Thứ hai, 22/11/2010, 19:03 GMT+7
|
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: "'Tôi chưa bao giờ hứa chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép'. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Kim Phương hỏi: "Bộ trưởng đã hứa giải quyết tình trạng quá tải, nhưng Bộ thừa nhận đến nay vẫn còn tình trạng nằm ghép ở các bệnh viện tim mạch, ung thư, nhi… Sắp kết thúc nhiệm kỳ của Bộ trưởng, lời hứa giảm tải không đạt, mà còn trầm trọng, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?".
"Tôi nói là chấm dứt nằm ghép? Đây là câu chuyện tầm phào thôi", ông Triệu khẳng định. Đọc lại nguyên văn đoạn bóc băng trả lời đại biểu Nguyễn Tấn Tuân tại kỳ họp thứ 2 năm 2007, Bộ trưởng nói: "Bộ quyết tâm giảm tải được bao nhiêu dân đỡ khổ bấy nhiêu, nhưng còn phụ thuộc vào mô hình bệnh tật, vào điều kiện kinh tế... Hôm nay có truyền hình trực tiếp, tôi nói với toàn dân rằng Bộ Y tế rất quyết tâm, còn hứa 2, 3, 4, 5 năm thì chưa bao giờ".
Ngoài vấn đề giảm tải, tình trạng tăng giá thuốc cũng làm nóng nghị trường.Đại biểu Lê Thị Nguyệt hỏi: "Giá thuốc do nhà nước quản lý, Bộ trưởng đã trả lời sẽ làm và sẽ giải quyết, tuy nhiên vấn đề này tồn tại bức xúc trong dân, chưa biết bao giờ giải quyết. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước về giá thuốc như thế nào?".
Thấu hiểu bức xúc của đại biểu cũng như cử tri, Bộ trưởng Triệu dành khá nhiều thời gian để trả lời câu hỏi này. Dẫn ra báo cáo của Tổng cục thống kê thì trong 11 tháng qua, giá các mặt hàng tăng trung bình 8,6%, nhưng giá thuốc chỉ tăng 3,2%, Bộ trưởng cho biết các đoàn liên ngành đi kiểm tra và đã lý giải tại sao có sự tăng giá một số loại thuốc.
Theo ông Triệu, đó là 95% loại thuốc tuân theo quy luật thị trường hoàn hảo (đủ nhiều công ty sản xuất, tự bàn tay vô hình của thị trường kéo về sát hợp lý). 5% thuốc còn lại tuân theo thị trường không hoàn hảo, sản xuất chưa đủ nhiều, vì là thuốc mới phát minh, có giá trị cao, được độc quyền 20 năm không ai được sản xuất.
Ông Triệu cho biết 5% tương đương khoảng 1.000 loại thuốc là điều nhức nhối của mọi quốc gia. Ấn Độ còn lập hẳn Ủy ban giám sát giá thuốc, hay Canada lập ban duyệt giá thuốc trực thuộc Chính phủ. Còn ở ta, giá thuốc nhà nước can thiệp, và quan trọng là làm sao mò ra được giá trần để các bên đều chấp nhận.
"Cha ông ta nói buôn 9 bán 10, đừng để buôn 9 bán 20. Chúng tôi đã có sự phân công rạch ròi từng bộ ngành để làm sao tìm được giá trần. Nhưng báo cáo đại biểu còn một số thuốc được xách tay. Giờ không thể cấm chợ, ngăn sông, trong khi đường biên giới dài, ta đã vào WTO. Một số lực lượng phối hợp với nhau nâng giá thuốc. Chúng tôi cũng day dứt lắm, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nhiều lần, và đang phối hợp với các bộ để kiểm soát", ông Triệu nói.
Bộ trưởng cũng chỉ ra một khe hở của pháp luật: "Luật dược ban hành năm 2005, khi đó tôi còn chưa về làm Bộ trưởng, luật thiên về thị trường hoàn hảo, chưa quan tâm đến 5% thị trường không hoàn hảo, ví dụ luật quy định tự định giá thuốc. Theo tôi 5% loại thuốc cơ chế có lẽ phải khác, phải có cơ chế quản lý. Chúng tôi cùng với Ủy ban Các vấn đề xã hội đã tổ chức nhiều hội thảo để cố gắng giảm bớt tình trạng như đại biểu nêu".
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Dũng tại sao dân số đứng thứ 13 thế giới mà chưa sản xuất được gram kháng sinh nào, Bộ trưởng Triệu báo cáo ngay đã sản xuất được kháng sinh và hầu hết văcxin phục vụ tiêm chủng mở rộng. Ông cũng dẫn ra thực tế không chỉ VN, một số cường quốc kinh tế cũng phải nhập nguyên liệu sản xuất dược, hiện chỉ có 20 nước sản xuất ra nguyên liệu hóa chất cạnh tranh và trụ được.
"Kể cả Nga cũng phải nhập thuốc 50%. Giống như rất nhiều nước sản xuất máy bay, nhưng không bán được, vì còn có sự phân công, hình thành lợi thế. Lợi thế của ta là nông nghiệp, sản xuất gạo, dễ gì mà các nước Ăngola, Mozambic rộng thế mà đã sản xuất được", ông Triệu nói khiến cả hội trường một lần nữa lại xôn xao tiếng cười.
Phần trả lời của Bộ trưởng Y tế được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá là "suôn sẻ, vui vẻ, nhưng chắc là không tầm phào". "Ngành y tế rất cố gắng, trình độ chữa bệnh, phương tiện của chúng ta ngày càng nâng cao, so sánh với các nước quan khu vực ta có thể lạc quan. Tuy nhiên người nghèo khó có điều kiện chăm sóc sức khỏe, trong ngành đây đó có hiện tượng người dân không hài lòng về y đức của cán bộ y tế. Quan trọng là bộ trưởng đã thấy và có hướng khắc phục", ông Trọng nói.
Hồng Khán
h