1 Vụ kiện – 3 Vụ án – và 2 Nhà nước Pháp quyềnNguyễn Trung (*)
I. Một Vụ kiện
Năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm mờ nhạt những tin tức thời sự hàng ngày. Nhưng có một vụ kiện đã khiến cả thế giới quan tâm bởi vụ kiện này là một tiền lệ chưa từng có trên thế giới kể từ khi những Nhà nước do Dân vì Dân được lãnh đạo bởi Đảng Cộng Sản ra đời từ năm 1917. Đó là vụ thưa kiện ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa bởi Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam mà người đứng đầu là ông TT Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên – người đứng đơn kiện là ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Một người mà có lẽ mọi người chúng ta không quá xa lạ nếu như đã từng nghe qua nhạc phẩm "Ngậm ngùi".
Vâng. Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ chính là con trai của cố Nhà thơ Huy Cận – tác giả bài thơ Ngậm ngùi mà nhiều người trong chúng ta yêu thích. Bài thơ Ngậm ngùi đã được phổ nhạc thành bản nhạc cùng tên "Ngậm ngùi" mà sau mấy chục năm trời, người yêu nhạc Việt Nam vẫn còn biết đến bởi những lời thơ ý nhạc đầy du dương truyền cảm. Ngoài ra, ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ còn được nhiều người biết bởi sự cương trực cũng như hay giúp đỡ người yếu thế trước những áp bức của cường quyền.
Tòa án TP Hà Nội bác đơn kiện quyết định của Thủ tướng về quy hoạch bô xít
- Quyết định của Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội giải quyết khiếu nại của ông Cù Huy Hà Vũ
Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã có quyết định không xem xét giải quyết đơn khởi kiện của ông Cù Huy Hà Vũ đối với Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ (1).
Tiếc thay, vụ kiện ông TT Nguyễn Tấn Dũng đã không thể trở thành vụ án bởi Tòa án Hà Nội đã trả lại đơn kiện của ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ vì Tòa án Hà Nội không thể xử lý đơn kiện Thủ tướng.
II. 3 Vụ án
Năm nay, 2011, bóng ma của cuộc cũng khoảng kinh tế toàn cầu đã mờ dần. Dư luận của thế giới không còn mấy mặn mà với cái bóng ma khó ưa này (nhưng khủng hoảng kinh tế trong nước thì hình như lại đang hé lộ và có cơ bùng phát). Lại thêm, hương thơm của cuộc Cách mạng "Hoa Nhài" ở châu Phi, thảm họa động đất, sóng thần, và khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản đã chiếm trọn những bản tin nóng. Thế nhưng, dư luận của thế giới không thể nào bỏ qua hay bỏ quên 3 Vụ án sau đây bởi sự đặc biệt của nó.
Vụ án thứ nhất: Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi bị truy tố vì tội mua dâm trẻ vị thành niên và lạm dụng quyền lực.
(TNO) Một Thẩm phán của Ý đã ra phán quyết truy tố Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi vì tội mua dâm trẻ vị thành niên và lạm dụng quyền lực. Phiên tòa được ấn định bắt đầu vào 6.4 tới, theo tin Reuters.
Trong phán quyết hôm 15.2, nữ Thẩm phán Cristina Di Censo cho rằng đã có đủ bằng chứng để đưa vụ này ra xét xử. Cả ba Thẩm phán xét xử ông Berlusconi từ ngày 6.4 tới cũng đều là nữ. Còn trước đó, hàng trăm ngàn phụ nữ Ý đã đổ ra đường để bày tỏ sự tức giận đối với ông Berlusconi trong vụ xì-căng-đan tình dục này. Đây có lẽ là rắc rối chính trị nghiêm trọng nhất đối với ông Berlusconi từ trước đến nay. Một cuộc thăm dò trong tuần này, do tờ báo La Repubblicatiến hành cho thấy, gần 50% người Ý tin các cáo buộc chống lại ông Berlusconi là đúng sự thật (2).
- Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac
Vụ án thứ hai: Cựu Tổng thống Pháp ra hầu tòa với cáo buộc đã sử dụng công quỹ để chi trả cho các đồng minh chính trị khi ông đang làm Thị trưởng Paris.
