Thứ Năm, 17/05/2012 21:13
Kinh tế toàn cầu suy giảm, xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc giảm sút, hàng tồn kho nhiều nên dồn dập “xả” hàng vào Việt Nam với giá rẻ
Khách hàng mua quần áo có xuất xứ Trung Quốc tại TPHCM. Ảnh: Hồng Thúy
Tại Saigon Square (quận 1 - TPHCM), hàng Trung Quốc (TQ) bày bán la liệt. Một số được người bán giới thiệu là hàng xuất khẩu bị lỗi hoặc còn dư nên tuồn ra bán. Một số khác mẫu mã đẹp hơn, người bán quảng cáo là hàng TQ cao cấp, chỉ nhập về số lượng ít.
Lời nhiều, tiểu thương đua nhau bán
Thế nhưng, một số tiểu thương nhiều năm bán hàng ở Saigon Square thừa nhận hầu hết hàng bán tại đây là hàng TQ, nhái mẫu mã, thương hiệu của các hãng nổi tiếng rồi quảng cáo là hàng hiệu xuất khẩu. Từ sau Tết đến nay, buôn bán chậm hơn nhưng hàng mới về liên tục, giá rẻ hơn trước ít nhất 20%. Chúng tôi mua áo thun hiệu cá sấu khá đẹp với giá 160.000 đồng, áo sơ mi cách điệu chỉ 210.000 đồng/cái. Các loại quần jeans nhái nhãn hiệu USA, Guess, CK, Gap, G-Star, D&G… chỉ trên dưới 300.000 đồng/cái.
Hàng TQ cũng áp đảo tại các cửa hàng thời trang. Bà Ngô Thị Báu, Giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm - Foci, cho biết từ sau Tết đến nay, doanh thu từ kênh phân phối sỉ giảm mạnh vì các đại lý chủ yếu lấy hàng TQ. Ngay cả một số siêu thị, hàng TQ cũng chiếm số lượng đáng kể. Đại diện một hệ thống siêu thị khá lớn thừa nhận chỉ biết là hàng nhập từ nhà cung cấp trong nước, còn nhà cung cấp lấy hàng ở đâu lại là chuyện khác.
Anh Út, chủ một cửa hàng quần áo trên đường Bùi Văn Ba (quận 7-TPHCM), cho biết so với hàng may mặc Việt Nam, bán hàng TQ lời hơn nhiều. Với hàng bình dân, lợi nhuận khoảng 40% -50%, hàng cao cấp phải từ 60% trở lên. Trong khi đó, bán hàng của công ty, cơ sở trong nước giỏi lắm chỉ lời được khoảng 25% - 30%. “Các loại áo thun, áo kiểu TQ loại “bèo” giá gốc chưa đến 20.000 đồng/cái, bán ra ít nhất 35.000 - 40.000 đồng/cái, mẫu mã thay đổi liên tục nên rất dễ bán. Trừ tất cả các chi phí, lợi nhuận ít nhất là 10.000 đồng/cái” - anh Út tính toán.
Giả nhãn hiệu Việt để dễ tiêu thụ
Theo giới kinh doanh, đa số khách hàng trẻ thích hàng nhái của TQ vì giá rẻ và mẫu mã, đa dạng. Ngoài ra, hàng TQ phân khúc khách hàng rộng, phục vụ các đối tượng từ bình dân đến cao cấp. Xuất khẩu giảm sút, các doanh nghiệp (DN) TQ có nguyên phụ liệu tại chỗ nên chỉ tập trung làm hàng bán cho Việt Nam và bán hàng tồn kho. Hàng may mặc TQ có chi phí thấp, vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên không phải đóng thuế. Đa số hàng này bán tại các sạp chợ, cửa hàng thời trang nên không tốn chi phí xây dựng thương hiệu… Vì vậy, so với hàng Việt, giá hàng may mặc TQ đang rẻ hơn đến 30%.
Để tận dụng các lợi thế của hàng TQ, hiện một số DN may mặc trong nước đã trực tiếp đặt gia công hàng tại TQ, gắn nhãn Việt rồi đưa về nước tiêu thụ. Trong khi đó, DN Việt phải nhập gần như 100% nguyên phụ liệu từ TQ để sản xuất, cộng với các loại thuế, phí… nên giá thành cao.
Theo bà Văn Minh Hoa, Phó Phòng Truyền thông Tập đoàn Dệt may Việt Nam, do xuất khẩu khó khăn nên TQ đưa hàng may mặc tồn kho vào Việt Nam bằng mọi giá, bán rất rẻ để giải phóng hàng. Không chỉ nhái hàng hiệu các nước, hàng TQ còn giả nhãn hiệu Việt Nam cho dễ bán. Đại diện Công ty May Việt Tiến cũng thừa nhận hàng Việt Tiến đang bị làm giả nhiều, trong đó có một số là hàng giả từ TQ. Những sản phẩm này chất lượng thua xa hàng thật nhưng bán tương đương giá chính hãng nên nhiều người mua bị lầm. Công ty chỉ có thể đối phó với hàng giả bằng cách quảng cáo để tăng nhận biết, kiểm tra thường xuyên các cửa hàng, đại lý để bảo đảm những nơi này không bán hàng nhái còn các kênh phân phối khác thì đành chịu thua.
Kỳ tới: Doanh nghiệp dệt may kêu cứu
Đông Nghi