TP - Để ngăn chặn tình trạng buôn bán gà nhập lậu, đặc biệt những tháng cuối năm, Hà Nội sẽ thành lập đội cơ động liên ngành tuần tra xử lý buôn bán gà lậu. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ tịch thu phương tiện chở gà lậu tái phạm.
Mỗi ngày có khoảng 60-80 tấn gia cầm các loại nhập vào chợ đầu mối Hà Vĩ. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Bắt đầu chính thức hoạt động từ ngày 3-1-2012, chợ gia cầm Hà Vĩ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những chợ đầu mối buôn bán gia cầm lớn nhất miền Bắc.
Chợ rộng hơn 1ha, có 162 ki-ốt kinh doanh. Trong đó, 81 hộ kinh doanh thủy cầm (ngan, vịt), 65 hộ kinh doanh gia cầm, 16 hộ tạm nghỉ kinh doanh. Hiện mới chỉ có 50 hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, việc thu thuế các hộ kinh doanh rất khó khăn. Hầu hết các hộ kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ thuế, mặc dù mức thuế thấp (100.000đồng/tháng).
16/65 hộ kinh doanh gia cầm là đầu nậu nhưng chưa đưa vào diện đối tượng để đấu tranh xử lý. Trung bình mỗi ngày có khoảng 60-80 tấn gà được đưa về chợ tiêu thụ.
Thượng tá Nguyễn Văn Quân - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường (Công an Hà Nội) cũng cho biết, nhiều đối tượng buôn gà lậu còn “chơi” kiểu dùng ô tô chở gà đỗ ở ven sông Hồng để “xuống” lồng gà, dùng xe máy chở 50-60 con/chuyến vào khu nhà trọ các chủ kinh doanh thuê nhà trọ để giấu hàng.
“Giao dịch” gà nhập lậu không công khai ở chợ, mà diễn ra âm thầm ở các khu trọ này, rất khó để lực lượng công an phát hiện.
Thay vì đưa gà về chợ Hà Vĩ, các đối tượng buôn gà loại thải bây giờ còn bắt tay với một số trang trại nuôi gia cầm trên địa bàn, gửi gà nhập lậu vào nuôi nhốt qua đêm để hợp thức hóa thành gà sạch, sau đó đem ra chợ bán.
Với các trường hợp không thuê được nơi nuôi nhốt, đối tượng buôn gà chuyển thẳng đến các điểm bán lẻ ở một số huyện ngoại thành.
Theo Trưởng BQL chợ Hà Vĩ, do lực lượng chức năng còn mỏng, nên các đối tượng buôn gà lậu vẫn thường xuyên theo dõi, lợi dụng thời cơ lực lượng về nghỉ, hoặc sơ hở để tuồn gà lậu vào chợ.
Theo Sở Công thương Hà Nội, bất chấp tình trạng nguy cơ mang mầm bệnh cao, chất lượng an toàn thực phẩm không đảm bảo, lượng gà nhập lậu vẫn tràn vào Việt Nam.
Hiện tại có 11 đường dây có tổ chức vận chuyển gà lậu từ các tuyến biên giới phía bắc đưa vào Hà Nội tiêu thụ. Các đường dây này đã hình thành từ lâu. Các đối tượng thường sử dụng nhiều biển số giả trên một cung đường, tìm cách thay đổi lịch trình, địa điểm tập kết thậm chí huy động lực lượng, phương tiện chèn, ép khi bị kiểm tra.
“Việc vận chuyển, buôn bán gà nhập lậu đã có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính do chênh lệch về giá vì ở biên giới bán 15.000đồng/kg, về Hà Nội là 60-70.000 đồng/kg.
Có những tháng đầu năm, lượng gà lậu tuồn về chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín) chiếm từ 10- 24 tấn/ngày. Nhưng từ tháng 8 đến nay, do được kiểm soát chặt chẽ lượng gà nhập lậu về chợ Hà Vĩ đã giảm hẳn nhưng cũng còn tới 2 - 3 tấn/ngày.
Ở chợ này có 16 hộ thường xuyên kinh doanh gà lậu, tuy nhiên nay đã tạm nghỉ”.-Ông Lê Hồng Thăng, giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, để ngăn chặn tình trạng buôn bán gà lậu, Hà Nội và các tỉnh biên giới sẽ xây dựng quy chế phối hợp kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm từ gia cầm từ biên giới về Hà Nội.
Riêng TP sẽ thành lập đội cơ động liên ngành do lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường, phòng An ninh kinh tế… làm nhiệm vụ xử lý gà lậu.
Đội cơ động liên ngành có nhiệm vụ ngăn chặn xử lý nghiêm, triệt để việc tiêu thụ gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ “tổng kho” Hà Vĩ và các chợ đầu mối khác trên địa bàn thành phố.
Lực lượng công an, quản lý thị trường sẽ tăng cường điều tra, lập danh sách đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên nghiệp, thống kê các phương tiện thường xuyên vận chuyển, nhất là các phương tiện đã bị phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm kinh doanh, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa yêu cầu các quận, huyện xây dựng kế hoạch ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không gõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kế hoạch xong trước ngày 20-11-2012.
Nguyễn Tú – Tuấn Nguyễn