TTO - Hôm nay 9-11, báo Le Monde đưa tin Thẩm phán tòa án Nanterre (Pháp) vừa ra phán quyết mời ông Jacques Chirac, cựu Tổng thống Pháp, ra hầu tòa với cáo buộc đã sử dụng công quỹ để chi trả cho các đồng minh chính trị khi ông đang làm Thị trưởng Paris.
Ông Chirac cũng bị tố cáo đã bổ nhiệm trái phép một số thành viên của Tập hợp vì nền cộng hòa - đảng của ông Chirac vào thời điểm đó - vào một số vị trí trong tòa thị chính, thời điểm ông làm Thị trưởng Paris từ năm 1977-1995. Đây là lần thứ hai ông Jacques Chirac bị cáo buộc tham nhũng và biển thủ công quĩ trong thời gian ông làm lãnh đạo thành phố từ năm 1977-1995. Đây được xem là một án lệnh chưa từng có với một cựu nguyên thủ quốc gia ở Pháp (3).
Vụ án thứ ba: Ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ sắp ra tòa về tội chống nhà nước.
- Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
Ngày 24/3, TAND Hà Nội sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử ông Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống nhà nước. Vợ ông Hà Vũ không tham gia bào chữa cho chồng. Theo một văn bản phát đi từ cơ quan điều tra, trong khoảng 240 trang tài liệu thu giữ của ông Cù Huy Hà Vũ có các bài viết với tiêu đề "Chiến tranh Việt Nam và ngày 30/4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ", "Phải đa đảng mới chống được lạm quyền"... Cơ quan điều tra cho rằng, có căn cứ khẳng định ông Cù Huy Hà Vũ đã "chuyển tải các tài liệu do mình làm ra cho một số cá nhân để sử dụng chống nhà nước" (4).
III. 2 Nhà nước Pháp quyền
Dư luận thế giới quan tâm đến vụ án thứ nhất bởi bị cáo là đương kim Thủ tướng của Ý. Thế giới không xa lạ gì với ông Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi bởi ông ta là một doanh gia giàu có và cũng là chủ của đội bóng thành Milan giàu truyền thống trong các Cúp châu Âu và ở Ý mà những người hâm mộ bóng đá đều quen gọi là AC Milan. Ông Silvio Berlusconi đã từng làm Thủ tướng của Ý nhiều năm trước đây cũng như đã từng bị ăn giày vào mặt đến chảy cả máu mồm. Thế nhưng, vụ án lần này có vẻ là khó gỡ cho ông Silvio Berlusconi. Nhưng điều mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây không phải là chuyện ông Silvio Berlusconi có phạm tội hay không. Cái điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là:
- Trong một quốc gia được điều hành bởi một Nhà nước Pháp quyền Dân chủ thì mọi công dân đều phải tuân theo Hiến pháp và Pháp luật cũng như bình đẳng trước Pháp luật.
Dư luận thế giới quan tâm đến vụ án thứ hai bởi bị cáo là một chính khách nổi tiếng của Pháp cũng như đây là lần đầu tiên một cựu Tổng thống Pháp phải ra hầu tòa kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Thế giới không xa lạ gì với ông cựu Tổng thống Pháp, ông Jacques Chirac bởi ông đã từng làm Thị trưởng Paris từ năm 1977 đến năm 1995. Sau đó thì ông Jacques Chirac làm Tổng thống của Pháp từ năm 1995 tới năm 2007. Trong khoảng thời gian làm Tổng thống Pháp, ông Jacques Chirac đã có công đưa vị thế của nước Pháp thoát khỏi cái bóng của Mỹ trên chính trường quốc tế. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua cuộc chiến tranh với Iraq do Mỹ khởi xướng và lãnh đạo.
Thế nhưng, những công lao và những đóng góp cho nước Pháp của ông cựu Thị trưởng Paris, ông cựu Tổng thống Jacques Chirac không thể đánh đồng với những sai phạm mà cơ quan Công tố cáo buộc trong thời gian ông Jacques Chirac làm Thị trưởng Paris. Bởi lẽ, cũng như nước Ý, Pháp là quốc gia được điều hành bởi một Nhà nước Pháp quyền Dân chủ. Do đó, mỗi công dân đều phải tuân thủ theo Hiến pháp và Pháp luật cũng như bình đẳng trước Pháp luật.
