THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 November 2010

Bộ trưởng Đầu tư: 'Quốc hội cũng có lỗi về Vinashin'


Khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt vai trò tham mưu thí điểm mô hình tập đoàn Nhà nước, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khi bị chất vấn trách nhiệm về Vinashin đã nói thẳng cả Chính phủ và Quốc hội cũng có lỗi một phần.
>Bộ trưởng Vũ Văn Ninh bị chất vấn trách nhiệm về Vinashin

Câu chuyện Vinashin khiến ngày chất vấn thứ hai của Quốc hội trở nên sôi nổi, khi 3 bộ trưởng và cả Phó thủ tướng thường trực cùng tham gia giải trình. Đại diện cơ quan chủ quản, Bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng giải trình các vấn đề chung về quản lý nhà nước với Vinashin. Từ góc độ của cơ quan quản lý tài chính quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại tập đoàn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc không nằm trong danh sách đăng đàn kỳ này, chiều 23/11, ông cùng tham gia với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình về trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về mô hình tập đoàn Nhà nước cũng như việc quản lý với tập đoàn Vinashin.

Với thái độ khá thẳng thắn, rành rọt, không vòng vo, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định theo phân cấp nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ có vai trò tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của Vinashin. "Đối với việc làm tham mưu cho Chính phủ thì chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ, phải khẳng định như vậy, bởi vì những văn bản mà chúng tôi tham mưu, nếu đọc lại đến bây giờ mà nói thì hoàn toàn đúng với các tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị ", ông Phúc khẳng định.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khá thẳng thắn trong các phiên chất vấn dù chuẩn bị từ trước hay bất ngờ. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông, Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 ra đời quy định rất rõ chức năng nhiệm vụ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng như vai trò của Hội đồng quản trị, tổng giám đốc. Trong đó, tập đoàn tự huy động vốn, sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm. Nói chung, vai trò và quyền hạn của tập đoàn là khá lớn. Các bộ ngành chỉ có vai trò trách nhiệm giám sát quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ.

"Báo cáo với Quốc hội là Bộ Kế hoạch và đầu tư đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong vấn đề Vinashin. Chúng tôi không có một trách nhiệm gì để mà phải chịu trách nhiệm như đại biểu yêu cầu", ông Phúc nhắc lại quan điểm của mình.

Theo ông, doanh nghiệp hoạt động và được điều chỉnh bởi Luật do Chính phủ xây dựng trình và được Quốc hội thông qua. Tại thời điểm đó, mô hình tập đoàn thí điểm, các quy định cũng thí điểm. Do vậy, nếu nói các quy định trong đó sai tức là nói quy định sai, vậy Ban soạn thảo cũng có trách nhiệm, suy rộng ra, các đại biểu bấm nút thông qua thì cũng chịu một phần trách nhiệm.

"Tôi từng góp ý về cách làm Luật của chúng ta, thường thảo luận ở tổ, tại hội trường rồi bấm nút thông qua, mà không có cơ hội cho Chính phủ, cơ quan soạn thảo có cơ hội trình bày lại quan điểm của mình", ông Phúc nói.

Phần phát biểu của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khiến cả hội trường cười ồ khi nói rằng: "Có người nói với tôi rằng: 'Anh Phúc ơi, chúng ta chẳng khác nào 'đười ươi giữ ống' khi chẳng có quyền hành gì'". Nói như vậy, tức là quyền hành tập trung trong hội đồng quản trị, tổng giám đốc tập đoàn.

Dù phủ nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề Vinashin, song ông Phúc cho rằng vụ "đắm tàu" này cũng là bài học đau đớn mà không chỉ Chính phủ, các bộ ngành mà bản thân mỗi đại biểu Quốc hội cũng cần rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Quốc hội thẳng thừng phản bác Bộ trưởng Phúc. Ông cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ về việc thí điểm mô hình tập đoàn, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng xây dựng chiến lược nên không thể vô can. "Nếu nói như Bộ trưởng Phúc thì lỗi đổ hết cho Ủy ban Thường vụ. Như vậy là không ổn", ông Thuận nói.

Theo ông trong diễn đàn quan trọng này cần phải ngồi lại với nhau bình tĩnh giải trình từng vấn đề cho thấu tình đạt lý. Không thể đổ lỗi cho Ủy ban Thường vụ vì các bộ ngành chủ trì và xây dựng Luật dưới dự hậu thuẫn của Chính phủ. "Cái gì chưa rõ thì cần phải báo cáo để chỉnh sửa, Bộ trưởng nói như vậy là võ đoán, dân không hiểu lại cho rằng lỗi của Ủy ban", ông Thuận nói thêm.

Cuối buổi chất vấn chiều 23/11, với tư cách Trưởng ban Tái cơ cấu Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng được mời lên "nói cho rõ". Ông tận dụng tối đa 15 phút mà chủ tọa cho phép để nói lại lịch sử hình thành Vinashin, những tiềm năng, cơ hội của ngành đóng tàu và cả khó khăn, trở ngại đối với quá trình phát triển của con tàu khổng lồ này. Ông cho biết quá trình tái cơ cấu Vinashin đã được tiến hành từ nhiều năm trước, chứ không phải chờ cho đến khi dư luận lên tiếng.

"Năm nay Vinashin tiếp tục lỗ, sang năm sẽ lỗ ít nếu làm tốt, quản trị tốt, năm 2012 sẽ bớt lỗ hoặc hòa vốn trả nợ. Sang năm 2013-2014 có thể có lãi", Phó Thủ tướng tin tưởng.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm trong vụ Vinashin, ông Hùng cho biết việc kiểm điểm trách nhiệm đang được thực hiện một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ, các Phó Thủ tướng, bộ ngành, tổng công ty. "Kết quả kiểm điểm công khai trước công luận. Việc tái cơ cấu chúng ta làm trong 3-4 năm và không đơn giản nên chúng tôi không chủ quan", Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Đánh giá phần chất vấn buổi chiều, sôi nổi có chiều sâu với những vấn đề liên quan đến sự vụ Vinashin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Chúng ta chờ đợt và đặt niềm tin và kỳ họp này rằng các bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra và khắc phục được tình trạng Vinashin trong thời gian tới".

Ông Trọng cho rằng phần trình bày của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chi tiết và quyết liệt trong vấn đề tái cơ cấu Vinashin. "Nếu làm được như vậy thì tốt, nhưng hiện tại vẫn chỉ là nếu. Còn kết quả thế nào chúng ta vẫn còn phải chờ và hy vọng", ông Trọng nhấn mạnh.

Hồng Anh