THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 April 2011

Tình trạng thua lỗ của các DNNN

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011-04-21
Việc thất thoát nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn luôn là vấn đề mà dư luận quan tâm.

AFP photo
Giao dịch tiền đồng VN tại một ngân hàng ở Hà Nội hôm 23/2/2011
Sau vụ đổ bể của tập đoàn đóng tàu Vinashin, nay lại là vụ thua lỗ hơn 3000 tỷ đồng của công ty cho thuê tài chính II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Công tác quản lý

Nhiều câu hỏi đặt ra tại sao những sai phạm làm mất mát tiền tỷ như vậy vẫn tiếp diễn, mà Việt Nam chưa có một biện pháp thật sự hữu hiệu để xoá bỏ hiện tượng này. Tiếng chuông cảnh báo về công tác quản lý và giám sát nguồn vốn, cũng như tính công, khai minh bạch của các doanh nghiệp Nhà nước một lần nữa lại được gióng lên.
Những kết cục đầy hệ lụy của tập đoàn Vinashin chưa kịp lắng xuống, những tin tức về vụ thua lỗ kinh doanh hơn 3000 tỷ đồng của công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (gọi tắt là Agribank) lại đang làm dấy lên làn sóng bất bình của người dân. Vì một doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, xét cho đến cùng, đồng vốn hoạt động của họ là dựa trên tiền đóng thuế, là mồ hôi công sức của người dân.
Công ty cho thuê tài chính II (gọi tắt là ALC II) có số vốn ban đầu chỉ hơn 300 tỉ đồng, được thành lập năm 1998, tận dụng sự đỡ đầu của Agribank, họ đã huy động được được cả chục ngàn tỉ đồng và "hào phóng" sử dụng.
Điều quan trọng hơn là luật pháp và những quy định về DNNN rất cần phải có sự giám sát và xem xét lại trước tình hình thất thoát như thế này.
T.S Lê Đăng Doanh
Đến hôm 16/4, cơ quan cảnh sát điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố lệnh bắt tạm giam đối với ông Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc ALC II, ngoài ra còn có ông Tôn Quang Việt, nguyên phó phòng cho thuê ALC II và ông Đặng Văn Hai, chủ tịch hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Quang Vinh về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
Kinh doanh thua lỗ nhiều năm, nhưng đến năm 2007, những khoản lỗ mới bị phát hiện. Tuy nhiên, ngân hàng chủ quản Agribank vẫn tiếp tục bảo lãnh và bơm vốn cho ALC II hoạt động. Theo báo chí trong nước đưa tin, kết quả kinh doanh năm 2009 của công ty ALC II này thua lỗ 3,000 tỉ đồng tương đương gấp 8,5 lần số vốn điều lệ và tiềm ẩn lỗ lũy kế của công ty trong năm 2010 còn cao hơn nữa.
Trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, ngay cả đến Chính phủ vì phải cân đối ngân sách nên chưa thể tăng lương cho công nhân viên nhà nước, thì số tiền thua lỗ chỉ của một đơn vị kinh doanh cỡ nhỏ thuộc hệ thống ngân hàng nhà nước lại lên đến 3000 tỉ đồng?
Phải chăng sự thua lỗ đó nằm ở những thương vụ kiểu ALC II mua một xe cẩu của công ty Quang Vinh với giá 65 tỉ đồng. Trong khi đó, chỉ 7 ngày trước, công ty  Quang Vinh mua chiếc xe cẩu này với giá chỉ chưa tới 32 tỉ đồng. Chỉ một vụ mua bán này đã cho thấy đầy đủ bản chất của hình thức kinh doanh lãng phí không bằng tiền túi, không bằng những đồng tiền chân chính mình làm ra.
Sự công khai, minh bạch, nhất là liên quan đến sử dụng nguồn vốn Chính phủ trong các doanh nghiệp nhà nước cần phải được xem xét hết sức nghiêm túc, vì đây là nhân tố hàng đầu trong hoạt động kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn thiếu.
Trích lời ông Fred Burke trên báo Bloomberg, cảnh báo các nhà đầu tư nước ngoài là nhiều doanh nghiệp nhà nước không có được sự minh bạch cộng với rủi ro trong kinh doanh sẽ khiến họ ngần ngại khi rót tiền vào Việt Nam. Về khía cạnh công khai, minh bạch này, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá vụ việc này như sau:
"Đây là một lần nữa sau vụ Vinashin, chúng ta lại thấy một ngân hàng lớn của Nhà nước lại để xảy ra những thất thoát lớn dưới hình thức là một công ty cho thuê tài chính trực thuộc mình, với số tiền 3000 tỉ, là số tiền rất là lớn, và nó thể hiện là vấn đề công khai minh bạch, với sự giám sát và vai trò của hội đồng quản trị, cũng như là người chủ sở hữu của công ty này rõ ràng là chưa đầy đủ.
Vì vậy là ngoài những người đã bị bắt trực tiếp, thì những người quản lý công ty này có trách nhiệm gì hay không. Và điều quan trọng hơn là luật pháp và những quy định về DNNN rất cần phải có sự giám sát và xem xét lại trước tình hình thất thoát như thế này."

