Trang mạng xã hội tiếng Việt của tập đoàn Trung Quốc Baidu đã chính thức ra mắt, sau một thời gian bị truyền thông Việt Nam chỉ trích.
BấmBaidu Tieba được giới thiệu là "sân chơi mà bạn có thể tự do chia sẻ quan điểm" với "hàng trăm hàng ngàn chủ đề mới được tạo lập".
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Mới đầu tháng Bảy, truyền thông Việt Nam cáo buộc trang này - với tên cũ là Baidu Trà đá quán - chưa có giấy phép và bị cư dân mạng "phẫn nộ tẩy chay".
Baidu vẫn từ chối bình luận về các cáo buộc, trong khi trang mạng chính thức ra mắt hôm 16/7.
Việc ra mắt có vẻ lặng lẽ vì hầu như không tờ báo nào trong nước đề cập, cho dù trước đó nhiều cơ quan truyền thông Việt Nam đã chỉ trích Baidu.
Tranh cãi quanh vụ việc xảy ra trong bối cảnh có căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung.
Việc tập đoàn nổi tiếng của Trung Quốc tiến vào thị trường mạng xã hội Việt Nam vừa cho thấy sự hấp dẫn của thị trường nội địa và cũng đặt ra câu hỏi về sự cạnh tranh sắp tới.
Viết trên trang The Next Web, chủ biên châu Á, Jon Russell, nhận xét việc khai trương trang mạng tiếng Việt cho thấy công ty Trung Quốc đang quan tâm Đông Nam Á.
Baidu đã có trang Hao123 ở Thái Lan và mới đây cho biết ý định xây trung tâm nghiên cứu ở Singapore.
Theo cây bút này, Tieba, vốn là dịch vụ lớn ở Trung Quốc, dường như là bài kiểm tra cho công ty trong khi họ tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ở các thị trường mới nổi.
Cây bút này cũng nói "còn chờ xem liệu công ty có chinh phục được những người nghi ngờ ở Việt Nam, hay sự đón nhận tiêu cực sẽ tác động đến kế hoạch tương lai của công ty tại đó".
Từ cấm?
Theo giới thiệu, người dùng có thể tự tạo các chủ đề mình muốn để "chia sẻ với người cùng chung sở thích và bày tỏ quan điểm của bạn".
Tuy vậy, khi thử tạo chủ đề "Hoàng Sa" hoặc "Trường Sa" - mà Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp - người ta chỉ thấy hiện ra dòng thông báo "Box này đã bị khóa vì đã vi phạm quy định pháp luật hoặc có nội dung không phù hợp."
Không rõ đây là lỗi kỹ thuật hay có chủ trương kiểm duyệt của trang mạng này.
Người dùng vẫn có thể tạo chủ đề "Biển Đông" hay những từ liên quan như "South China Sea".
Việc ngăn tạo các chủ đề dường như không theo quy luật rõ ràng.
Ví dụ, người ta không thể đụng đến hai nhà lãnh đạo "Nguyễn Phú Trọng" và "Trương Tấn Sang" - cùng nhận dòng thông báo "vi phạm quy định pháp luật".
Nhưng nếu ai muốn lập chủ đề về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay đánh tên một vài nhân vật khác, thì vẫn có thể được.
Công ty Baidu nổi tiếng với dịch vụ tìm kiếm, được cho là chiếm đến 80% lưu lượng tìm kiếm tại Trung Quốc.
Công ty này cũng đang hoạt động mạnh ở Trung Đông và có tin nói muốn thâm nhập châu Mỹ Latin.