Vi Anh
Theo dòng thời sự của Đài Á châu Tự do bén nhậy, việc Công an CS đánh đập người, đánh chết người là chuyện đồng bào trong nước gọi là " chuyện thường ngày của huyện". Làm như lúc nào không làm việc tàn ác đó thì công an CS của cái gọi là "lực lượng chuyên chính vô sản" của Đảng Nhà Nước Việt Nam Cộng sản ăn không ngon vậy. Việc công an CS đánh chết người dân đã trở thành phong trào mà đồng bào trong nước rất bực tức và các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền rất phản đối. Nhưng như "đờn khảy tai trâu", người ta chưa thấy dấu chỉ "sửa sai" hay "uốn nắn" nào coi cho được, chớ đừng nói trừng trị đúng theo luật pháp.
Thực vậy, mới đây nhứt có vụ Trung tá công an đánh gẫy cổ dân đến chết, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội sau những vụ mà Đài Á Châu Tự do đã toan tải và phân tích. Từ ngày 26-3, năm 2010 có tin "Hà Nội: thêm một thanh niên bị công an tra tấn đến chết". "Công an triệu tập dân oan Bình Thuận với lý do khó hiểu?", Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị đánh đập trong tù", "Video: Công an Đà Nẵng đánh chết một giáo dân Cồn Dầu","Vụ công an đánh chết người ở Bắc Giang theo lời kể của người dân địa phương", "Thiếu úy công an đánh chết người tại trụ sở", "Thêm một vụ công an đánh người mang thương tích," "Người dân khu Eden bị tấn công","Nữ sinh vi phạm luật giao thông bị công an bắn", "Tranh chấp giữa công an và người dân ở Thanh Hóa, một cháu bé thiệt mạng", v.v... còn nhiều; đến ngày 9 tháng 3, năm 2011 là tin "Trung tá công an đánh gẫy cổ dân đến chết" nói ở trên.
Xin nhấn mạnh trên đây là số vụ công an CS đánh dân chết mà Đài Á châu Tự do chánh thức ghi nhận được. Con số thực tế ở nơi hẻo lánh, người dân thấp cổ bé miệng không dám khai báo, không dám thưa kiện do công an áp lực, dàn xếp, bưng bít ắt còn nhiều hơn nữa.
Công tâm mà nói ở xứ nào cũng có việc công an đánh người vì nghề công an cảnh sát là thi hành công lực, ngăn chận những tội phạm, giữ an ninh trật tự cho xã hội, đi sát với dân thì phải đụng chạm với người. Vã lại cảnh sát cũng là con người dù được huấn luyện cách ứng xử, thi hành nhiệm vụ, nhưng cũng có lúc không kiểm soát được cảm tính, phản xạ, không tự chủ được, kềm chề được, nhứt là khi đứng trước những trường hợp có thể bị tấn công chết người.
Nhưng hầu hết những phản ứng không cần thiết, quá mức, ngoài nhiệm vụ của nhân viên công lực đều bị những người bị thiệt hại, báo chí, các hội đoàn bảo vệ nhân quyền đưa ra toà, đưa ra ánh sáng xét xử.
Nhưng trong chế độ CS thì khác. Công an có quyền thế rất lớn đối với Đảng Nhà Nước. Người đứng đầu ngành công an ở chánh phủ, đô, tỉnh, thị, quận, huyện thường có đảng quyền cao hơn trong đảng bộ đối với toà án và viện công tố. Và đa số thẩm phán xử án và viên chức nắm quyền công tố xuất thân từ công an.
Còn báo chí là của Đảng Nhà Nước CS chỉ khai thác những tin không bị cấm kỵ thôi. Công an vì có quyền lớn với Đảng Nhà Nước nên cũng có quyền lớn với nhân thân của nhà báo; nên báo chí cũng phải thủ kỹ, khai thác dè dặt những bê bối của công an.
Đảng Nhà Nước CS lại mặc thị giao cho công an toàn quyền khống chế và khủng bố chánh trị, như sữ dụng du đảng trấn áp những người dân bất đồng chánh kiến kể cả quí vị lãnh đạo các tôn giáo là những người theo truyền thống được trọng vọng trong xã hội VN.
Những truy tố, cáo buộc và cung từ của công an ít có "viện kiểm soát nhân dân", vị chánh án nào dám bác bỏ một phần hay toàn phần, ra lịnh điều tra lại, thẩm cung lại đối với công an vốn là cơ quan dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của toà án và viện công tố.
Luật pháp phổ thông có câu, ai có thể làm điều lớn được thì làm điều nhỏ được. Công an quá rộng quyền khủng bố chánh trị nên dễ lộng quyền, lộng hành về hình cảnh (hình sự và vi cảnh). Nên việc công an đánh chết người chỉ vì chạy xe không có mũ an toàn, nói điện thoại, hay tra tấn ép cung chết người tại trụ sở là chuyện nhỏ đối với công an CS.
Công an lại càng làm tới vì nguyên tắc chiếu cố của Đảng, qui tắc "xử lý nội bộ" của các "cơ quan, ban ngành" nhà nước. Thêm vào đó chế độ CSVN có một rừng luật. Mà công an, cảnh sát là người nắm luật, thi hành luật đối với dân nên công an cảnh sát dễ dùng luật rừng và có cả 1001 viện lý, viện lẽ bao che cho nhau, bưng bít. Và từ đó coi dân như cỏ rác và chế độ trở thành siêu cảnh sát trị.
Đa số những vụ công an đánh chết người, lý do nghe tưởng như đùa. Người ngoại quốc đọc chắc khó tin. Ai đời chạy xe thiếu nón an toàn, đi xe lột nón bảo hiểm để nghe điện thoại mà bị cảnh sát bắt đánh chết. Đa số các vụ chết vì công an cảnh sát muốn dấu nhẹm, bao che nhau không, không chở hay không cho thân nhân đưa đi bịnh viện cứu cấp khi thương tích nguy ngập .
Tóm lại tệ nạn công an đánh chết người dân trở thành phong trào vì hai lý do. Một là không trừng trị đúng mức. Do ảnh hưởng và can thiệp ngầm của công an cảnh sát, đa số các vụ thưa kiện công an bị đánh bùn sang ao, hay ngâm dấm và xử chìm xuồng nội bộ. Báo chí cũng tránh né, không đưa ra ánh sáng đúng mức. Không mở cuộc điều tra, phổ biến nhiều lần, đặt thành vấn đề với các cơ quan công quyền có liên quan như thượng cấp công an, biện lý, tòa án.
Nhưng hai là quan trọng nhứt, do đường lối của Đảng Nhà nước CS Hà nội cho công an gần như toàn quyền khủng bố chánh trị, một thứ quyền quá lớn nên việc lộng quyền hình cảnh là chuyện thuờng.
Bao lâu mà nước Việt Nam còn do Đảng CSVN độc tài đảng trị toàn diện, thì chế độ cai trị còn là chế độ siêu cảnh sát trị, công an cảnh sát còn là lực lượng chuyên chính đối với người dân, thì việc công an đánh chết người có tăng, chớ không có giảm. Tệ nạn này sẽ như tham nhũng, thành quốc nạn cho quốc gia dân tộc VN trong thời mạc pháp, quỉ đỏ hoành hành./.( Vi Anh) |