Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (Giám đốc Công an Hà Nội) thừa nhận, hình ảnh cảnh sát "khiêng một người đàn ông biểu tình tự phát" lên xe buýt hôm 17/7 là "phản cảm", nhưng ông cho rằng không đủ căn cứ xác định "cảnh sát đánh, đạp" anh này.
Theo Giám đốc Công an Hà Nội kiêm Tổng cục phó Tổng cục An ninh 2 Nguyễn Đức Nhanh tại cuộc họp chiều 2/8, công an thành phố nhận được thư của một số cá nhân đề nghị làm rõ việc có những người "tập trung biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông" bị công an "đàn áp thô bạo".
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh và thượng tá Đào Thanh Hải trong buổi họp chiều 2/8.
Ảnh: Thái Thịnh.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: "Chủ trương của thành phố là tuyên truyền, vận động để giải tán người biểu tình".
Tướng Nhanh cho hay, đến ngày 24/7 đã có 8 cuộc biểu tình tự phát. Người tham gia chủ yếu là học sinh, sinh viên, giới trí thức, văn nghệ sĩ... "Đây là những cuộc biểu tình bày tỏ tinh thần yêu nước... Chủ trương của Công an thành phố là tuyên truyền, giải thích, vận động để giải tán người biểu tình; không có việc đàn áp hay bắt bớ", người đứng đầu Công an Hà Nội nói.
Nhà chức trách cho hay, người biểu tình thường tập trung khoảng 8h30 sáng và giải tán sau chừng 3 tiếng. Cuộc đầu tiên có khoảng 300 người tham gia nhưng sau giảm dần còn khoảng 50-60 người.
Theo ông Nhanh, trong cuộc biểu tình ngày 17/7 tại khu vực phố Điện Biên Phủ - Trần Phú, nhằm tránh "ảnh hưởng giao thông", công an Hà Nội đã đề nghị đám đông giải tán. Trong số này có anh Nguyễn Chí Đức (35 tuổi, nhân viên một trung tâm dịch vụ viễn thông Hà Nội) "không chấp hành".
"Anh Đức ngồi bệt xuống đất, khiến 4 Công an quận Hoàn Kiếm phải khiêng lên xe buýt, đưa về đồn công an số 1 Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội)", ông Nhanh nói.
Trả lời báo chí về clip được phát tán trên mạng có hình ảnh người đàn ông mặc thường phục "đạp vào mặt anh Đức" khi anh bị khiêng vào trong xe buýt, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, người này là đại úy Phạm Hải Minh.
Theo lời ông Nhanh, đại uý Minh tường trình anh bước từ trên xe buýt xuống để "đỡ Đức lên chứ không đạp vào mặt anh này". Tài liệu công an cung cấp trong cuộc họp cho hay, làm việc với cơ quan công an "anh Đức khẳng định không bị đánh và chỉ có sự xô đẩy khi đưa lên xe buýt". Kết quả khám tại Bệnh viện E - Hà Nội ghi nhận "không phát hiện thương tích hay tổn thương trên người anh Đức".
"Chúng tôi điều tra phải có nguồn rõ ràng, căn cứ từ nhiều tài liệu khác nhau như nhân chứng, bị hại... chứ không thể dựa vào riêng hình ảnh clip", thượng tá Đào Thanh Hải (Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) trình bày bổ sung.
^^^^ CLIP NA`Y HUH ^^^^ :)
Đại diện Công an Hà Nội cũng cho hay, clip phát tán từ nguồn ở nước ngoài nên hiện chưa xác định được người đưa hình ảnh lên mạng. "Chúng tôi cũng không thể xác định được clip có bị cắt ghép chỉnh sửa gì hay không", vị này nói.
Với những căn cứ trên, Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng không có cơ sở xác định anh Đức bị "đánh, đạp trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ngày 17/7".
Tuy nhiên, ông Nhanh cũng thừa nhận, tổ công tác làm nhiệm vụ hôm đó có "sai sót", cần nghiêm khắc phê bình.
"Người ta ngồi ra đường có nhất thiết phải khiêng lên xe buýt hay không, khi họ không phải là tội phạm hay người bị truy nã. Hình ảnh trên đúng là phản cảm", tướng Nhanh nói.
Hiện, cảnh sát Minh đã bị tạm đình chỉ công tác để "phục vụ việc điều tra".
Thái Thịnh