THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 November 2010

Bộ trưởng Công thương - trả lời câu nào cũng bị hỏi lại

Nhận được 38 chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ được chất vấn nhiều nhất trong kỳ họp này. Ông cũng là người được phân công đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn sáng 22-11.

Nội dung chất vấn liên quan nhiều vấn đề lớn: Tình trạng thiếu điện trầm trọng, điều hành hồ thủy điện, hiệu quả kinh tế dự án bauxite Tây Nguyên cùng an toàn bùn đỏ, nhập siêu, công nghệ phụ trợ èo uột...

Đến từ Ninh Thuận, địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương nhận xét văn bản trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, rằng hồ thủy điện xả lũ vừa qua "vô can, không ảnh hưởng gì" đến tăng lũ dưới hạ lưu, là còn rất chung chung. Trong khi ý kiến cử tri là phá rừng làm hồ thủy điện ở miền Trung-Tây Nguyên chỉ góp phần gây lũ dữ, là "đánh cược với thiên nhiên mà phần thua chắc chắn thuộc về con người".

Dừng 38 thủy điện nhỏ

Hạ nhiệt bức xúc của người chất vấn, Bộ trưởng Hoàng thưa với QH là: "Tôi chưa hề có câu trả lời nào khẳng định sự không liên quan của thủy điện nhỏ đối với mưa lũ vừa qua", đồng thời "xin rất chia sẻ" với thiệt hại của đồng bào. Trong 230 dự án thủy điện nhỏ trên toàn quốc, miền Trung-Tây Nguyên hiện đang triển khai 90 dự án. Hầu hết các dự án này, theo lời Bộ trưởng Hoàng, hồ chứa không có chức năng điều tiết lũ do sông ngắn, dốc.

Sau diễn biến thời tiết bất thường, Bộ Công thương đã phối hợp với địa phương rà soát lại, bổ sung thêm nhiệm vụ điều tiết lũ cho hồ thủy điện A Vương. Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành hai quy hoạch vận hành liên hồ chứa, nhóm A Vương, Đắc My 4, Sông Gianh 2 (thuộc lưu vực sông Vũ Gia, Thu Bồn) và nhóm liên hồ trên sông Ba Hạ, Hinh, Krông Hnăng, Yaun Hạ và An Khê. Hai quy hoạch này ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn công trình và nhiệm vụ điều tiết giảm lũ hạ du, thứ ba mới là mục tiêu phát điện.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (trái): Tôi chưa  khẳng định sự không liên quan của thủy điện nhỏ đối với mưa lũ vừa qua. ĐB Phạm Thị Loan (giữa): Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn giữ cách trả lời dài dòng, lan man mà một số ĐB cho là câu giờ. ĐB Trần Du Lịch (phải: Nguyên nhân  chính  của nhập siêu là công nghiệp phụ trợ yếu. Vậy ba năm qua, Bộ đã làm được gì?

Cũng rà soát lại quy hoạch thủy điện miền Trung trong điều kiện biến đổi khí hậu khốc liệt, ông Hoàng cho hay đã không triển khai hoặc thu hồi quyết định triển khai với 38 dự án thủy điện nhỏ.

Lời hứa ba năm đã làm được gì?

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn tình trạng nhập siêu ngày càng tăng, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc chiếm đến 90% tổng nhập siêu cả nước. Giải pháp của Bộ trưởng là gì? Ông Hoàng trả lời hiện hai nước đang đàm phán quy hoạch thương mại năm năm Việt-Trung theo hướng giảm chênh lệch cán cân thương mại. Đồng thời, bộ công thương hai nước đã ký thỏa thuận, trong đó Trung Quốc ghi nhận 18 nhóm mặt hàng sẽ chỉ đạo để nhập nhiều hơn.

Chuyên gia kinh tế-ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nói từ kỳ họp QH cuối 2007 đã cảnh báo với Bộ trưởng nguyên nhân chính của nhập siêu là công nghiệp phụ trợ yếu, nền kinh tế chủ yếu gia công, tỉ lệ nội địa hóa thấp. Lúc ấy, Bộ trưởng đồng tình và hứa sẽ đề xuất chính sách. "Lần đầu tiên có một Bộ Công thương quản lý xuyên suốt, vậy ba năm qua, Bộ đã làm được gì? Và cứ thành công xuất siêu sang Mỹ, Tây Âu để đủ bù nhập siêu từ Trung Quốc thì phải chăng đây là rủi ro vĩ mô?".

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình cuối 2007 đã tham mưu và Thủ tướng đã ban hành chương trình sản xuất cơ khí trọng điểm, đến nay đã phê duyệt đề án sản xuất cầu trục, thiết bị cơ khí, động cơ diesel… Cho rằng các giải pháp mà bộ trưởng Công thương nêu ra chưa căn cơ, ông Lịch đăng ký phát biểu tiếp. Ông nêu kinh nghiệm Hàn Quốc, và chỉ ra rằng phát triển công nghiệp phụ trợ không thể chỉ bằng văn bản của Chính phủ. Ông Lịch cũng cảnh báo công nghiệp phụ trợ không thể dựa vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà là vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiệt điện chậm tiến độ: Trách nhiệm ở chủ đầu tư

Về tình trạng thiếu điện, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn về việc chậm thực hiện tổng sơ đồ 6 về phát triển nguồn điện, trong đó có hiện tượng nhiều dự án nhiệt điện do công ty Trung Quốc thực hiện dạng EPC đưa công nghệ lạc hậu vào. "Nhà thầu Trung Quốc qua được giai đoạn yêu cầu kỹ thuật và lại cạnh tranh về giá nên được lựa chọn. Còn một số dự án Trung Quốc giúp ta xây dựng theo hình thức BCC thì có khiếm khuyết nhưng phần nhiều rơi vào thiết bị phụ. Thiết bị chính như lò hơi, máy phát không có vấn đề gì" - Bộ trưởng Hoàng trả lời.

