Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-11-09
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái xác định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội vẫn kiến nghị phải có chế độ đa sở hữu đất đai.
Có ý kiến ngược lại quan điểm chỉ đạo của Đảng là khuynh hướng mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Dù rằng theo thể chế chính trị ở Việt Nam Đảng Cộng sản mới thực sự là người lãnh đạo, Chính phủ và Quốc hội chỉ là người thực hiện thừa hành. Ngoài ra phải thêm rằng, các giới chức chính quyền từ cấp thấp nhất như xã phường cho đến cấp cao nhất như Thủ tướng, Chủ tịch Nước nhất nhất đều là đảng viên. Thành phần Quốc hội cũng vậy, số đại biểu là người ngoài Đảng chiếm tỷ lệ rất ít và được sàng lọc trước khi chấp nhận cho ứng cử.
Đa sở hữu đất đai là tất yếu
Ngày 6/11 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã sôi nổi thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Khá nhiều đại biểu nêu ý kiến trái ngược với Nghị quyết Trung ương 6 Khóa 11 ban hành ngày 30/10/2012. Các đại biểu trở lại vấn đề phải qui định đa sở hữu đất đai vì “sẽ cởi trói được nhiều vấn đề”. VnEconomy bản tin trên mạng ngày 8/11 trích ý kiến đại biểu Phạm Huy Hùng đơn vị Hà Nội nói rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn qui định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.
Tuy nhiên ông Hùng khuyến cáo, trong những năm sắp tới, Đảng và Quốc hội nên chấp thuận sở hữu tư nhân về đất đai đối với một số trường hợp. Vị đại biểu này cho rằng, trên thực tế nhiều nơi được giao đất đã hành xử không khác gì những người chủ đất thực sự, toàn quyền định đoạt và chuyển nhượng tràn lan, gây bức xúc trong xã hội.
Luật Sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM trong dịp trả lời Nam Nguyên nói rằng
Việt Nam nên áp dụng đa sở hữu về đất đai:Phải đưa vào Luật điều khoản qui định quyền của nhân dân với đất đai, đó là quyền định đoạt với tài sản của mình. Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu không được vi phạm quyền của người sở hữu đất đai là nhân dânĐB Trương Trọng Nghĩa/Thanh Niên online
“Giai đoạn lịch sử 1945-1975 Việt Nam đã có đất đai đa sở hữu rồi… Nó giống như kinh tế nhiều thành phần, có những loại đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, có những loại đất đai thuộc sở hữu tư nhân, có những loại đất đai thuộc sở hữu tập thể, có những loại đất đai thuộc sở hữu của các doanh nghiệp.”
Cùng tường thuật về các phiên thảo luận của Quốc hội liên quan tới Dự luật Đất đai sửa đổi, báo Thanh Niên Online trích phát biểu của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đơn vị TP.HCM cho rằng có sự bất cập từ Hiến pháp cho tới Luật Đất đai. Theo vị Đại biểu này, Hiến pháp qui định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhưng trong luật đất đai chỉ qui định quyền đại diện, không qui định quyền của “ông chủ” là người dân đang sở hữu, dẫn tới “ông chủ” trở thành người sử dụng, không phài chủ sở hữu. Vẫn theo Thanh Niên Online Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kêu gọi phải đưa vào Luật điều khoản qui định quyền của nhân dân với đất đai, đó là quyền định đoạt với tài sản của mình. Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu không được vi phạm quyền của người sở hữu đất đai là nhân dân.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói rằng, sở hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân chỉ là cách gọi, theo ông điều quan trọng hơn cả là quyền sử dụng được luật pháp bảo vệ như thế nào, hiện nay vẫn chưa được làm rõ trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ông tiếp lời:
“Việc tùy tiện xâm phạm vào quyền sử dụng ấy đã diễn ra tương đối phổ biến, vì vậy chúng tôi đề xuất Quốc hội Việt Nam nên sớm ban hành Luật Tài sản. Trong đó tài sản bất động sản bao gồm cả quyền sử dụng đất và khi đã có quyền tài sản rồi thì có cả quyền chiếm hữu sử dụng hưởng lợi định đoạt đối với tài sản đó như là thông lệ quốc tế ở các nước. Như vậy quyền sở hữu tài sản được bảo vệ, cần đưa ra luật riêng về vấn đề này.”
