THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 July 2011

Tại Bắc Kinh, Mỹ tuyên bố duy trì hiện diện ở Biển Đông

Mỹ luôn cam kết duy trì sự hiện diện của mình ở Biển Đông, quan chức quân sự hàng đầu của nước này tuyên bố khi ông đang có mặt ở Trung Quốc hôm nay.

>> Biển Đông phủ bóng sứ mệnh của Đô đốc Mỹ

Hãng Reuters đưa tin từ Bắc Kinh cho hay, Đô đốc Mullen nhấn mạnh rằng, Washington lo lắng tranh chấp về vùng biển giàu tài nguyên có thể dẫn tới xung đột nghiêm trọng.

Cả Việt Nam và Philippines trong vài tháng nay đã mạnh mẽ phản đối các hành động của Trung Quốc trong việc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, quấy rối hoặc làm hư hại tàu thăm dò và tàu cá, thậm chí là bắn vào ngư dân ở những vùng biển thuộc phạm vi chủ quyền hai nước.


Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tới Bắc Kinh chiều qua (9/7).
Ảnh: AP

"Lo lắng của tôi, cùng với những quan ngại khác mà tôi có, là các sự cố liên tục xảy ra có thể dẫn tới hiểu lầm, và một sự bùng nổ mà không ai có thể lường trước được", Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói khi bắt đầu chuyến công du tại Trung Quốc.

"Chúng tôi có sự hiện diện lâu dài ở đây và chúng tôi có một trách nhiệm lâu dài. Chúng tôi tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hòa bình cho những bất đồng", ông nói trong một cuộc họp báo.

Bất chấp những bất an trước các khả năng quân sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như hành xử quả quyết hơn của nước này ở những vùng biển tranh chấp, quan hệ quân sự Trung – Mỹ đang ấm dần gần đây và chuyến thăm của ông Mullen tới Trung Quốc là nhằm "đáp lễ" chuyến thăm của người đồng cấp Trung Quốc Trần Bỉnh Đức tới Washington hồi tháng 5.

Chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức đánh dấu những cuộc hội đàm quân sự cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Bắc Kinh ngừng mọi tiếp xúc quân sự với Washington để phản ứng với việc Mỹ bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Đài Loan.

Trước diễn biến căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền, Mỹ đã cam kết sự ủng hộ của mình với Philippines ở Biển Đông, vùng biển được cho là giàu tài nguyên dầu khí. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khăng khăng cách giải quyết tranh chấp khu vực trên cơ sở song phương chứ không phải đa phương – một chiến lược mà giới phê bình cho là cách "chia để trị".

Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lớn nhất bằng cách đưa ra bản đồ hình chữ U bao trùm hầu như toàn bộ 1,7 triệu km vuông vùng biển gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mỹ "không rời xa"

Trung Quốc và Mỹ đã đề cập tới vấn đề Biển Đông trong các cuộc hội đàm ở Hawaii hồi tháng 6, và chủ đề này có thể trở thành tâm điểm chương trình nghị sự trong cuộc gặp sắp tới giữa các Ngoại trưởng ASEAN và nhiều quốc gia khác tại Indonesia.

Trang tiếng Anh của tờ Nhật báo Trung Quốc đăng tải một bài xã luận hôm thứ Sáu cho rằng, ASEAN không nên chấp thuận những nỗ lực của các lực lượng bên ngoài nhằm can thiệp vào các tranh chấp song phương. Theo chuyên gia phân tích, đây là bình luận nhằm vào cam kết hỗ trợ Philippines trong vấn đề chủ quyền hàng hải của Mỹ.

Bài xã luận nhấn mạnh: "Lịch sử của châu Á đã chứng minh rằng, các lực lượng bên ngoài không bao giờ toàn tâm toàn ý vì hòa bình và phát triển châu Á".

Nhưng ông Mullen, trong khi nhấn mạnh mong muốn của Mỹ là thấy một giải pháp hòa bình cho những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, thì cũng đồng thời tuyên bố, Washington sẽ không rời khỏi khu vực. "Mỹ sẽ không rời xa. Sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực là điều quan trọng với các đồng minh của chúng tôi nhiều thập niên qua và sẽ tiếp tục như thế", Đô đốc Mullen nói.

Trong vài năm qua, các tàu Trung Quốc và Mỹ cũng có một số vụ đụng độ trên biển, và Bắc Kinh thì thường cáo buộc Mỹ tiến hành hoạt động do thám ở các khu vực lân cận vùng biển Trung Quốc.

Trung Quốc dự kiến sẽ sớm hạ thủy tàu sân bay đầu tiên – một diễn biến mới trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự của nước này và tiếp tục làm châu Á bất an.

Khi được hỏi về tàu sân bay, ông Mullen cho rằng, việc có tàu sân bay và triển khai nó là hai điều hoàn toàn khác nhau. "Có tính biểu tượng rất lớn đi kèm với tàu sân bay và tôi hiểu điều đó. Đôi khi để khả năng thực tế phù hợp với biểu tượng, thì có thể có khoảng cách", ông nói.

  • Thái An