THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 January 2011

Đến quán cà phê học cách tư duy


Thứ Năm, 06/01/2011, 06:45 (GMT+7)


TT - Những khó khăn, phức tạp trong cuộc sống, học tập khiến không ít bạn trẻ lúng túng, thậm chí rơi vào bế tắc...

TS Lưu Nguyễn Nam Hải (bìa phải) trao đổi với các bạn trẻ tại "Cà phê học thuật" sáng 5-1 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Vấn đề này đã được nhiều bạn trẻ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp vượt qua khó khăn bằng mô hình mind map (bản đồ tư duy) tại quán cà phê trong chương trình "Cà phê học thuật" do Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức sáng 5-1.

80% sinh viên "bí" khi trình bày ý tưởng

Không gian quán cà phê của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM trở nên chật hẹp khi hàng chục người trẻ tìm đến trao đổi về phương pháp tư duy. Ở đó có các giảng viên trẻ, sinh viên... nhưng không có diễn giả. Tất cả mọi người đều là khách mời đã cùng ngồi lại với nhau đưa ra quan điểm của mình trong một không gian "học thuật" đặc biệt.

Việc hệ thống lại kiến thức đã học hay trình bày ý tưởng của mình là một trong những mặt hạn chế của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. 80% sinh viên gặp khó khăn trong việc sắp xếp, trình bày ý tưởng là con số được Trâm Anh, sinh viên khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, đưa ra. Thông tin này không quá bất ngờ với nhiều bạn trẻ tại "Cà phê học thuật". Cũng chính từ trăn trở này Trâm Anh đã làm luận văn tốt nghiệp với đề tài "Sơ đồ tư duy trong kỹ năng thuyết trình".

Trâm Anh cho rằng thuyết trình là một phần quan trọng trong cuộc sống, làm việc nhưng nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong việc này. "Bản đồ tư duy giúp hệ thống lại kiến thức bằng hình ảnh nhằm tăng khả năng ghi nhớ, sáng tạo cho bộ não. Mình muốn đến đây để chia sẻ kết quả nghiên cứu và mong muốn thành lập câu lạc bộ những người sử dụng bản đồ tư duy" - Trâm Anh tâm sự.

Bạn Châu Ngọc Thu Thu, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết bạn thường sử dụng bản đồ tư duy trong học tập. "Việc lập kế hoạch hằng ngày theo bản đồ tư duy sẽ giúp giải quyết công việc dễ dàng, hiệu quả hơn rất nhiều. Với bản đồ này tôi thường giải quyết tốt 70% công việc" - Thu chia sẻ. Nhưng vấn đề Thu gặp phải là khi trình bày có quá nhiều ý nên không thể hiện được đầy đủ trên bản đồ.

Trong khi đó, bạn Cát Lượng, sinh viên năm nhất Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cũng áp dụng bản đồ tư duy cho bài thuyết trình đầu tiên của mình ở lớp nhưng không được thầy giáo đánh giá cao. Những rắc rối của các bạn này liền nhận được sự chia sẻ tận tình từ nhiều người đi trước.

Hãy coi bản đồ tư duy như một công cụ

TS Lưu Nguyễn Nam Hải (quyền trưởng phòng khoa học - công nghệ - hợp tác và sau ĐH Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho rằng trong công việc, vấn đề trình bày ý tưởng, thuyết phục người khác rất quan trọng. Nếu ý tưởng của bạn được chọn, bạn sẽ thành công. TS Hải nói: "Bản đồ tư duy là công cụ rất hữu hiệu trong cuộc sống, giúp bạn thể hiện tư duy của mình, thuyết phục mọi người và quản trị thời gian hiệu quả".

Tuy nhiên anh Phan Thắng, đến từ Công ty Vinawin ở TP.HCM, lại cho rằng không nên rập khuôn ý tưởng trong một bản đồ tư duy khuôn mẫu nào vì điều này sẽ bóp chết sự sáng tạo. "Cần mạnh dạn bẻ gãy tư duy sẽ tìm ra cái mới. Cái mới luôn có ích cho cuộc sống, đó là sự sáng tạo" - anh Thắng nói.

TS Lưu Nguyễn Nam Hải đồng tình với các ý kiến cho rằng không nên suy nghĩ theo lối mòn. Theo anh, không ít sinh viên đang bị "rào" trong lối suy nghĩ đầu tư vào môn học phải đạt điểm cao cuối kỳ. Và điểm cao có được bằng cách trả lời mọi câu hỏi theo đúng cách thầy cô hướng dẫn. Chính vì điều này nên khi đối diện với một vấn đề nào ngoài sách vở cần phải giải quyết ngay, sinh viên VN rất chậm trong việc tìm ra một giải pháp.

"Hãy coi bản đồ tư duy chỉ là công cụ. Nó chỉ giúp bạn hiệu quả hơn khi giới thiệu ý tưởng của mình. Điều quan trọng hơn là việc nảy sinh ý tưởng. Chính những suy nghĩ khác biệt sẽ tạo sự đột phá mới đưa đến thành công" - TS Nam Hải chia sẻ.

TRẦN HUỲNH