Phó chủ tịch quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) Lâm Anh Tuấn khẳng định, nếu chủ đầu tư nhà sai phép không tự tháo dỡ, quận sẽ cưỡng chế trong tháng 8.
> Nhiều tòa nhà sai phép ở Hà Nội tự 'cắt ngọn' / Bùng phát nhà sai phép do chính quyền 'tiếp tay'
Chiều 27/7, làm việc với lãnh đạo Hà Nội, Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho biết, địa bàn quận hiện có có 108 công trình xây dựng, trong đó 7 công trình vi phạm nghiêm trọng. Đó là nhà số 34 Đại Cồ Việt (phường Lê Đại Hành), tòa nhà số 19 Triệu Việt Vương, 22 Triệu Việt Vương, 107A Bùi Thị Xuân, 135-137 Bùi Thị Xuân, 67 Mai Hắc Đế, 86 Mai Hắc Đế (phường Bùi Thị Xuân). Hầu hết công trình này xây dựng sai phép với chiều cao lớn.
Nhà số 19 Triệu Việt Vương chỉ được cấp phép xây 9 tầng nhưng chủ đầu tư đã xây lên tới 12 tầng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiện, các chủ đầu tư 6 công trình ở phường Bùi Thị Xuân đã có đơn cam kết tự phá dỡ phần sai phạm trước ngày 25/8; còn chủ đầu tư công trình 34 Đại Cồ Việt cam kết tự phá dỡ ngày 28/7. Ông Tuấn cho biết, quận đã hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm hành chính của các công trình nên nếu các hộ không tự phá dỡ theo đúng cam kết, UBND quận sẽ cưỡng chế.
Về xử lý trách nhiệm cán bộ, UBND quận Hai Bà Trưng đã thanh tra công vụ, dự kiến kết thúc trong tuần tới và có kết luận xử lý từng cơ quan, cá nhân vi phạm theo đúng quy định.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, quan điểm của Thành ủy, UBND thành phố là kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm nhằm chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Thành phố yêu cầu quận Hai Bà Trưng ngay trong quý 3 phải hoàn tất khâu xử lý, cưỡng chế các công trình vi phạm.
Bên cạnh đó, quận Hai Bà Trưng phải chỉ đạo UBND các phường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các sai phạm. Không thể chấp nhận chuyện cán bộ địa bàn nói "không biết" khi để phát sinh các công trình vi phạm.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cho rằng, Sở Xây dựng Hà Nội sai phạm trong khâu cấp phép cho nhiều công trình, làm trái các quyết định của UBND thành phố và Thủ tướng để cấp giấy phép xây dựng có lợi cho chủ đầu tư.
"Thay vì xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư, buông lỏng và tiếp tay cho sai phạm, làm theo chủ đầu tư. Chủ đầu tư cũng rất am hiểu lĩnh vực xây dựng và tìm mọi cách hợp thức hóa", ông Trần Trọng Dực khẳng định.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 17 tháng qua lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó có trên 1.000 trường hợp xây không phép trên đất nông nghiệp, đất công; gần 560 trường hợp cơi nới, lấn chiếm, xây dựng không phép và 106 vụ xây sai với giấy phép được cấp. Tới nay, các lực lượng liên quan đã cưỡng chế phá dỡ 600 công trình vi phạm và yêu cầu tự phá dỡ trên 300 công trình khác. Hiện, còn tồn đọng gần 800 công trình được giải quyết. |
Đoàn Loan