Một điều đáng nói thêm ở đây là vụ án của ông Jacques Chirac là một vụ án "hồi tố". Nghĩa là những sai phạm của ông cựu Tổng thống Jacques Chirac đã xảy ra cách đây rất lâu và cơ quan Công tố đã khởi tố sau khi ông Jacques Chirac rời nhiệm sở. Một lần nữa, vụ án của ông cựu Tổng thống Jacques Chirac đã cho thấy sự anh minh của thần Công lý trong một quốc gia được điều hành bởi một Nhà nước Pháp quyền Dân chủ. Tuyệt đối không có chuyện "hạ cánh an toàn" với quan chức của Chính phủ sau khi về hưu – cho dù người đó là Tổng thống.
Tuy không phải là Thủ tướng của Ý hay Tổng thống của Pháp như hai ông Berlusconi và ông Chirac, nhưng vụ án của ông Tiến sĩ Luật Cù Huy cũng được dư luận trong và ngoài nước quan tâm rất nhiều. Đơn giản, vì ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ chính là người đã từng đâm đơn để thưa ông đương kim TT Nguyễn Tấn Dũng ra tòa – một tiền lệ chưa từng có trên thế giới kể từ khi những Nhà nước do Dân vì Dân được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản ra đời từ năm 1917! Ngoài ra, dư luận trong và ngoài nước quan tâm đến vụ án của ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bởi vụ án này được bắt đầu với những "trò khỉ" rất hài hước.
Chúng tôi, những người dễ tính bởi những người sống dưới chế độ XHCN đều luôn dễ tính – đó là luôn phải tin những gì báo chí, loa phường rao giảng. Do vậy, chúng tôi tạm tin rằng ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã phạm cái tội mà chúng tôi tin chắc rằng không ai trong chúng ta muốn nhắc tới. Bởi vì nó quá thô thiển và nham nhở mà chỉ có những đạo diễn vụng về mới có thể nghĩ ra kịch bản tồi tệ này. Và như vậy, ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đáng bị trừng trị.
Thế nhưng, chỉ cách đây không lâu, có vị quan đầu tỉnh của tỉnh Hà Giang đã nhiều lần đu dây để chơi ba cái "trò khỉ" này. Dư luận đã biết rõ chuyện này trong nhiều năm trời. Bí thư tỉnh ủy Hà Giang và nhiều người trong các cơ quan đầu ngành của tỉnh Hà Giang đã biết chuyện "trò khỉ" của ông quan tô hô này. Tuy nhiên, không có ai dám đả động hay đem những chuyện "trò khỉ" ông quan tô hô này ra ánh sáng – dù đã có hình ảnh làm bằng.
Ông quan tô hô là quan chức của Nhà nước và là người đứng đầu một tỉnh. Còn ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một người dân thường. Điều này cho thấy sự nghiêm trọng trong cái vụ ưa chơi "trò khỉ" của ông quan tô hô gấp cả trăm lần vụ ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Vậy thì, cớ gì cơ quan công an lại rất sốt sắng trong vụ ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ mà lại rất thờ ơ với ông quan tô hô??? Một câu hỏi mà chắc không cần phải trả lời bởi nó quá rõ ràng.
Ngay sau khi ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt bởi cái "trò khỉ" thì hàng loạt báo chí loa phường cùng nhảy vào đánh bề hội đồng ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. Âu cũng là điều dễ hiểu – khi mà trong nước có cả hàng mấy trăm tờ báo nhưng chỉ có một Tổng biên tập. Nhưng có lẽ cái màn đánh hội đồng này cũng không đáng nói bởi những người này chỉ là những kẻ ăn cơm chúa nên phải múa tối ngày. Điều đáng nói ở đây là, chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ thì từ cái tội "trò khỉ", cơ quan công an đã gắn cho ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ cái tội "tuyên truyền chống nhà nước".
