THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 January 2013

"Triệu phú" Việt chống tham nhũng... mất danh hiệu anh hùng?



(Kienthuc.net.vn) - Báo chí từng gọi ông Phạm Duy Thiệu (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) là vua bãi nổi, triệu phú sông Hồng và anh hùng chống tham nhũng...

Một mình bắn rơi 10 máy bay
Trước khi gặp ông, tôi không nghĩ một người có thể sống với nhiều mảnh đạn đến thế trong người: 5 mảnh ở tay, 2 mảnh ở đầu, 1 mảnh ở tim và 1 mảnh ở phổi. Những mảnh đạn đã nằm sâu trong xương, ăn vào động mạch, vào cơ tim, đã trở thành một phần của cơ thể, không thể lấy ra được. Với ông, được sống để trở về đã là điều may mắn lắm rồi. 
Trong đời binh nghiệp của ông, trận đánh rạng sáng ngày 6/11/1967 là trận nhớ đời. Địch quyết diệt đơn vị phòng không nên tiểu đoàn phải rút toàn bộ, chỉ để lại 1 trung đội. Ông Thiệu ở trung đội 3, là trung đội thép nên được lệnh ở lại cao điểm 69 Bàn Thùng, thuộc thôn Ba, xã Sơn Long, tỉnh Quảng Nam. 6h sáng, vừa lắp xong súng thì địch cho pháo bắn lên. Trong vòng 15 - 20 phút cả quả đồi không còn cành cây ngọn cỏ, tất cả biến thành đất đá đỏ. Rồi sau đó máy bay địch đổ quân. Ông Thiệu tính, phải để cho nó đổ quân rồi mới bắn máy bay vì nếu bắn trước thì địch sẽ giã pháo xuống là chết. Vì vậy, sau khi bắn hết một loạt đạn vào đám lính bộ binh, ông mới quay sang bắn máy bay. Một tốp 3 chiếc bốc cháy. 
Địch phát hiện ra trận địa của ta, chúng cho máy bay dãn ra để pháo bắn tiếp. Ngớt pháo lại tiếp tục đổ quân vào trong xóm làng, lúc này ông Thiệu quay tròn súng để bắn. Thêm 2 chiếc máy bay nữa bị cháy. Bắn đến lúc súng đỏ nòng phải thay nòng mới và bắn cháy thêm 1 máy bay phản lực nữa thì hết đạn. Trước khi rút, ông còn kịp tháo bộ khoá nòng cho vào ba lô theo đúng quy định ở chiến trường. Đi được mấy bước thì bị trúng đạn. Ông nằm gục, người rách bươm, mắt nhắm nghiền, tai vẫn nghe tiếng máy bay trên đầu, trong ngực cứ có tiếng khò khè. Ông vẫn tỉnh táo để kẹp chiếc áo may ô vào vết thương ở ngực. Hình ảnh cuối cùng ông trong trí nhớ ông lúc đó là bố mẹ và người vợ mới cưới được 3 ngày trước khi nhập ngũ. May ông được đồng đội ở trung đoàn 31 bộ binh cứu. Ở trong hang 3 ngày thì được đưa sang Bệnh viện CK17 bên kia sông Thu Bồn, lúc đó ông mới biết là mình còn sống. Trên người ông có 19 vết thương.  
Sau 2 tháng, ông được đưa ra Viện 108. Điều trị 6 tháng thì được ra viện nhưng sức khoẻ bị thương tổn tới 71%. 
Ông Phạm Duy Thiệu ra thăm lại bãi sông Hồng. 
Đến "vua" bãi nổi
Sau khi trở về, ông Thiệu được đi học ở Đại học Giao thông, nhưng do vết thương tái phát, người yếu quá, chỉ có 40kg, không học được nữa, nên năm 1970 ông trở về tìm kế mưu sinh. Đầu tiên làm nghề cắt tóc, chữa xe đạp, làm đậu phụ, đóng gạch... Làm đủ nghề mà chả đủ nuôi 5 đứa con. Đứng nhìn bãi nổi giữa sông Hồng mênh mông toàn lau sậy, ông quyết định ra đó dựng lều khai hoang. Cái hình ảnh người đàn ông đứng trước túp lều dựng bằng những cây sậy ngoài bãi, giữa mênh mông đất trời, tay nâng những quả bí đỏ sao mà đẹp đến thế, hiên ngang đến thế. Đó cũng chính là người năm 1980 đã thu vớt cho Nhà nước 120 cây gỗ bị cuốn trôi trong bão lũ. Cũng chính là người đã cứu sống 6 người bị đắm thuyền trên sông Hồng năm 1988.
Ông tâm sự, cũng chả nghĩ thành vua, thành triệu phú gì cả đâu, chỉ vì nghèo quá phải nghĩ cách mà thoát nghèo thôi. Lúc đầu là trồng ngô, bẫy chuột, nuôi lợn rồi thả cá, nuôi bò, sau thì trồng cây thuốc... Đúng là trời không phụ lòng người. Khi cây ngưu tất được trồng đại trà ông được xếp hạng có thu nhập cao. Không chỉ làm giàu riêng mình, ông còn giúp nhiều người cùng làm... Ngày 27/7/1992, ông được đi báo cáo toàn quốc về thương binh làm kinh tế giỏi. Năm 1996, ông lại được mời dự Hội nghị điển hình giỏi kháng chiến, giỏi kiến quốc. Năm 1993, sau khi ở bên bãi 5 năm, ông quyết định cho đất để người khác làm, còn mình về đi học, đến năm 1997 thì có bằng Đại học Luật.