Cả hai tờ báo điện tử Thanh Niên và Thời báo Kinh tế Việt Nam đều trích lời Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội cho biết có đến 48% cơ quan Trung ương và 37% cơ quan địa phương đề xuất phải có sở hữu tư nhân về đất đai. Ngay cả Ban sửa đổi Hiến pháp cũng đề nghị có hai hình thức sở hữu, ngoài sở hữu toàn dân còn có sở hữu tư nhân. Tuy vậy các nghị quyết Trung ương từ khóa 9 và nay khóa 11 đều quyết định chỉ có một hình thức duy nhất, đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà
nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Theo TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, vấn đề đa sơ hữu đất đai có nhiều rào cản rất khó vượt qua, đặc biệt là qui định của Hiến pháp. TS Nguyễn Đình lộc nhận định:
Nếu bây giờ chúng ta tuyên bố đất đai không còn thuộc sở hữu toàn dân nữa mà là đa sở hữu thì thế nào, cách nào để mà làm, cách nào để có thể chuyển hóa điều đó, thành luật thì rất dễ nhưng bằng cách nào để làm điều đó thì không đơn giảnTS Nguyễn Đình Lộc
Thực tế bây giờ muốn đa sở hữu đất đai cũng không đơn giản, phải tính đến nó sẽ đưa tới những hậu quả gì cho xã hội, cho người dân. Không đơn giản bây giờ cứ đa sở hữu là vui vẻ với nhau đâu… không phải… Vì hiện nay dù chưa đa sở hữu thì trong tay một số người có tích tụ ruộng đất rất lớn, mà đa sở hữu thì những đất đai đó đối với xã hội sẽ như thế nào đó là vấn đề chưa tính ra được. Cho nên không đơn giản đâu, bây giờ việc phân hóa diện tích đất đai trong tay một số người thì không nhỏ, trong lúc đó nhiều người lại không có. Nếu bây giờ chúng ta tuyên bố đất đai không còn thuộc sở hữu toàn dân nữa mà là đa sở hữu thì thế nào, cách nào để mà làm, cách nào để có thể chuyển hóa điều đó, thành luật thì rất dễ nhưng bằng cách nào để làm điều đó thì không đơn giản.”
Giới hạn quyền của Nhà nước trong thu hồi đất bắt buộc
Mỗi năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 120.000 vụ khiếu kiện-tố cáo liên quan đất đai. Thu hồi đất và bồi thường không thỏa đáng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ khiếu kiện, thậm chí tập trung đông người để khiếu kiện tập thể. Theo VnEconomy, nhiều vị đại biểu chỉ ra rằng các dự án thu hồi đất luôn thiếu công khai minh bạch, người dân không được tham gia bàn bạc. Tại rất nhiều dự án, giá đền bù thấp nhưng sau đó bán lại rất cao. Do đó, các đại biểu đề nghị dự luật phải bổ sung cơ chế chia sẽ quyền lợi từ việc thu hồi đất giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất bi thu hồi.
Thanh Niên Online trích lời Đại biểu Lê Trọng Sang đơn vị TP.HCM đề nghị: “cần sửa đổi luật theo hướng nhà nước trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất. Áp dụng trong trường hợp cần thiết phù hợp với qui định Hiến pháp. Sau đó cần xây dựng luật trưng mua, trưng dụng và tài sản khác gắn liền với đất để bảo đảm quyền lợi của người dân.
Khi tham gia góp ý về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói với chúng tôi là, những người có đất bị thu hồi đem vào sử dụng chung thì phải xem họ là những người có đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước, cho nên ngoài phần thu hồi bị thiệt hại, thì họ cũng tương tự như những người có tiền bị thu hồi vốn, họ còn phải được hưởng lợi từ kết quả phát triển. Dù kết quả phát triển từ một con đường hay từ một dự án phát triển đô thị. TS Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh:
“Chúng tôi đề nghị đúng như Hiến pháp qui định, khi Nhà nước cần đến thì trưng mua chứ không phải thu hồi. Bởi vì trên đất ấy còn có rất nhiều tài sản người dân. Còn về giá chúng tôi đề nghị giá công bằng, còn công bằng thế nào thì sẽ giải thích trong dịp khác.”
