THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 January 2013

Có ai nghĩ ông Vương Đình Huệ từng cào nghêu, bắt ốc...?



(Kienthuc.net.vn) - Vượt qua tuổi thơ "dữ dội", Vương Đình Huệ luôn tỏa sáng trên đường học tập và đã ghi được dấu ấn khi làm Bộ trưởng Bộ Tài Chính. 



Với những dấu ấn trong thời gian đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Giáo sư - Tiến sỹ kinh tế Vương Đình Huệ vừa được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tài chính Trung ương. Nhiều người kỳ vọng, với phẩm chất "đầy tớ" của dân và bản lĩnh cá nhân mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thể hiện qua sự kiện điều hành xăng dầu, tân Trưởng ban kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục tạo được dấu ấn ở cương vị mới. 

Con nhà nghèo, từng bị “bán” 

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, từng bị bán cho nhà người khác nhưng Bộ trưởng vẫn luôn sở hữu những bảng thành tích học tập xuất sắc, tiến từng bước trên con đường sự nghiệp và được dư luận đánh giá là “người đầy tớ” của dân.

Vương Đình Huệ sinh ngày 11/7/1975 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An trong một gia đình có 8 người con. Theo tờ Dân Việt, bà Võ Thị Cầm - mẹ của Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Vương Đình Huệ là con thứ 4, từ khi sinh đã có những đặc điểm khác hẳn với các anh chị sinh trước: khó sinh, bé tí …

Tờ Dân Việt cũng cho biết, gia đình bà Cầm thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu ăn, nhiều hôm nhà hết gạo, bà phải đi nhặt hạt bo bo về đập giập nấu cháo cho các con ăn. Thậm chí, có đận chồng và các con ốm đau phải đi viện hàng tháng trời, không còn cách nào khác, bà đã đứt ruột bán Vương Đình Huệ cho một gia đình giàu có để cứu gia đình. Hai năm sau, khi trận cơ hàn qua đi, ông Huệ mới được mẹ đến chuộc về.
 Tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ
Cũng theo bà Cầm, từ năm 6 tuổi đến khi đi học xa nhà, Bộ trưởng Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, từ tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi…Nhà nghèo nên từ những năm học cấp 1 đến cấp 3, quanh năm chỉ có một cái áo, hôm nào lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại. 

Đói ăn, thiếu mặc nhưng từ nhỏ Vương Đình Huệ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, ham đọc sách. Nhà nghèo không có tiền mua sách, ông thường đi mượn sách về nhà đọc và biết cách sưu tầm sách cho riêng mình và đến năm học cấp II đã sở hữu một kệ sách hơn 100 cuốn văn học, toán học. 

Do đó, từ cấp 1 đến cấp 3, năm nào Vương Đình Huệ cũng là học sinh giỏi toàn diện và gặt hái được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Năm học lớp 10, ông đã được tỉnh Nghệ An tặng chiếc xe đạp cho “độ siêu về học hành”. 

Con đường học tập cũng như sự nghiệp, công danh của ông Vương Đình Huệ sau đó cũng rất trôi chảy. 

Sau khi tốt nghiệp THPT, tháng 9/1979, Vương Đình Huệ làm học viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường. Năm 1985, ông học tiếp khoa Châu Âu, lớp tiếng Tiệp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Từ năm 1986 đến 1990, ông nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia. Năm 1991, Vương Đình Huệ về nước và công tác trong ngành giáo dục đến tháng 6/2001. Từ đó đến nay, ông đã trải qua các vị trí công việc: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Kiểm toán Nhà nước (Việt Nam), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối cơ quan Kinh tế Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Đảng ủy cơ quan Kiểm toán Nhà nước (Việt Nam), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Ngày 3/8/2011, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, tiến sĩ kinh tế Vương Đình Huệ được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

“Bộ trưởng hành động” với những phát ngôn nổi tiếng

Trong những hoạt động đầu tiên dưới cương vị tư lệnh nắm “tay hòm chìa khóa” tài chính quốc gia, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nói tới hai chữ “vì dân”.  Ông từng khẳng định như đinh đóng cột sẽ “chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng dầu” trong khi các doanh nghiệp ra rả kêu lỗ. Vì thế, ông được người dân kỳ vọng như một nhân tố đột phá của một “thế hệ bộ trưởng mới”, được tán dương như một “bộ trưởng (của) hành động”.

Bộ trưởng Huệ cũng có những phát ngôn bạo miệng, ấn tượng như câu nói kinh điển “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” trong hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay”, làm nức lòng dư luận cả nước.

Cụ thể, phát biểu tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” ngày 20/9/2011, Bộ trưởng Huệ khẳng định: “Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập TCty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước…

Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 80 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”.

Nói là làm, ngay sau hội thảo này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã cho lập đoàn kiểm tra việc tính giá xăng dầu, trích quỹ bình ổn của 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn nhất. Cuối tháng 12/2011, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra giá xăng dầu tại 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn và cũng chỉ ra được những bất cập trong quản trị doanh nghiệp, cách tính giá cơ sở, chi hoa hồng quá lớn; bất hợp lý trong cơ chế trích nộp, quản lý quỹ bình ổn...
Trong gần 2 năm giữ “tay hòm chìa khóa” kinh tế quốc gia, ông Huệ từng chia sẻ bị “mất ngủ” vì cái khó: Một mặt theo cơ chế thị trường, mặt khác chỉ tiêu lạm phát dưới hai con số. Hai mục tiêu này gần như trái ngược nhau, không gian chính sách và dư địa để cho doanh nghiệp phấn đấu là rất khó khăn. Đây là điều quá khó, nhất là trong trường hợp nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động đến 0,36% CPI.

Bộ trưởng Huệ cũng từng nêu khó khăn này ra trong buổi đăng đàn sáng 31/10/2012 khi cho biết Chính phủ đã cố gắng “co kéo” các nguồn để dự kiến bố trí được 20.700 tỉ đồng để tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng hiện nay lên 1,15 triệu đồng. Và tại một cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngay sau đó ông đã chia sẻ: “Cố gắng bố trí tăng thêm 100.000 đồng tiền lương mà còn nhiều ý kiến khác nhau, lo không đủ nguồn. Nói thật, ngân sách như tấm chăn, co chỗ này thì hụt chỗ kia. Tiền chỉ có vậy, muốn nâng lên cũng khó.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ Petrotime, thị trường xăng dầu hiện nay vẫn đầy “bí ẩn”, sự công khai, minh bạch giá xăng dầu vẫn là điều xa xỉ. Thậm chí, chức năng quản lý, giám sát của Bộ Tài chính có phần lơi lỏng mà minh chứng rõ nhất là hồi tháng 5 vừa qua, thời điểm mà giá xăng dầu thế giới liên tục giảm trong vòng 1 tháng nhưng giá xăng dầu trong nước không được điều chỉnh. Khoản lợi nhuận 2.100 đồng/lít được báo chí và các chuyên gia kinh tế chỉ ra nhưng doanh nghiệp thì vẫn lờ đi còn Bộ Tài chính lại lặng thinh.

Với những dấu ấn ông Vương Đình Huệ đã ghi được khi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, dư luận vẫn kỳ vọng, tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục gây được ấn tượng dù trách nhiệm và khó khăn sẽ lớn hơn nhiều. 
Thuần Lương (T.H)