(Kienthuc.net.vn) - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an cho rằng đề xuất cho CSGT được mặc thường phục là một ý tưởng tốt nhưng người thi hành phải xuất trình giấy tờ.
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ (có hiệu lực từ ngày 22/12, thay thế Thông tư 27/2009). Trong đó, cho phép thành lập, bố trí lực lượng CSGT hóa trang (mặc thường phục) trong quá trình kết hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai (mặc sắc phục) có thể ngăn chặn ngay hành vi vi phạm trong địa bàn được phân công. Điều này đã khiến nhiều người dân lo ngại về chuyện lực lượng này sẽ dễ bị giả danh.
"Đi xe máy đúng luật thì họ muốn làm gì thì làm, hóa trang hay không cũng chẳng sao cả" |
Trao đổi với Kienthuc.net.vn, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định: “Đúng là có hàng trăm, hàng nghìn những kẻ lưu manh giả danh công an. Do vậy dứt khoát là người dân cũng phải có quyền được xem chứng minh, giấy tờ của cảnh sát hóa trang. Người dân phải biết là đã hóa trang và lực lượng này sẽ phải xuất trình giấy tờ”.
“Thông tư này anh em đề xuất là có lý. Vấn đề là những người hóa trang như vậy có thực hành đúng công vụ không. Nếu đúng công vụ thì rất tốt, các nước họ cũng làm như vậy. Chuyện này không có gì đặc biệt và cũng không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân cả”.
“Mình phải thấy cái ý tưởng này là hay. Còn quá trình thực thi thế nào thì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác”, ông nhấn mạnh.
Trả lời về tâm lý người dân e ngại khi trao thêm quyền cho CSGT, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đó là lỗi của nhà nước, cơ quan công quyền đã không tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân.
“Ta phải thấy rằng nếu người dân đi đúng luật thì họ chẳng có gì phải lo cả. Như tôi đi xe máy đúng luật thì họ muốn làm gì thì làm, hóa trang hay không cũng chẳng sao cả. Bản thân mình không sai thì không sợ gì hết. Có thể nói là những người luôn đi đúng luật thì chẳng cần phải quan tâm đến vấn đề này làm gì. Chỉ có những kẻ cố tính vi phạm luật mới quan tâm và lo lắng”.
“Còn trong trường hợp đang đi xe máy mà bị người ta dừng xe lại thì cứ yêu cầu được xem chứng minh nhân dân. Những người nghiêm chỉnh thì không việc gì phải sợ cả”.
“Còn việc hình thành tâm lý e ngại tăng quyền lực cho cảnh sát giao thông là do nhà nước, cơ quan công quyền đã không giải thích cho người dân rõ. Truyền tải thông tin đầy đủ để người dân hiểu được vấn đề. Phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả thông qua chi bộ đảng, tổ dân phố, các chi hội phụ nữ… nếu không người ở quê, trong ngõ làm sao mà biết được. Trách nhiệm này thuộc về nhà nước”.
“Cho nên cần tuyên truyền cho người dân không cần phải lo ngại, chỉ cần đi đúng luật, cả khi đi ô tô, xe máy hay đi bộ thì sẽ không có việc gì hết”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.
Vũ Chương