Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-06-10
Giữa lúc Hoa Kỳ xem chừng như ngày càng bày tỏ quyết tâm thực hiện chiến lược mới “trở lại Á Châu”, mà cao điểm là chuyến đi Á Châu vừa rồi của Tổng trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta với những tuyên bố mạnh mẽ không có lợi cho một xứ TQ đang trỗi dậy về kinh tế lẫn quân sự, thì câu hỏi có thể được nêu lên là Hoa Kỳ của ngày nay có thể gặp những thách thức nào trong chiến lược mới này?
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Tại một hội nghị ASEAN cách đây 2 năm, Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì đã không cần che dấu tham vọng thôn tính biển Đông của Bắc Kinh khi tuyên bố rằng TQ là một nước lớn trong khi những lân quốc là các nước nhỏ, và đó là sự thật.
Tuyên bố ấy thể hiện sự cao ngạo của Trung Nam Hải không những về mặt lãnh thổ, dân số đông nhất thế giới, mà cả sức mạnh quân sự ngày càng đáng ngại khi Hoa Lục đang trên đà nhanh chóng hiện đại hóa quân sự trong tình trạng mập mờ về con số chi tiêu quốc phòng thực sự cũng như thiếu minh bạch về mục đích bành trướng võ lực.
Riêng tại vùng Tây TBD, theo tờ báo, sự trỗi dậy quân sự của TQ là nhắm tới hay gây phương hại các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cùng những căn cứ không quân Mỹ tại Okinawa, Nam Hàn và cả đảo Guam, đe dọa khả năng quân sự Hoa Kỳ ở Á Châu, nhất là khả năng bảo vệ an ninh cho các đồng minh của Mỹ trước mọi tấn công từ TQ.
Tờ báo lưu ý rằng tình hình ở biển Hoa Đông và Hoa Nam – tức biển Đông – diễn biến đáng ngại khi trong vòng 18 tháng qua đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa tàu TQ với các tàu của Nhật Bản, Nam Hàn, VN và Philippines về vấn đề chủ quyền lãnh hải, qua đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Hoa Lục cảnh cáo rằng “Nếu những nước vừa nói không thay đổi cách cư xử với Bắc Kinh thì hãy chuẩn bị đón nhận đạn đại pháo”.
Sự trỗi dậy quân sự của Hoa Lục khiến báo động vùng Á Châu-TBD và góp phần thôi thúc Hoa Kỳ xúc tiến sách lược quay trở lại khu vực này. Cụ thể nhất là chuyến đi Á Châu mới đây của Tổng tưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta, cùng những tuyên bố về chiến lược quân sự mới của Wasington khi ông tham dự Diễn Đàn Hội Nghị Quốc Phòng Shangri-La ở Singapore, nhấn mạnh tới việc phục hồi và củng cố mối liên minh quân sự sẵn có với những nước như Úc, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Thái Lan, đồng thời tăng cường đối tác chiến lược với những nước Á Châu khác, kể cả VN. Đặc biệt là, theo Tổng trưởng Quốc phòng Leon Panetta, hải quân Hoa Kỳ sẽ tái bố trí sao cho 60% chiến hạm Mỹ hiện diện tại TBD vào năm 2020.
Suy thoái, nợ nần, ngân sách cắt giảm
Qua bài “Mỹ trở lại Á Châu như thế nào?”, nhà phân tích Đào Văn Bình lưu ý rằng Washington nhấn mạnh đến kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Á Châu-TBD trong “bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang suy thoái, nợ nần không sao trả được và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm 450 tỷ đô-la trong những năm sắp tới”.
Tác giả lập luận rằng do tiềm năng kinh tế của TQ có thể gây ảnh hưởng toàn cầu và sức mạnh quân sự trùm phủ cả Á Châu, sự trở lại Đông Nam Á của Hoa Kỳ không dễ dàng như người ta tưởng. Ngoài ra, vẫn theo tác giả Đào Văn Bình, ít ra trong lúc này Washington cần sự trợ giúp của Bắc Kinh liên quan vấn đề Bán Đảo Triều Tiên và cuộc cấm vận Iran. Mặc dù Hoa Kỳ đã quyết tâm trở lại Á Châu và điều này, theo tác giả, được coi là nhu cầu sinh tử của Hoa Kỳ, nhưng tác giả nêu lên câu hỏi là họ “trở lại như thế nào?”, và phân tích rằng “có thể kế hoạch đang được tiến hành trong vòng bí mật nhưng cũng có thể Ngũ Giác Đài cũng chưa định hình được phương thức trở lại của Hoa Kỳ”.
Tác giả không quên trích dẫn lời TS Raoul Heinrichs thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng Úc Châu cảnh báo rằng “Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cần được vận hành một cách khéo léo, nếu không, một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ đẩy Châu Á-TBD vào cuộc khủng hoảng mới”.
Việt Nam
“Tôi thấy có 3 điểm bất lợi cho Hoa Kỳ. Điểm thứ nhất là Hoa Kỳ đang trong giai đoạn tài chính vô cùng khó khăn. Ngay cả ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ, dù đã được chính phủ Obama cắt giảm là 500 tỷ đô-la trong vòng10 năm sắp tới, nhưng không biết Quốc Hội Mỹ sẽ chuẩn thuận như thế nào.
Thứ hai là cho dù Hoa Kỳ có quyết tâm trở lại Á Châu đi chăng nữa, thì vai trò của Hoa Kỳ ngày hôm nay cũng không giống như Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến, và đặc biệt trong nửa thập niên cuối Thế Kỷ thứ 20 vừa qua. Hoa Kỳ có nói gì đi nữa thì các quốc gia ĐNÁ cũng như các quốc gia ở Châu Á nói chung chỉ muốn thấy những hành động cụ thể của Hoa Kỳ hơn là những bài diễn văn cũng như những lời tuyên bố có vẻ rất là hùng hồn.
Chiến lược tái cân bằng lực lượng của Hoa Kỳ ở Á Châu-TBD chỉ có thể thành công với một nước VN thật sự tự do và dân chủ.LS Vũ Đức Khanh
Khó khăn thứ 3 là VN trong chương trình triển khai mới của Hoa Kỳ tại vùng Á Châu-TBD, nhưng thái độ của Hoa Kỳ đối với VN là một thái độ chưa dứt khoát, rõ ràng. Cho nên, tôi nghĩ rằng VN trong giai đoạn hiện tại là một sự khó khăn cho chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực. Chiến lược tái cân bằng lực lượng của Hoa Kỳ ở Á Châu-TBD chỉ có thể thành công với một nước VN thật sự tự do và dân chủ. Nếu Hoa Kỳ đi với Hà Nội thì chiến lược đó sẽ thất bại vì Hà Nội không thể đóng trọn vai trò đồng minh tin cậy cho thế giới tự do. Tôi khẳng định rằng ngày nào chính quyền Hà Nội còn tiếp tục chính sách mới vừa đón Hoa Kỳ hôm trước thì hôm sau đã tiếp đón TQ, cái thái độ đó không thể tin tưởng được; một chính quyền như thế không thể tạo được niềm tin cho tất cả đồng minh.”
Cựu Đại sứ Mỹ J. Stapleton Roy, hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu về Hoa Kỳ và TQ, lưu ý rằng những nước đồng minh và thân hữu của Hoa Kỳ trong khu vực cũng quan ngại Washington có thể bị trở ngại về khó khăn quốc nội khiến Washington khó mà can dự đầy đủ tại vùng Á Châu-TBD.