Những người quan tâm đến vụ ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt bởi cái "trò khỉ" đã thấy được con "bài tẩy" đầy lông lá của "loài khỉ" ngay sau khi cái tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" được đưa ra. Và họ, những người quan tâm đến vụ ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt cảm thấy dễ thở, dễ chịu hơn dù biết rằng tội trạng của ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ có thể bị nặng hơn với tội danh mới. Ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ cũng được dư luận quan tâm nhiều hơn cũng như được nhiều người ngưỡng mộ và mến phục với cái tội danh mới hơn là ba cái tội danh "trò khỉ" đầy vô duyên trước đây.
Thế nhưng, có đúng ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã phạm vào cái tội "tuyên truyền chống nhà nước" như cơ quan an ninh cáo buộc hay không? Không cần phải là Luật gia mới biết được ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ vô tội. Hơn thế nữa, ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một Công dân tốt và một Nhân sĩ yêu nước.
Đảng Cộng sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam vẫn thường khuyến khích người dân theo khẩu hiệu "Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra" và "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật". Như vậy, ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ chỉ làm bổn phận và trách nhiệm của một người Công dân của một nước.
Có rất nhiều người đã tham gia ký tên trong bản Kiến nghị dừng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo – Nhà văn Phạm Toàn và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng là một sự thật. Nhiều tờ báo điện tử trong nước đã gọi những người khởi xướng và tham gia ký tên Kiến nghị là "Nhân sĩ Yêu nước"! Điều này cho thấy tính chính danh cũng như những lo ngại từ các dự án khai thác bauxite là có thật. Do vậy, việc ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đâm đơn thưa ông TT Nguyễn Tấn Dũng ra tòa để dừng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên là chính đáng.
Ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trả lời các báo đài ở hải ngoại dựa trên quan điểm là nên bỏ điều 4 trong Hiến pháp là có thật. Thế nhưng, có đúng đây là một cái tội "tuyên truyền chống nhà nước" hay không? Hoàn toàn không. Những điều trong Hiến pháp có thể thay đổi mà không "Vi Hiến". Không có Luật pháp nào cấm đoán thay đổi những điều trong Hiến pháp bao giờ. Từ bản Hiến pháp năm 1946, chúng ta đã có bản Hiến pháp năm 1992. Như vậy há chẳng phải Hiến pháp đã được thay đổi đó ư? Người đầu tiên đưa ra ý tưởng thay đổi Hiến pháp hay đứng ra vận động để thay đổi Hiến pháp cũng không có tội vì Luật pháp không cấm những chuyện này.
Ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đưa ra ý kiến cần đa Đảng đa Nguyên là có thật. Thế nhưng, có đúng đây là một cái tội "tuyên truyền chống nhà nước" hay không? Hoàn toàn không. Đất nước chúng ta đã từng trải qua thời kỳ bao cấp –một thời kỳ đen tối của nước nhà trong thế kỷ XX. Vì sao thời kỳ bao cấp là một thời kỳ đen tối mà đến nay mỗi khi nhắc lại không ít người trong chúng ta phải rùng mình ghê sợ. Thời kỳ đen tối bao cấp là kết quả tất yếu của sự độc quyền.
Người tiêu dùng trong xã hội sẽ có sự lựa chọn những sản phẩm tốt nhất với giá thành vừa túi tiền một khi các nhà sản xuất cạnh tranh lành mạnh với nhau để chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Đây là một "nguyên lý". Nền kinh tế thị trường hiện nay là một minh chứng sống động cho nguyên lý trên đây. Như vậy, nếu tuân theo quy luật thị trường thì thiết nghĩ, đa Đảng đa Nguyên tuy hiện nay đang bị chối từ theo ý chí của Đảng, và chúng ta tuân theo là đúng thôi, song tương lai gần hay xa hẳn cũng không thoát khỏi quy luật nó sẽ trở thành một thị trường cạnh tranh lành mạnh mà trong đó các đảng phái là những nhà sản xuất, nhà cung ứng và hơn 85 triệu người dân Việt Nam sẽ là những người tiêu dùng có thể lựa chọn những sản phẩm tốt nhất mà mình có thể. Cù Huy Hà Vũ là người dự đoán điều đó thì có gì sai?
