THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 August 2012

Sài Gòn sống đêm - Kỳ 1: Mua chỗ ngủ đêm

Hơn 1 tháng trời, trong nhiều vai khác nhau, nhóm PV Thanh Niên đã lang thang nhiều nơi trong đêm ở Sài Gòn để tận mắt khám phá TP về đêm với những nét đặc trưng và những điều thú vị bất ngờ...
Dưới ánh đèn đường Sài Gòn, hàng trăm phận người buôn gánh bán bưng kết thúc một ngày mưu sinh vất vả để đi tìm chỗ ngả lưng. Họ không có chốn đi về, chỉ là những chỗ ngủ tạm bợ để chợp mắt vài tiếng đồng hồ. Đông đảo, ồn ào, hôi hám đã đành, họ còn phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập...
Mua chỗ ngủ đêm
Đêm, tại các quán cà phê bên hông chợ đầu mối Thủ Đức, nhiều người nghèo mua chỗ ngủ vài tiếng đồng hồ - Ảnh: Công Nguyên
Nơi đâu cũng là chỗ ngả lưng
Chỉ với 10.000 - 15.000 đồng, những lao động nghèo đã có thể thuê được chiếc ghế bố, cái võng tại quán cà phê hay chui rúc trong các khu nhà chật hẹp để ngả lưng sau một ngày lao động cật lực. “Tụi tui có thời gian đâu mà ngủ, không có tiền ăn nói chi có tiền mướn phòng riêng” - cô Hai (quê Bình Định) bán bánh tráng trộn tại Công viên 23.9, bộc bạch.