Nhưng với ông Thiệu, thành công lớn nhất của cuộc đời là gia đình hoà thuận, là người vợ hiền luôn ủng hộ mọi việc làm của chồng, là 5 người con đều thành đạt, trong đó có 4 người tốt nghiệp đại học. Ông bảo điều đó quá là vĩ đại với một anh thương binh phải vật lộn với cuộc đời chỉ với hai bàn tay trắng như ông.
 Và bên người vợ hiền đã từng cùng ông chia ngọt sẻ bùi. 
Mất danh hiệu anh hùng vì...
Ngay từ năm 1970, ông đã nhìn thấy những dấu hiệu tham nhũng: Cán bộ xã bán đất chùa, bán chuông đồng, đất phần trăm.... Ông đã viết lá đơn kiện bằng 1 bài thơ dài. 3 tháng sau đoàn kiểm tra về và 9 tháng sau có kết luận: Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an xã, Chủ nhiệm đều bị khai trừ ra khỏi Đảng vì vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai. Đến năm 1995, lại một bộ tứ nữa bị khai trừ khỏi Đảng và phải ra hầu toà. 
Giờ kể lại thì đơn giản thế, nhưng đấu tranh với người lãnh đạo địa phương khó lắm, gian khổ lắm và cũng phải đổ cả máu nữa. Tôi đã được xem bộ phim của Đài Truyền hình Việt Nam làm về ông, nhìn thấy những vết chém trên đầu trên cổ ông, thấy sao mà dã man đến thế. Bên cạnh những vết thương do bom đạn Mỹ gây ra, những vết thương mới này còn đau gấp vạn lần.
Đã có những lúc vì ốm đau, mệt mỏi quá ông đã tạm nghỉ, nhưng mới đây thôi, ông lại tiếp tục viết đơn kiện, tiếp tục cái công việc gian khổ, nguy hiểm đó. Ông bảo, có nguy hiểm thế chứ nguy hiểm nữa ông vẫn phải làm. Bởi cứ nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ vác cái gậy treo cái áo ấy là không đừng được. Các cụ phải chịu gian khổ như thế để giành được độc lập để đến bây giờ họ sướng thế mà lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay sao. Rồi nghĩ đến đồng đội đã hy sinh. Đơn vị ông lúc đi có 660 người, mà nay chỉ còn vẻn vẹn 38 người trở về. Còn cả triệu triệu người lính đã ngã xuống. Chính vì thế, phải đấu tranh, không thể để mất nước được.
Chỉ có một điều sâu kín nhất trong lòng khiến ông buồn, đó là vì những nhận xét không đúng sự thật của địa phương mà ông đã lỡ mất danh hiệu anh hùng. Năm 1995, căn cứ vào Chỉ thị 35/CT-TW của Ban Bí thư và Thông tư số 465/QP-TT của Bộ Quốc phòng về việc xét khen thưởng thành tích trong chống Mỹ cho những người còn sót, Quân khu 5 đã gửi 2 công văn đề nghị phong Anh hùng các lực lượng vũ trang cho 2 người là ông Phạm Duy Thiều và ông Vũ Xuân Đài. Mọi hồ sơ, thủ tục đã hoàn tất, đã xác định 22/12/1995 là nhận được quyết định. Đến 20/12, ông Đài gọi điện báo nhận được quyết định phong anh hùng rồi, còn ông thì không thấy gì. Cũng không biết vì sao, vướng ở đâu. 
Từ bấy đến nay đã hơn 17 năm, đơn từ gửi đi đã nhiều, công văn, chỉ thị cũng nhận được lắm, chỉ có điều vẫn không có kết luận gì. Vậy mà gần đây có người còn mang việc công nhận danh hiệu anh hùng ra để mặc cả với ông!
Với ông, có lẽ cái danh hiệu không có gì quan trọng, bởi tất cả những gì đáng làm, những gì có thể làm thì ông đã làm cả rồi. Chỉ có điều với những người đã sống, chiến đấu và lao động cạnh ông, những người biết câu chuyện của ông, thì việc một con người xứng đáng như thế không được phong anh hùng, liệu họ có còn tin, còn dám đấu tranh vì một sự công bằng nữa hay không? Đó mới là điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

Với thành tích bắn rơi 10 máy bay Mỹ, bắn bị thương 4 cái, ông Phạm Duy Thiệu đã được tặng 2 Huân chương chiến công giải phóng hạng hai và ba, Huân chương kháng chiến hạng nhì, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng ba cùng những danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay và dũng sĩ diệt Mỹ.


Nhật Minh