Ai chịu trách nhiệm

Vụ việc thất thu của công ty cho thuê tài chính II không chỉ nằm ở góc độ minh bạch trong kinh doanh mà vấn đề mà dư luận thật sự quan tâm là ở trách nhiệm của những người đứng đầu doanh nghiệp, trước hết là chính ALC II và sau đó là của đơn vị chủ quản Agribank.
000_Hkg3891418-200.jpg
Ông Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin trả lời báo chí trong buổi lễ hạ thủy một con tàu mới tại thành phố Hải Phòng hôm 23/6/2006. AFP PHOTO
Một điều dễ nhận thấy ở các doanh nghiệp nhà nước khi làm ăn thua lỗ là họ "báo cáo" cho Thủ tướng, cho Chính phủ, tại sao họ không "báo cáo" và "giải trình" cho nhân dân số tiền thua lỗ đi về đâu và ai là người chịu trách nhiệm cụ thể. Đã có câu chuyện kể ăn cắp một con gà bị đi tù, vậy thì làm thất thoát 3000 tỉ sẽ chịu tội gì? T.S Lê Đăng Doanh cho biết tiếp:
"Vấn đề để cho thất thoát một khoản tiền lớn đến như vậy, và cũng như báo chí cho thấy đã được phát hiện ra không phải là mới đây, thì người ta cần phải đặt câu hỏi là trách nhiệm giải trình của những người chủ sở hữu này như thế nào và trách nhiệm giám sát của các cơ quan có liên quan như uỷ ban kiểm tra, hoặc vai trò của hội đồng quản trị ở đây và những người quản lý công ty này, từ trách nhiệm của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thì như thế nào. Đấy là những điều mà tôi thấy cần phải đưa ra phân tích và chịu trách nhiệm chứ không phải là chỉ có những người trực tiếp đã bị bắt rồi là những người chịu trách nhiệm duy nhất."
Trách nhiệm liên đới ở đây cũng phải nhắc đến là đơn vị kiểm toán nội bộ, nếu có sự giám sát liên tục thì làm sao sự thua lỗ lại lớn đến như vậy. Theo nguyên tắc, kiểm toán bên ngoài cho một doanh nghiệp nhà nước là 5 năm một lần, còn kiểm toán nội bộ là hàng năm.
Thế nhưng, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, từ năm 2007 đến 2009, Ban kiểm soát của Agribank (đơn vị chủ quản) đã không thực hiện bất kỳ một cuộc kiểm tra giám sát, không có bất kỳ một báo cáo nào về mức độ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, cũng như các kiến nghị nào đối với ALC II. Và sự việc phải để đến khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc mới phát hiện ra những sai phạm này. Các cụm từ như "quản lý lỏng lẻo" hay "giám sát thiếu chặt chẽ" xem ra đã quá nhàm.
Ngoài ra, dư luận cũng đang quan tâm là vì sao chuyện làm sai nguyên tắc ở các doanh nghiệp nhà nước vẫn là căn bệnh kinh niên. Cụ thể trong trường hợp ALC II này là họ đã vi phạm các quy định huy động tiền gửi ngắn hạn; hội đồng quản trị ban hành những văn bản không đầy đủ, trái với quy định nhà nước; quá trình thẩm định hồ sơ khi cho thuê có nhiều sai phạm; và đầu tư vào tài sản cho thuê nhưng không có cơ sở xác định giá cả của tài sản đó. 

Tính minh bạch

Để tránh được những "căn bệnh" như thiếu minh bạch, giám sát không chặt chẽ và sai nguyên tắc thì "liều thuốc" chữa sẽ là gì? Phải chăng, xét cho đến cùng vẫn là vấn đề con người và sử dụng con người. T.S Lê Đăng Doanh kết luận:
"Từ đây cần phải nhấn mạnh đến yêu cầu về công khai minh bạch, về trách nhiệm báo cáo và giải trình, về trách nhiệm liên đới và trực tiếp của người quản lý công ty này và cần phải thay đổi hẳn các quy định quản lý doanh nghiệp nhà nước. Kể cả việc bổ nhiệm các người lãnh đạo DNNN cũng cần phải công khai minh bạch, cũng cần phải có những tiêu chí rõ rệt.
... việc bổ nhiệm các người lãnh đạo DNNN cũng cần phải công khai minh bạch, cũng cần phải có những tiêu chí rõ rệt.
T.S Lê Đăng Doanh
Hiện nay việc bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo các DNNN là một quá trình không minh bạch, và điển hình là tập đoàn Vinashin sau khi bắt ông Phan Thanh Bình, đã bổ nhiệm thêm 2, 3 đời tổng giám đốc nữa, có tổng giám đốc cũng ngồi ở ghế đó 21 ngày rồi cũng bị bắt luôn."
Vẫn biết chuyện bắt giữ là bước đầu, bản kết tội là sau cuối, nhưng vẫn còn đó đau đáu câu hỏi dựa trên những tiêu chí nào để "chọn mặt gửi vàng" những người chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp nhà nước, những người sử dụng đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân. Không chỉ các nhà phân tích mà ngay qua các cuộc trao đổi qua điện thoại và thư email, nhiều thính giả thắc mắc phải chăng rồi đây, Agribank lại sẽ "tái cấu trúc" ALC II cũng như Chính phủ đã từng "tái cấu trúc" Vinashin và rồi sẽ lại còn những Vinashin hay ALC II khác trong tương lai?

Theo dòng thời sự: