Chị Lê Thu Thảo, bán hàng rau củ quả ở chợ, nói: “Tôi buôn bán ở đây đã nhiều năm rồi, mỗi lần có nhu cầu tiểu tiện thì chỉ biết chạy vào nhà dân có dịch vụ nhà vệ sinh (NVS), mỗi lần mất 2.000 - 3.000 đồng. Ở đây, tiểu thương nào cũng như vậy cả”. Nhiều tiểu thương cho biết gặp lúc nhà dân có dịch vụ NVS chưa mở cửa thì họ phải chạy ra dọc bờ kè hoặc những nơi vắng vẻ, thậm chí bí quá chỉ cần che cái thùng xốp phía sau sạp để “trút bầu tâm sự”.
Bia ghi công Thị Nghè, đối diện chợ, sát chân cầu Thị Nghè là nơi thường xuyên bị phóng uế bừa bãi - Ảnh: Thanh Đông |
Bức xúc nhất với người dân nơi đây là không ít người thiếu ý thức cứ vô tư tiểu tiện, đại tiện ngay khu vực Bia ghi công mặt trận cầu Thị Nghè năm 1945 ở đối diện chợ, sát bờ kè đường Trường Sa. Bà Phạm Thị Vân, cán bộ hưu trí, nhà sát chợ buồn rầu: “Nhìn cảnh đài tưởng niệm bị ô uế như thế, tôi và những cán bộ, đảng viên địa phương đau lòng, rơi nước mắt. Chuyện NVS ở chợ, cuộc họp nào ở phường chúng tôi cũng nói, vậy mà chưa có cơ quan nào giải quyết. Có NVS để cảnh quan đô thị không xấu đi, nơi tôn nghiêm không còn bị hoen ố, xâm phạm mà sao không cán bộ nào nghĩ đến”.
Bà Huỳnh Hữu Thiên Phú, Phó ban Quản lý chợ Thị Nghè, nhìn nhận đúng là chợ hiện chưa có NVS. Tiểu thương đi vệ sinh ở 3 điểm vệ sinh của 3 hộ dân trong chợ, chợ đông khi nào thì các hộ có dịch vụ cho đi vệ sinh mở cửa lúc ấy. Còn những người đi vệ sinh ở đường Phan Văn Hân, Trường Sa gần chợ là những hộ buôn bán ăn theo chợ, thuộc quản lý của UBND P.19, không thuộc quản lý của chợ… “UBND Q.Bình Thạnh và Ban quản lý chợ cũng đã có kế hoạch làm NVS trong chợ nhưng chưa tìm được điểm phù hợp”, bà Phú nói.
Chưa biết khi nào chính quyền địa phương và Ban quản lý chợ mới tìm được “địa điểm phù hợp” để xây NVS. Trong khi chờ đợi, tình trạng mất vệ sinh và hoen ố cảnh quan vẫn cứ diễn ra một cách nhức nhối ở ngôi chợ đô thị này.
Thanh Đông