Ngoài ra, hai cái đầu bao giờ cũng tốt hơn 1 cái đầu – đó là điều đương nhiên. Trong Thế chiến thứ Hai, nước Đức đã khiến nhân loại đi vào con đường hủy diệt bởi nước Đức chỉ có 1 cái đầu của Hitler. Thời Liên Xô cũ, trong một đêm, người ta có thể tàn nhẫn để giết chết trên 20 ngàn sĩ quan ưu tú của Ba Lan bởi chỉ 1 cái đầu của Stalin. Hàng triệu người Liên Xô cũ đã bỏ mạng chỉ vì Liên Xô có mỗi một cái đầu của Stalin. Cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã khiến đất nước Trung Hoa đi vào con đường tàn lụi cũng như đã khiến hàng triệu người Trung Hoa chết thảm bởi lúc đó nước Tàu chỉ có mỗi một cái đầu của Mao Trạch Đông. Pôn Pốt và đồng bọn – những kẻ diệt chủng ở Campuchia đã tàn sát hàng triệu người Campuchia vô tội bởi vì bọn diệt chủng tàn ác này chỉ dùng một cái đầu của tên đồ tể Pôn Pốt. Cũng là Nam Bắc Hàn nhưng Nam Hàn thì hưng thịnh còn Bắn Hàn thì đói khổ bởi Bắc Hàn chỉ dùng có một cái đầu của Kim Chánh Nhật.
Và dẫu cho ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ góp ý có sai đi nữa thì có đáng để bắt giam ông ta hay không? Không đáng chút nào. Hàng ngàn người tham gia Kiến nghị dừng khai thác bauxite – nhưng Chính phủ vẫn tiến hành và bỏ ngoài tai tất cả. Cứ tạm cho rằng Chính phủ đã đi đúng đường thì tại sao Chính phủ không bắt giam hết mấy ngàn người tham gia Kiến nghị – những người đã góp ý sai???
Hơn nữa, thiết tưởng chuyện ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ góp ý đa Đảng đa Nguyên cũng không nguy hại tới an ninh, kinh tế của quốc gia như vụ con tàu ma Vinashin hay việc các tỉnh biên giới cho phép các công ty Trung Quốc thuê đất rừng trong thời hạn 50 năm với một giá rẻ mạt. Khi ông PPT Nguyễn Sinh Hùng đọc bản Kết luận của Bộ Chính trị trước Quốc hội vụ việc con tàu ma Vinashin thì ông TT Nguyễn Tấn Dũng đã ngồi nhịp tay với một cách hết sức vô tư, vô tâm, và vô cảm theo cái kiểu:
- Ừ. 5% GDP của cả nước thì to đấy. Nhưng chỉ cần có bản kết luận của BCT là xong ngay chứ gì!!
Thiết nghĩ, hình ảnh này của ông TT Nguyễn Tấn Dũng có ảnh hưởng tiêu cực hơn là những bài viết của ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ gấp nhiều lần. Dù đã được các vị lão thành cách mạng khẩn thiết nhắc đi nhắc lại cũng như báo chí, dư luận lo ngại trước vấn nạn Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn trong thời hạn 50 năm, nhưng đến nay, BCT vẫn không lên tiếng, Quốc hội vẫn không thể chất vấn Chính phủ. Thiết nghĩ, sự im lặng đáng sợ này nguy hại cho đất nước gấp trăm lần những bài báo của ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Thậm chí, những bài viết của ông Tiến sĩ Luật cũng không gây nguy hại cho Đất nước bằng những tư tưởng "Hoàng Sa –Trường Sa là bãi chim ỉa" và bài trả lời phỏng vấn báo Hoàn Cầu của ông Giáo sư Sử học Nguyễn Huy Quý. Bài trả lời phỏng đã từng khiến dư luận trong nước bất bình bởi sự nông cạn ngớ ngẩn đến khó hiểu. Một điều khó hiểu nữa là gần đây, Thông tấn xã Việt Nam đã trang trọng trích dẫn bài phỏng vấn này để nói tình Hữu Nghị Việt – Trung (5)!