Không yên giấc
Đã 6 năm gắn liền với những cảnh đêm tạm bợ, anh Hội đúc kết: “Ngủ ở đây không cảnh giác là tài sản dù nhỏ nhất cũng không cánh mà bay. Ai chả biết bọn làm gái kiêm trộm đồ nhưng có ai dám nói hay làm gì được đâu. Vì đằng sau họ là những đàn anh, đàn chị giang hồ. Vì vậy tự mình cứu mình thôi chú à!”. Rồi anh kể, mới đây một tiểu thương từ Đà Lạt xuống buôn bán tranh thủ chợp mắt trên võng, khi thức dậy đã thấy túi xách bên trong có hơn 20 triệu đồng, cùng nhiều giấy tờ quan trọng biến mất.
Hằng ngày, có rất nhiều phụ nữ quê miền Trung giống như cô Hai, với đôi gánh trên vai, đi khắp các con phố, ngõ hẻm Sài Gòn để bán hàng rong. Về khuya, họ lại kéo nhau về khu vực Cầu Ông Lãnh (Q.1), nơi có nhiều căn nhà chuyên cho lao động nghèo mướn ngủ qua đêm.
Đồng hồ chỉ 1 giờ sáng, đường phố vắng bóng người qua lại, dưới những bóng đèn cao áp từng vai gánh nặng nề lần lượt kéo nhau về. Được sự đồng ý của chị Sáu Loan (quê Quảng Ngãi), tôi theo chị về những căn nhà như thế. Chị dặn tôi: “Ở đó ngủ rẻ lắm, nhưng phụ nữ là phần đông, hiếm khi có đàn ông. Em có CMND chắc bà chủ cũng cho ngủ thôi à”. Căn nhà ẩm thấp, bốc mùi gián, chuột rộng chưa đầy 30 m2 được chia làm 2 lầu cho người lao động thuê ngủ. Ngoài hành lang đã có hàng trăm phụ nữ trải chiếu nằm la liệt. Chị Loan phân bua: “Về giờ này hiếm có chỗ ngủ lắm, phải tranh thủ xí trước không tí nữa phải ngủ ngồi là chết”. Xí được một chỗ, chị Loan lách những bước đi nhẹ nhàng vào nhà vệ sinh, nơi có hàng chục người đang chờ tới lượt mình.
2 giờ sáng, chị Loan ngả lưng với một tiếng thở dài mệt nhọc. Xung quanh những tiếng ngáy, tiếng ho, tiếng thở dài... của những người phụ nữ tảo tần, tất cả chìm vào trong giấc ngủ về sáng.
4 giờ 30 phút, chị Loan thức giấc, tất tả chuẩn bị cho một ngày mưu sinh mới, những phụ nữ xung quanh cũng lục đục dậy. 5 giờ sáng, họ lần lượt rời khỏi căn nhà...
Bên hông các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ Bình Điền (TP.HCM), hằng đêm có hàng trăm lượt người tới thuê chỗ để ngủ qua đêm. Đa phần là những lái xe, bốc xếp và người buôn bán về đêm. 22 giờ, tại quán cà phê treo đầy võng nằm bên hông chợ Bình Điền đã kín chỗ. Thấy tôi bước vào, bà chủ đon đả: “Ngủ ghế hay võng chú em? Ghế tính theo nước uống, còn võng thì 10.000 đồng/chiếc”. Dưới ánh đèn leo lét, tiếng nhạc rộn rã, tiếng xe, tiếng người mua bán ồn ào... mọi người trong quán tranh thủ chợp mắt. Nằm cạnh tôi, chú Sáu Hạnh (60 tuổi, quê Đồng Tháp) trằn trọc: “Già rồi khó ngủ, ở đây lại ồn ào, muỗi con nào con nấy như ruồi làm sao chợp mắt?". Chú Sáu Hạnh là một lái buôn cá từ các tỉnh miền Tây lên chợ Bình Điền. Đã hơn 4 năm nay, sau khi bỏ cá cho bạn hàng, chú Sáu Hạnh phải ngủ lại chờ đến sáng lấy tiền rồi theo xe về nhà.
Nguy hiểm rình rập
Vừa ngả lưng xuống cái võng trong quán cà phê tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lúc 12 giờ đêm, tôi được chị chủ quán dặn: “Giấy tờ, tiền bạc, điện thoại cẩn thận nghen, nếu không, ngủ dậy là không còn gì nữa đó". 15 phút sau, có hai cô gái ăn mặc hở hang bước vào đến từng võng có đàn ông để chào mời. Anh Hội nằm kế bên tôi nói nhỏ: “Gái làm tiền đó, chào mời chỉ là cái cớ để trộm đồ thôi, ai mà ngủ quên là chết chắc với nó”.
Có khi bọn cướp còn táo tợn vào từng chiếc võng có người ngủ để trấn lột. Ông Nguyễn Văn Thành, một người chuyên chở khoai mì từ Đồng Nai lên đây, kể: “Một lần, giao hàng xong tui thuê chiếc võng để ngả lưng, đang thiu thiu thì có cảm giác lành lạnh xương sống, mở mắt ra thấy một tên mặt mày bặm trợn đang cầm con dao kề vào cổ rồi. Nghe hắn ra lệnh đưa cái túi tui đang ôm trong lòng, tui đành phải đưa. Xung quanh mọi người đã ngủ say, với lại dao đang kề cổ tui chẳng dám kêu. Bao nhiêu tiền vốn lẫn lời thu được ngày hôm đó coi như mất trắng. Khi kêu lên được thì hắn đã vọt ra xe của đồng bọn chờ sẵn và biến mất”.
Cũng đầy bất an khi mưu sinh về khuya, chị Sáu Loan kể mới đầu năm, chị gánh hàng về ngủ, khi đi qua ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (Q.1) thì có 2 thanh niên đi xe máy kêu lại mua xoài. Vừa tới gần, một tên chìa cây kim tiêm dính đầy máu dọa: “Bà có tiền đưa bọn này ít để chích ma túy, không thì...”. Khi chị Loan run rẩy rút tiền thì bị chúng cướp hết trên tay và bỏ chạy, chị chỉ biết nhìn theo vô vọng.  
Công Nguyên