháng tuổi.

Thế rồi khi Thảo 2 tuổi, một hôm người bố đã bỏ vào miền Nam, để lại đứa con gái tội nghiệp, cứ chiều chiều lại chập chững chạy ra ngõ, kêu khóc nghe mà não lòng: "Bố đâu? Bố đâu?". Vài tháng sau, người bố đã chết vì tai nạn lao động khi mới 27 tuổi.

Bà nghẹn ngào: "Mẹ đi tù, bố chết nơi đất khách quê người, để lại Thảo cho tôi. Biết làm sao đây? Tôi đã trót nuôi nó rồi, đuổi đi thì thất đức lắm, tôi không bao giờ làm thế. Làm thế liệu khi gắp miếng thịt, và miếng cơm có nuốt được không?". Nhưng nuôi dưỡng một con người đâu phải giản đơn, bà thở dài: Số phận đã đẩy hai mảnh ghép cô đơn đến với nhau, thì hai bà cháu rau cháo nuôi nhau. Trời chẳng chặn đường sống của ai bao giờ đâu!

Bỗng chốc bà biến thành "người mẹ" nuôi con mọn. Tôi hiểu, thật khó có thể kể hết những khổ cực, nhọc nhằn mà bà đã trải qua để nuôi đứa cháu gái từ khi chập chững đến khi bước vào giảng đường ĐH. Hẳn bà đã nhìn thấy từ bé Thảo cái thân phận côi cút như chính bà ngày xưa. Bà kể lại: "Hồi bé, Thảo hay ốm đau, mà nhà lại không có tiền đi bệnh viện. Đêm hôm, nó mà bị bệnh, tôi chỉ biết khép cửa, để cháu lại trong nhà, rồi lao đi tìm ông lang".

Bà làm đủ mọi nghề không tên để kiếm những đồng tiền khó nhọc nuôi mình và đứa cháu. Người ta cứ bảo: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", nhưng tôi nghĩ, hình như câu tục ngữ đó chưa bao giờ đúng với bà. Thảo chỉ là một giọt nước lã thôi, nhưng giọt nước lã ấy đã được đánh đổi bằng biết bao giọt mồ hôi mặn chát từ bà lão gầy gò. Nhiều người bảo bà gửi Thảo vào trại trẻ mồ côi cho "nhẹ nợ", nhưng bà giận dữ khi nghe những lời đó, dù rau cháo nuôi cháu còn hơn là bà làm cái điều trái với lương tâm như thế!

Rồi cũng đến lúc Thảo cắp sách đến trường. Người bà mù chữ lại hằng ngày lụi cụi đưa đón cháu đi học. Bà kể lại: "Đừng tưởng tôi mù chữ mà không "gia sư" được cho cháu nhé! Mỗi tối, những đề văn nào "khó nhằn", Thảo đọc to lên cho tôi, rồi từ đó, tôi giúp nó dựng dàn ý cho bài viết". Văn thì vậy, nhưng những bài toán khó thì bà... chịu chết. Bà nghĩ ra một cách, có lẽ là cách gia sư "độc" nhất mà tôi từng biết!

Sau đó, người ta hay thấy hai người - một già, một trẻ - líu ríu đứng cạnh đường, hai tay đang mở cuốn sách toán. "Cứ thấy người nào dáng vẻ có học, là tôi lại gọi với lại, nói rằng họ thông cảm, họ có thể giải hộ cháu tôi bài toán này không?". Nhiều người lúc đầu bất ngờ, nhưng sau đó, khi hiểu ra, họ đều vui vẻ... đứng ngay vỉa hè giảng cho Thảo. Bà đã dẫn Thảo đi "xin chữ" như thế suốt những năm Thảo học cấp I.

Đến khi Thảo lên cấp II, thì hai bà cháu mới thôi "toán học đường phố". Bà tự hào: "Nó chăm lắm, chẳng bao giờ phải giục nó ngồi vào bàn học bao giờ". Tôi hình dung ra cái cảnh mỗi buổi tối, dù trời đã khuya, nhưng cuối giường, Thảo vẫn đánh vật với con chữ; và nơi đầu giường, bà Nguyệt nằm còng queo như con tôm, cũng chẳng biết bà có ngủ được hay không!

