Thứ hai, 11/7/2011, 09:27 GMT+7
22 hiệp định vay nợ, viện trợ với tổng trị giá cam kết hơn 2,5 tỷ USD đã được ký hoặc đàm phán trong nửa đầu năm để thực hiện các dự án lớn liên quan đến các lĩnh vực điện, giao thông, bệnh viện. Theo số liệu mới công bố của Cục quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến 18/6, Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định với tổng giá trị cam kết hơn 1,26 tỷ USD. Trong đó lớn nhất là khoản vay Nhật Bản cho 2 dự án đường cao tốc, đạt 420 triệu USD. Kế đó là hiệp định tài trợ Metro tuyến 2 tại TP HCM trị giá 307 triệu USD. 8 hiệp định khác đã hoàn tất khâu đàm phán, với tổng giá trị lên tới 1,25 tỷ USD. Trong đó lớn nhất là hiệp định vay Ngân hàng Thế giới để cải cách đầu tư công giai đoạn 2 trị giá 350 triệu USD. Kế đó là Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội trị giá 300 triệu USD. Các khoản vốn vay này được thực hiện theo hình thức ODA, vay ưu đãi hoặc vay thương mại, thông qua các tổ chức phi chính phủ, quỹ đầu tư, ngân hàng...
Cũng theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, đến cuối tháng 6, có thêm 2 Hiệp định vay ưu đãi của China Eximbank cho dự án Nhiệt Điện Mạo Khê và dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân II với trị giá gần 750 triệu USD đã được đàm phán và ký kết.
Một số hiệp định vay ưu đãi với trị giá lớn đang được đàm phán bao gồm: Hiệp định vay Cộng hoà Liên bang Nga cho dự án Nhà máy điện hạn nhân Ninh thuận với trị giá dự kiến 7,7 tỷ USD, Hiệp định vay Nhật Bản cho dự án Nhà máy điện hạt nhân số 2.
Tính đến hết năm 2010, nợ công của Việt Nam ở mức 1.122 nghìn tỷ đồng đồng, tương đương với gần 56,7% GDP. Dự kiến trong năm 2011, số nợ công sẽ nâng lên mức gần 60% GDP, tương đương với khoảng 1.375 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia đang ở mức 835.000 tỷ đồng, bằng 42,2% GDP năm 2010. Dự kiến, con số nợ nước ngoài của quốc gia sẽ nâng lên mức 44,5% GDP trong năm 2011.
Những con số trên theo đánh giá của Bộ Tài chính vẫn nằm trong ngưỡng an toàn và được Chính phủ cho phép. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại được giao nhiệm vụ nghiên cứu để xây dựng khuôn khổ pháp lý, có các đề xuất về hoạt động quản lý rủi ro nhằm kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài một cách hiệu quả.
Hồng Anh