Được Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu giải trình bổ sung, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh hầu hết dự án nhiệt điện chậm tiến độ 2-3 năm và có vấn đề về kỹ thuật. Ông phân tích, giống như đấu thầu mua ôtô cùng dung tích, Hyundai, Toyota, Mercedes là khác nhau nhưng chủ đầu tư phải biết lấy tiêu chuẩn Mercedes. Nếu các hãng khác đáp ứng được thì mới xét tiếp về giá. Còn trong các dự án nhiệt điện, "năng lực nhà thầu có vấn đề và trách nhiệm là ở chủ đầu tư. Chủ đầu tư chưa đủ trình độ gài vào hồ sơ mời thầu những điều kiện kỹ thuật để chọn nhà thầu tốt nhất".

Hồ bùn đỏ Việt Nam an toàn hơn Hungary

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) chất vấn về mâu thuẫn trong dự án bauxite: Nhà máy không đặt ở nơi thuận lợi hơn mà lại ở Tây Nguyên. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ và báo cáo Bộ Chính trị. Nếu thuần túy hiệu quả kinh tế thì đặt nhà máy gần biển thì hiệu quả cao hơn. Nhưng đây là dự án quan trọng quốc gia, phải xem xét hiệu quả tổng hợp, tác động lan tỏa. Vì vậy, Chính phủ quyết định đặt nhà máy chế biến alumin tại Tân Rai, Nhân Cơ, cải thiện điều kiện kinh tế cho chính địa phương nơi phải hy sinh cho việc khai thác khoáng sản.

Trả lời lo ngại của ĐB Nguyễn Lân Dũng về nguy cơ bùn đỏ, Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết đoàn khảo sát thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary vừa về nước. Kết quả cho thấy công nghệ chế biến ở Hungary là từ 1945, còn Việt Nam vẫn là công nghệ ướt nhưng đã qua sáu lần đổi mới công nghệ. Về hồ bùn đỏ, nền đất đôi bên giống nhau nhưng Hungary không có hệ thống gia cố, còn Việt Nam bổ sung năm lớp chống thấm. Hồ của họ xây không móng, quây tròn lên, dung tích lớn. Còn của Việt Nam đặt ở thung lũng, ba mặt là đồi núi, và được chia nhỏ thành nhiều ô, an toàn hơn.

Dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Đặng Vũ Minh, ông Nguyên khẳng định làm đúng thiết kế như vậy, hồ bùn đỏ Tân Rai, Nhân Cơ không thể có gì trắc trở xảy ra.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn giữ cách trả lời dài dòng, lan man, mà một số ĐB nhận xét là câu giờ. Trong khi đó, nội dung trả lời chất vấn của tôi là không rõ ràng, chưa thấy được trách nhiệm của Bộ. Phần giải trình thêm của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc làm rõ hơn vấn đề này: Các dự án nhiệt điện có nhà thầu Trung Quốc tham gia đều chậm tiến độ, nguyên nhân có cả năng lực nhà thầu và yếu kém của chủ đầu tư.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội)

Thiếu điện rõ ràng sẽ tiếp tục xảy ra nhưng quan trọng là phân chia thế nào cho công bằng. Chỉ số niềm tin của dân với Chính phủ thể hiện ở đó. Nếu không công bằng được thì dù bộ trưởng có nhận lỗi, người dân vẫn cảm thấy bị phân biệt đối xử. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có nêu giải pháp tăng giá điện. Cần thiết nhưng tôi cho rằng còn một nguyên nhân chưa được nêu kỹ là độc quyền của EVN.

ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên)

Dân không sợ thiếu điện, chỉ sợ không công bằng

Người dân bức xúc không phải chỉ vì thiếu điện, mà còn vì không công bằng, minh bạch. Đô thị thì sáng đèn suốt đêm, quảng cáo, đèn đường rực rỡ, còn quê mình thì tối đen như mực. Tỉnh sản xuất nhiều điện nhất lại bị cắt nhiều nhất. Bộ trưởng nói sẽ ra thông tư về tiết giảm điện nhưng tôi cho là chưa đủ tầm. Có lẽ QH phải ra nghị quyết để khi thiếu điện, ai được ưu tiên, ai không.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh)

Người dân thắc mắc là đúng. Vừa qua, EVN đã kiểm tra những đơn vị để xảy ra tình trạng này, yêu cầu chấn chỉnh và xin lỗi người dân. Chúng tôi đã yêu cầu EVN xây dựng phương án 2011 và các năm sau, chấm dứt tình trạng cắt điện triền miên ở một khu vực, hoặc cắt kéo dài ở một địa bàn, gây mất công bằng.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng

NGHĨA NHÂN