Chúng tôi đề nghị đúng như Hiến pháp qui định, khi Nhà nước cần đến thì trưng mua chứ không phải thu hồi. Bởi vì trên đất ấy còn có rất nhiều tài sản người dân. Còn về giá chúng tôi đề nghị giá công bằngTS Phạm Sĩ Liêm
Một ngày trước khi Quốc hội Việt Nam thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, hôm 5/11 Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam đã công bố các khuyến nghị chính sách “Sửa đổi Luật Đất đai để thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.” Hầu hết báo điện tử trong nước đều trích đăng thông tin này. Tiền Phong Online gọi là khuyến nghị sửa Luật Đất đai để kiểm soát tham nhũng. Trong khi Thanh Niên Online đậm nét với việc “Giới hạn quyền của Nhà nước trong thu hồi đất bắt buộc.
Khuyến nghị của World Bank và UNDP đã cung cấp những ý tưởng về cải cách đặc biệt quan trọng về chính sách đất đai, chúng tôi trích đọc nội dung tóm lược được Thanh Niên Online đóng khung:
Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị việc thu hồi đất bắt buộc chỉ nên giới hạn vào các mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ cho các dự án vì lợi ích công cộng như đường sá, công viên, trường học... mà không nên áp dụng cho các dự án vì mục đích kinh tế. WB đưa ra 13 khuyến nghị cụ thể như: Áp dụng quyền sử dụng đất nông nghiệp vô thời hạn cho các cá nhân và hộ gia đình; xóa bỏ các hạn mức diện tích sử dụng đất nông nghiệp đối với cá nhân và hộ gia đình; việc thu hồi đất bắt buộc của nhà nước cần giới hạn chỉ áp dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ cho các dự án vì lợi ích công cộng như đường sá, công viên, trường học...
Tiền Phong Online gọi là khuyến nghị sửa Luật Đất đai để kiểm soát tham nhũng. Trong khi Thanh Niên Online đậm nét với việc “Giới hạn quyền của Nhà nước trong thu hồi đất bắt buộc
Áp dụng quy định bắt buộc giao cho tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất để xác định giá đất phù hợp thị trường. Tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất cần được lựa chọn dựa trên sự đồng thuận giữa những người dân bị ảnh hưởng và các bên liên quan. Giá đền bù đất cần được quyết định thông qua các Hội đồng độc lập cấp tỉnh và cấp T.Ư, dựa trên kết quả định giá đất của tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất; Đưa ra quy định về chia sẻ lợi ích giữa bên hưởng lợi và bên bị ảnh hưởng nhằm phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho những người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện, khai thác mỏ hay các dự án khác có tính chất tương tự...
Hàng chục cuộc hội nghị hội thảo góp ý Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã được thực hiện trong thời gian gần đây, với rất nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia mọi lãnh vực. Tuy vậy khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam được đánh giá là đầy đủ toàn diện và có hệ thống.
Điều mà các chuyên gia và người dân trông đợi là Đảng, Chính phủ và Quốc hội đúc kết được những phản biện góp ý và khuyến nghị thiết thực này, để Việt Nam sớm có được một Luật Đất đai tiến bộ góp phần vào quá trình phát triển đất nước.
Theo dòng thời sự:
- Dự luật đất đai còn nhiều tranh cãi
- Đi khiếu kiện đòi đất trở thành vô gia cư
- Trả đất qui hoạch treo: Tín hiệu sửa sai?
- Nông dân Văn Giang cần một quan tòa công bằng
- Nam Định: chính quyền sử dụng vũ lực cưỡng chế đất của dân
- Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chối bỏ trách nhiệm
- Nghi vấn về tính pháp lý trong dự án Ecopark
- Vụ Văn Giang dưới mắt các bloggers
- Hàng ngàn công an, bộ đội được huy động đến cưỡng chế đất ở Hưng Yên
- Căng thẳng ở Hưng Yên: chính quyền tuyên bố cưỡng chế, dân quyết chống lại
- Hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội
- Thêm một vụ cưỡng chế đất gây bất bình