17/01/2011 0:07
Không chỉ mứt, bánh kẹo hay trái cây đóng hộp, giờ đây hương vị tết Việt cũng đã lên máy bay sang nước ngoài để chung vui với bà con kiều bào với đủ những sản vật truyền thống. Cầu thực Theo ông Huỳnh Công Thành, GĐ Công ty lương thực TP.HCM, đến thời điểm đầu tháng 1.2011, các hợp đồng xuất khẩu gạo sang nước ngoài phục vụ bà con ăn tết đã giao hết. Các thị trường Hồng Kông, Singapore, Pháp có những phản ứng rất tích cực. Ngoài yếu tố tết ra, bà con cũng đã tìm về sản phẩm truyền thống bởi chính cách thức phục vụ cũng như sản phẩm quê nhà: "Dân mình bên đó đang dần thay đổi thói quen ăn gạo Thái Lan. Thực tế thì gạo mình cũng thơm ngon trong khi giá mềm hơn". Làm xuất khẩu bánh chưng hơn 5 năm nay, cơ sở Trần Gia tại Biên Hòa, Đồng Nai có một cách nhìn khác về thị trường: "Ở Mỹ hay Canada, người Việt tập trung nhiều, cái gì họ cũng có lâu rồi. Trong khi tại châu Âu, người Việt thành đạt nhiều hơn, họ cũng am hiểu văn hóa nhưng công việc, cuộc sống họ bận rộn hơn, trong khi cộng đồng lại sống thưa thớt, không tập trung", ông Trần Thanh Toàn, phụ trách đối ngoại của Trần Gia, cho biết. Từ những nhận định đó, ông Toàn suy ra được "cầu" về hàng hóa tại các thị trường là khác nhau, qua đó để đưa hàng xuất khẩu sang cho phù hợp. Chẳng hạn như ở Mỹ, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, thịt hộp... đã có sẵn ngoài siêu thị hết rồi, ngoài ra, qua tìm hiểu, ông biết bên ấy nhà nào cũng có... nồi áp suất. Thế nên, với thị trường Mỹ, Trần Gia chủ yếu xuất lá dong. "Bà con muốn tự tay gói bánh chưng mà, vậy thì mình phải hỗ trợ lá dong chứ. Trong khi tại châu Âu, họ đâu có thời gian hay công cụ để đun nấu, nên mình xuất sang đó bánh chưng thành phẩm". Đường ra thế giới
Khoảng năm 2005, khi Trần Gia xuất được lô bánh chưng thành phẩm đầu tiên ra nước ngoài thì cái mừng của họ không phải là bán lời lãi mà chính là cái cách họ vận động được để cho bánh chưng xuất ngoại hợp pháp. "Trước nay, theo quy chế về an toàn vệ sinh thực phẩm thì gạo nếp, thịt lợn hay đậu xanh đều đã có tiêu chuẩn, có tiêu chuẩn thì mới xuất được đi nước ngoài", ông Toàn nói. Theo ông Toàn, trớ trêu nhất, bánh chưng - tổng hợp của 3 nguyên liệu chính trên - lại không có tiêu chuẩn chung. Thế là lại phải nghĩ ra trăm phương ngàn kế để lo cái chứng nhận tiêu chuẩn cho hỗn hợp gạo nếp - thịt lợn - đậu xanh. Để bánh chưng xanh đảm bảo chất lượng và thời gian bảo quản, những người làm nghề gia truyền cũng phải học cách xử lý bằng những công nghệ tân tiến như làm phản ứng sốc nhiệt, loại trừ vi sinh, tăng cường diệp lục cho lá để giữ màu xanh lâu. Khát vọng Việt Theo bà Hoàng Ny, chủ cơ sở bonsai và mai vàng Thanh Tâm, năm nay hứa hẹn một thị trường mai sôi động. Bước qua tháng 1.2011, cơ sở bà đã xuất được khoảng 20.000 cây mai loại nhỏ sang thị trường Singapore và Thái, chủ yếu xuất trực tiếp cho các nhà vườn bên này để họ dưỡng lại, bán cho kiều bào. Ngoài ra, Thanh Tâm còn xuất bonsai với dạng hình thù 12 con giáp cho bà con mua về chưng tết. "Năm nay mai nhỏ không nhiều, giá lại cao, chúng tôi cũng phải cân đối để phục vụ". Theo bà Ny, "bán mắc, mình nhảy qua không nổi" nên Thanh Tâm chú trọng vô phân khúc mai nhỏ, cỡ 25 - 30 cm/chậu, giá chưa đến 100.000 đồng/cây. Với Trần Gia, trong một năm họ xuất khẩu bánh chưng vào hai dịp chính: Tết Đoan ngọ 5.5 âm lịch và Tết cổ truyền. Riêng đợt tết năm Tân Mão, Trần Gia đã xuất khoảng 17 tấn bánh chưng sang các thị trường Pháp, Đức, Canada, Mỹ... theo hai dạng xuất trực tiếp và xuất qua gia công cho các công ty xuất nhập khẩu. Dù xuất dạng nào thì quan điểm gìn giữ truyền thống của Trần Gia rất đáng ghi nhận. "Chúng tôi bán chất lượng để làm thương mại. Chúng tôi không bán rẻ uy tín để làm thương mại", ông Toàn chia sẻ. Khi đến trực tiếp cơ sở của ông Toàn mới cảm nhận được kỷ luật sắt trong một doanh gia truyền thống. Bà Huệ, mẹ ông Toàn, là "đại quản gia". Bố ông Toàn thì lo "chăm sóc khách hàng". Có chuyện bố ông Toàn từng vô tận một siêu thị nhập bánh chưng của mình và đòi đuổi việc một nhân viên tại đây vì bảo quản hàng của ông không chu đáo. Chuyện đến tận tai vị tổng giám đốc, vì đây là siêu thị có yếu tố nước ngoài nên họ rất chuyên nghiệp và chia sẻ, cuối cùng nhân viên nọ bị đuổi việc. Ông Toàn còn dự tính mở website bảo tồn bánh chưng, xây nhà vườn trưng bày bánh chưng và rất nhiều thứ khác. Truyền thống là điều ông đặt rất nặng: "Dù chưa phải là đặc sản nhưng hamburger, pizza hay KFC đã vô được Việt Nam và sống được. Trong khi, bánh chưng là đặc sản không thể thiếu trong ngày tết của người Việt Nam, tại sao mình không quảng bá, phát triển, để cho chính người nước ngoài bên đó phải dùng, phải thích?". Nguyễn Lê Nguyên |