THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 June 2011

Các 'ông lớn' vật vã với nhiệt điện vì đói vốn


Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp Than Khoáng sản, Dầu khí đồng loạt than thở, đang phải chịu áp lực vốn nặng nề dẫn đến nhiều dự án năng lượng bị chậm tiến độ.

Theo số liệu do Bộ Công Thương công bố tại cuộc hội thảo "Bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng của đất nước" tổ chức ngày 17/6, tổng vốn đầu tư cần thiết cho phát triển hệ thống điện trong 20 năm tới rất lớn, khoảng 124 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi năm 6,8 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2011-2020 trung bình gần 5,5 tỷ đôla mỗi năm với cơ cấu 67,4% cho các nhà máy điện và 33,6% cho xây dựng lưới điện. Giá thành trung bình dài hạn cho sản xuất, truyền tải và phân phối điện sẽ tăng khoảng trên 8,8 cent vào năm 2020 trong đó riêng giá thành sản xuất điện khoảng 6,8 cent mỗi kWh.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay, để đáp ứng nhu cầu phát triển thì từ năm 2011 trở đi, hằng năm, tập đoàn này cần duy trì một lượng vốn khoảng 25.000- 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,3-1,6 tỷ USD) cho các dự án năng lượng than và điện. Ngoài 5 dự án nhiệt điện với công suất 1.110 MW hiện có, Vinacomin còn đang xây dựng nhà máy Mạo Khê, Nông Sơn, thủy điện Đồng Nai.

Vinacomin hợp tác với EVN phát triển các dự án điện Hải Phòng 1 và 2, nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2... Tuy nhiên, nhiều dự án điện kéo dài và chậm tiến độ vì đàm phán giá với EVN rất khó khăn.

Ảnh: Hoàng Hà
Việc thu xếp vốn cho nhiều dự án năng lượng gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Thậm chí, một số dự án sắp đưa vào vận hành nhưng vẫn chưa đàm phán giá điện xong như Sơn Đông, Cẩm Phả. Đối với các trường hợp này, giá điện chỉ là tạm tính. "Khi lựa chọn nhà thầu, Vinacomin đã cài điều kiện là họ sẽ thu xếp vốn nhưng sau đó chính tập đoàn lại phải chịu. Điều này làm giảm đi hứng thú đầu tư vào điện", ông Hùng nói.

Ông Lê Hòa Thắng, đại diện Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) cho hay, tập đoàn này đang phải đau đầu thu xếp vốn để đầu tư 5 nhà máy nhiệt điện than với tổng mức đầu tư khoảng trên 7,5 tỷ USD. Ngoài việc bỏ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, PVN lại phải lo ứng trước vốn để triển khai các mục cơ sở hạ tầng dùng chung. "Việc thu xếp vốn cho phần đầu tư này rất khó khăn vì hiệu quả đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn phụ thuộc vào các chủ đầu tư nhà máy nên các ngân hàng không mặn mà cho vay", ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam cho hay, năm nay, tập đoàn rất khó khăn vừa làm chủ đầu tư vừa làm nhà thầu. Những công trình được làm chủ đầu tư thì khó khăn về vốn, dự án nào làm nhà thầu thì chờ "dài cổ" không được thanh toán. Thủy điện Lai Châu làm mất 1.200 tỷ, nhưng vừa rồi mới được tạm ứng 200 tỷ đồng. Nếu EVN không tạm ứng thì tập đoàn sẽ rất khó khăn. Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nếu vay được lãi suất cũng trên 20% thì không đơn vị nào chịu nổi.

Cùng chung nỗi niềm trên, lãnh đạo Ban quản lý xây dựng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, vấn đề của năm 2011 cơ bản là nguồn vốn. EVN đã trình Chính phủ xin phát hành trái phiếu 1 tỷ đôla nhưng đến nay Bộ Tài Chính vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Theo các "ông lớn" này, khi xác định các dự án nhiệt điện là quan trọng thì Chính phủ cần xem xét một cách tổng thể, đưa ra các chính sách ưu đãi cho những dự án trọng điểm. Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần tăng hạn mức cho vay đối với các dự án đã ký hợp đồng vay nhưng chưa đủ hạn mức thanh toán.

Hoàng Lan