Điều 54 Hiến pháp 1992 quy định "Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật". Thế nhưng "Đảng chỉ cho phép 15-20% Đại biểu là người ngoài Đảng cũng như giới hạn độ tuổi của người ứng cử Quốc hội". Thiết nghĩ, sự cấm đoán này nguy hại gấp trăm ngàn lần những bài báo của ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ bởi nó đã vi phạm Hiến pháp hay "Vi Hiến".
IV. Thay cho lời kết
Qua hai vụ án của ông Thủ tướng Ý và ông cựu Tổng thống Pháp, chúng ta có thể thấy rằng dù là người ở châu Âu, người ở châu Á, người ở châu Phi, hay người ở châu Mỹ cũng đều có tính xấu như nhau. Một khi có quyền lực thì cái ác cũng luôn chực sẵn trong người để làm bậy. Chỉ có thanh gươm Công lý nơi Pháp đình mới có thể ngăn chặn những cái ác của những con người đầy quyền lực này. Thế nhưng, cũng qua vụ án của ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ thì chúng ta đã thấy rằng thanh gươm Công lý chỉ hoạt động hữu hiệu trong một quốc gia được vận hành bởi một Nhà nước Pháp quyền Dân chủ. Nơi đó, tất cả các công dân đều phải tuân theo Hiến pháp và Pháp luật cũng như bình đẳng trước Pháp luật.
Bởi thế, mới có câu chuyện vui rằng một trận bóng đá ở Ý hay ở Pháp có hai đội bóng. Mỗi đội có 11 cầu thủ để tranh tài dưới sự giám sát của tổ trọng tài. Và trên khán đài thì có khán giả theo dõi trận đấu. Ngoài ra, còn có phóng viên ở ngoài sân để đưa tin.
Trong khi đó, một trận đấu bóng ở Việt Nam cũng có hai đội bóng. Chỉ có điều khác biệt là một đội có đủ 11 cầu thủ và đội kia chỉ có 1 cầu thủ. Và cuộc tranh tài không cần có trọng tài giám sát bởi đội bóng có 11 cầu thủ kia cũng chính là 11 trọng tài. Ngoài ra, khán giả và phóng viên cũng là những cầu thủ dự bị của đội bóng có đủ 11 người.
Bởi những điều trên, một Vụ kiện và ba Vụ án trên đây tuy xảy ra ở ba quốc gia khác nhau nhưng chỉ có 2 Nhà nước Pháp quyền – hoặc chúng ta sẽ có đủ 3 Nhà nước Pháp quyền sau ngày 4 tháng 4 tới đây. Câu trả lời còn đang ở phía trước, nhưng chỉ có Nhà nước Pháp quyền Dân chủ mới vững bền cũng như để xây dựng Đất nước hùng mạnh – đó là con đường duy nhất.
N.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(*) Nguyễn Trung này không phải tác giả "Thời cơ vàng".
(2) http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110216/thu-tuong-y-phai-ra-toa.aspx
(3) http://tuoitre.vn/The-gioi/410115/Cuu-tong-thong-Phap-Chirac-ra-hau-toa.html
(4) http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/03/ong-cu-huy-ha-vu-sap-ra-toa-ve-toi-chong-nha-nuoc-1/
(5) http://www.boxitvn.net/bai/18753
Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2011/03/1-vu-kien-3-vu-va-2-nha-nuoc-phap-quyen.html
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog
01 April 2011
# Re: 1 Vu Kien - 3 Vu an - va 2 Nha nuoc Phap quyen
Chưa bao giờ mình đọc bài viết từng chữ một, vì tác gỉa có tài sử dụng chữ không dư không thiếu, với những biện luật như một nhà toán học, diễn tả qua ngôn ngữ rất ư là chính xác.
Xin kính cẩn cúi đầu, khâm phục, khâm phục tác giả Nguyễn Trung.
In a message dated 4/1/2011 4:22:12 A.M. Eastern Daylight Time, lyvanxuan2006@yahoo.de writes: