SÀI GÒN (NV) .-Friday, September 27 Ông Nguyễn Ngọc Trân, cựu đại biểu của Quốc hội CSVN, vừa lên tiếng báo động về sự lũng đoạn của con buôn Trung Quốc đối với Việt Nam.
Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long trồng khoai lang để bán cho thương lái Trung Quốc. Do không có hợp đồng tiêu thụ nên nông dân liên tục bị ép giá dẫn tới thua lỗ nặng nề. (Hình: Tuổi Trẻ)
|
Qua bài viết có tựa là “Một nhiệm vụ không thể trì hoãn”, đăng trên tờ Tuổi Trẻ, ông Trân hệ thống các hoạt động, thủ đoạn và tác hại của việc để cho thương lái Trung Quốc tung hoành trên khắp Việt Nam.
Đáng chú ý là trong toàn bộ bài viết vừa kể, thương lái Trung Quốc chỉ được tác giả bài viết gọi chung chung chung là “thương lái người nước ngoài”. Chưa rõ đây là cách ông Trân sử dụng để gọi thương lái Trung Quốc hay tờ Tuổi Trẻ sợ “phạm húy” nên biên tập lại.
Theo ông Trân, thương lái Trung Quốc đã và đang thu mua mọi thứ tại Việt Nam. Từ thảo dược quý hiếm (cây si, cây sói rừng ở Cao Bằng, các loại cây thuốc quý ở Bắc Kạn, cây đuôi chồn - cốt toái bổ, cây lan gấm - thạch tầm), cây sâm bảy lá ở Tây Nguyên...), lâm sản ở các tỉnh có rừng, nông sản (dừa ở Bến Tre, khoai lang tím ở Vĩnh Long, khoai mì ở Tây Nguyên, thanh long ở Bình Thuận...), thủy sản (tôm ở miền Tây Nam bộ, cá cơm ở Bình Thuận, Kiên Giang, cá mú ở Bình Thuận, Khánh Hòa...), đến các loại khoáng sản, động vật qúy hiếm có tên trong danh mục cần phải bảo vệ.
Dựa vào thông tin từ nhiều nguồn, ông Trân đã khái quát phương thức thu mua của thương lái Trung Quốc tại Việt Nam, chia quá trình thu mua làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1, tranh mua bằng “chiêu” nâng giá, trả tiền mặt và trả ngay tại chỗ. Sau khi đã chi phối được thị trường, thương lái Trung Quốc chuyển sang giai đoạn 2, tăng dần số lượng thu mua, đồng thời xin thiếu một phần (gối đầu). Khi khoản nợ càng ngày càng lớn, thương lái Trung Quốc chuyển sang giai đoạn 3 là ép giá và qụit nợ.
Do sự đề phòng của công chúng, lúc này, thương lái Trung Quốc bắt đầu thuê người, thuê nơi đứng ra thu mua để có thể phát triển mạng lưới thu mua, chỉ huy quá trình thu mua, quyết định giá cả và “lật kèo” bằng cách giảm giá khi thấy thời cơ đã tới (hàng hóa dồi dào).
Ông Trân lên án chiến lược “cột chặt” các doanh nghiệp Việt Nam vào mạng lưới thu mua của Trung Quốc để đẩy hoạt động xuất cảng hàng hóa sang Trung Quốc chỉ theo “con đường tiểu ngạch”, đã tạo điều kiện cho thương lái Trung Quốc dễ quịt nợ, dễ “lật kèo”.
Mắt khác, theo ông Trân, phải xem việc thương lái Trung Quốc tận thu mọi thứ là có thâm ý: tận diệt các loại thực vật, động vật qúy hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng, làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường.
Theo ông Trân, không chỉ tác động để hủy diệt tự nhiên, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc còn đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.
Ông Trân cả quyết, không ai nghĩ rằng, thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ thấy lợi trước mắt mà “bắt tay” với thương lái Trung Quốc. Đặc biệt đáng trách là nhà cầm quyền CSVN đã bỏ ngỏ vấn đề này. Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn”.
Ông Trân không phải là người đầu tiên cảnh báo về thảm họa kinh tế - xã hội đến từ phương Bắc. Cách nay ba tháng, nhiều chuyên gia kinh tế đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo tình trạng kinh tế Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng Trung Quốc.
Trong bốn tháng đầu năm 2013, Việt Nam chi 40,2 tỷ USD cho việc nhập cảng. Trong đó có tới 10 tỷ USD chỉ để nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hàng hóa của Trung Quốc.
Ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó. Ông Thành than rằng, cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu, vì vậy Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.
Trước đó một chút, hồi cuối tháng 5, ông Trương Trọng Nghĩa, một đại biểu Quốc hội CSVN đã từng soạn một tham luận, cũng nhằm báo động về tình trạng kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Ông Nghĩa yêu cầu cần phải điều tra để có đầy đủ số liệu, thông tin về sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc. Ông Nghĩa cảnh cáo: “Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ”.
Tuy nhiên tham luận vừa kể không được những người điều hành kỳ họp hồi tháng 5 của Quốc hội CSVN cho trình bày tại diễn đàn Quốc hội bởi… “Quốc hội không đủ thời gian”. (G.Đ)