Chủ quyền biển đảo vào đề thi
Cập nhật: 12:26 GMT - BBC UK - chủ nhật, 3 tháng 6, 2012
Nhiều ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc và các nước trong vùng bắt giữ
Hàng trăm nghìn học sinh Việt Nam phải trả lời câu hỏi có liên quan đến chủ quyền biển đảo trong kỳ thi tốt nghiệp trung học năm nay.
Một trong các câu hỏi trong buổi thi tự luận môn Địa lý vào sáng Chủ nhật ngày 3/6 là việc đánh bắt xa bờ ‘có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo vệ an ninh quốc phòng’.
Câu hỏi này là một phần trong câu 2 của đề thi năm nay gồm 4 câu. Tổng điểm cho câu 2 là hai điểm.
Đáp án được các giáo viên Địa lý trong nước đưa ra cho câu hỏi này là ‘việc đánh bắt xa bờ giúp bảo vệ vùng trời, vùng biển của nước ta’ vì vùng biển Việt Nam ‘có nhiều đảo, quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất nước, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới’.
Câu hỏi tốt nghiệp về chủ quyền biển đảo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam có tranh chấp chủ quyền biển đảo gay gắt với Trung Quốc trên Biển Đông và các ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục bị Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời cô giáo Bồ Thị Phương Thu, trưởng bộ môn Địa lý trường Trung học phổ thông Trần Phú ở thành phố Đà Nẵng nhận xét rằng đề thi năm nay ‘khá hay’ và ‘mang tính thời sự rất cao’.
Ngoài ra, cũng trong đề thi Địa lý năm nay còn có một câu hỏi tự chọn yêu cầu các thí sinh phân tích ý nghĩa kinh tế-xã hội của hệ thống cảng biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
BBC đã liên lạc ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục khảo thí, đơn vị chịu trách nhiệm về các kỳ thi quốc gia của Bộ Giáo dục-đào tạo để hỏi thêm về vấn đề này.
Ông Nghĩa cho biết việc ra đề thi như thế nào là quyền của các thầy cô giáo được mời ra đề và Bộ hoàn toàn không có chủ trương hay định hướng phải ra đề như thế nào.
Ông cho biết là các thầy cô giáo ra đề hiện vẫn đang còn bị cách ly với thế giới bên ngoài và đến sáng thứ Hai ngày 4/6 mới chấm dứt cách ly.
Ông Nghĩa từ chối tiết lộ danh tính người ra đề thi vì ‘đó là nguyên tắc’.
Trao đổi với BBC, ông Hà Văn Công, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng của Bộ Giáo dục-đào tạo cho biết từ khoảng 2,3 năm nay thì Bộ đã đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào trong chương trình giáo dục ở Việt Nam từ cấp trung học lên đến đại học.
Ông Công cho biết các học sinh sinh viên sẽ được học về chủ quyền biển đảo trong khoảng ‘từ 2 đến 4 tiết học’.