Khi Thảo đỗ cấp III, tiền học phí người ta không miễn nữa, mà giá cả mọi thứ cứ tăng cao, tỉ lệ nghịch với sự xuống sức của bà, bà không thể làm lụng được như trước nữa. Lúc này, Thảo lại đang tuổi ăn, tuổi lớn. Có những hôm, trong nhà đến cả một hạt cơm cũng không còn. Có những khi dạ dày trống rỗng, khiến Thảo không thể nhét nổi cái chữ vào đầu. Bà tự nhủ: "Không thể để nó đói cơm, khát chữ được. Dù phải đi ăn mày thì vẫn phải cho Thảo đi học". Bà chợt nghĩ: "Ừ nhỉ, tại sao mình không đi ăn mày? Dù người ta khinh nghề ăn mày, nhưng có hề gì, miễn là nó không bị "đứt gánh giữa đường".

Vậy là 4 năm nay, với bộ đồ rách rưới, ngày nào cũng như ngày nào, dù nắng hay mưa, bà lê la khắp hang cùng, ngõ hẻm của thành phố để xin những đồng bạc lẻ. Không phụ công bà, Thảo càng quyết tâm học hành. Thế rồi, cách đây một năm, một sự kiện chấn động chẳng khác gì một quả bom phát nổ trong cái ngõ nhỏ của những người nghèo ấy: Cháu gái bà lão ăn mày đã đỗ khoa Du lịch Trường ĐH Mở Hà Nội, với ước muốn thành một hướng dẫn viên du lịch. 

"Cô bé lọ lem"

Tôi gọi Thảo như vậy, bởi chuyện một cô bé bị bỏ rơi bước từ vòng tay bao bọc của một bà lão ăn mày lên giảng đường ĐH thực sự là một câu chuyện cổ tích "cô bé lọ lem". Thảo tâm sự: "Ngay từ hồi bé, bà đã không giấu em chuyện bố mẹ em. Em hiểu được thân phận mình, hơn nữa, bà lại quan tâm, yêu thương, chăm sóc em - một người không cùng huyết thống như vậy - khiến em càng phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Em hiểu rằng chỉ có học thật tốt mới đền đáp được công ơn của bà và là để thoát khỏi cảnh nghèo nàn. Nói anh đừng cười, chứ em... tự tin quá mức, em thích đối đầu với những khó khăn và vượt qua nó". Quá khứ của bố mẹ, khiến em nhiều khi phải sống trong sự lạnh lùng của không ít người. Tôi có cảm giác em như con nhím, phải xù lông ra để chiến đấu với chính số phận bất hạnh của mình. 

Giống bà, những bữa ăn sinh viên của Thảo cũng thật đạm bạc: Sáng em không ăn, trưa ăn mì tôm, chiều cắm nồi cơm, rồi mua thức ăn ở bên ngoài. Thực ra có một lý do thật tế nhị ở đây: "Em không biết nấu nhiều món, vì hồi nhỏ, bà không để em làm cái gì cả, chỉ học về rồi ăn cơm thôi" - Thảo ngượng ngùng. Tình thương của bà đã để lại "tác dụng phụ" cho em như thế! 

Mỗi tháng một lần, bà Nguyệt lại lên thăm cháu, mang theo gạo, rồi con gà, con vịt... và tất nhiên cả những đồng bạc góp được để cháu đóng học phí, trang trải nơi Hà thành. Vậy là bữa ăn của Thảo lại được "một phút huy hoàng". "Em mong muốn sau này ra trường, trở thành hướng dẫn viên du lịch, rồi đón bà lên Hà Nội sống cùng. Nhưng bà bảo còn lâu bà mới lên thủ đô, bà thích ở quê hơn. Hiện bà và em vẫn đang "bất đồng quan điểm" về vấn đề này lắm" - Thảo cười thật tươi.

Theo Đoàn Tất Thảo (Lao động)