Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-05-16
Đại diện một số người dân tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vào ngày 16 tháng 5 lại có tường trình và thư kêu cứu liên quan đến cuộc sống của họ.
Mất đất, mất việc làm
Tờ trình và kêu cứu do 9 người dân đại diện tại ba địa phương vừa nêu có ghi họ tên theo thứ tự ABC với số chứng minh nhân dân và điện thoại cụ thể gửi cho các cấp cao nhất của Đảng và chính phủ từ trung ương đến địa phương và các cơ quan ngôn luận.
Ông Lê Văn Dũng, một đại diện người dân mất đất tại xã Xuân Quan cho biết lý do tiếp tục gửi tờ trình và kêu cứu đến các cơ quan chức năng như vừa nêu:
"Bây giờ chúng tôi bị mất hết đất, không có công ăn việc làm, đói kém xảy ra nên chúng tôi phải kêu cứu thôi. Chính vì tài sản của chúng tôi bị mất, không có công ăn việc làm nên phải kêu cứu. Chúng tôi trông đợi kỳ họp sắp tới đây. Theo như phát biểu của các lãnh đạo Nhà Nước chúng tôi thấy nhiều cái cũng mừng. Đặc biệt có quan tâm đến đất đai. Ông Nguyễn Phú Trọng có nói đến chuyện đất đai. Sở hữu của toàn dân là của chúng tôi còn Nhà nước chỉ đại diện chúng tôi quản lý chứ không thể sử dụng đất có sổ đỏ của chúng tôi."
Tờ trình và kêu cứu của người dân tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao gồm ba phần. Phần thứ nhất đề nghị xem xét thẩm quyền, tính pháp lý, hiệu lực thi hành của các văn bản có liên quan đến dự án. Đối với tính pháp lý của những văn bản liên quan dự án thu hồi đất của người dân tại ba xã thuộc huyện Văn Giang để thực hiện dự án Khu đô thị Sinh thái Ecopark, vừa qua vào ngày 5 tháng 5, người dân cũng đã có đơn tố giác có dấu hiệu làm giả tài liệu của chính phủ.
Trong tờ trình vào ngày 16 tháng 5, đại diện của dân chúng ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao nêu rõ là kể từ năm 2009 họ đã tiến hành gửi đơn hay trực tiếp đến các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương để trình bày vụ việc, thế nhưng không có cơ quan nào thụ lý và giải quyết đơn khiếu nại và tố cáo của người dân về dự án Ecopark. Điều này được ông Lê Văn Dũng nhắc lại:
"Đơn từ gửi nhiều rồi nhưng vừa qua người ta cưỡng chế chúng tôi mất hết tài sản nên phải kêu. Chúng tôi thất vọng vì bao nhiêu năm không được Nhà Nước giải quyết. Từ năm 2009 chúng tôi đã gửi đơn cho Quốc Hội và chính phủ nhưng chưa có cơ quan nào thụ lý, giải quyết cho chúng tôi; tự nhiên họ lại ra cưỡng chế."
Đơn từ gửi nhiều rồi nhưng vừa qua người ta cưỡng chế chúng tôi mất hết tài sản nên phải kêu. Chúng tôi thất vọng vì bao nhiêu năm không được Nhà Nước giải quyết.Ô. Lê Văn Dũng, xã Xuân Quan
Tại cuộc họp trực tuyến giữa thủ tướng chính phủ với đại diện các tình thành trong cả nước về tình hình đất đai, người đại diện của tỉnh Hưng Yên là phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo với thủ tướng về vụ việc cưỡng chế hồi ngày 24 tháng 4 năm 2012 tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, nhằm thu hồi đất giao đợt hai cho dự án Ecopark. Trong báo cáo với thủ tướng, ông Nguyễn Khắc Hào cho rằng người dân địa phương có móc nối với các phần tử chống đối trong và ngoài nước để chống lại đoàn cưỡng chế.
Trong tường trình và kêu cứu đưa ra hôm ngày 16 tháng 5, đại diện dân ba xã khẳng định cáo buộc đó là sai. Thế rồi một số video clip quay lại cảnh cưỡng chế cũng bị chính quyền địa phương cho là ngụy tạo, thì người dân khẳng định họ không hề dàn dựng ra những video clip đó. Tường trình và kêu cứu tiếp tục chỉ ra những văn bản luật và dưới luật vi phạm.
Một số vấn đề khác cũng được nêu ra như chuyện chính quyền địa phương sách nhiễu người dân do không chịu nhận tiền bồi thường. Đại diện người dân ba xã bị thu hồi đất để làm dự án Ecopark mà không được bồi thường thỏa đáng cũng đặt câu hỏi về tính hợp lý của việc mở đường liên tỉnh Hà Nội- Hưng Yên với những bất hợp lý mà người dân nêu ra cho thấy mục tiêu cuối cùng là nhằm thu hồi đất ‘bơ xôi, ruộng mật’ đang nuôi sống họ một cách vô tội vạ mà thôi.
Tiếp tục mưu sinh
"Hôm kia chúng tôi xuống gửi đơn khiếu nại việc cưỡng chế vào ngày 24 tháng tư vừa rồi, quyết định của bà chủ tịch huyện. Nói chung cơ quan tiếp dân họ có nhận đơn và có phiếu nhận cho bà con đầy đủ, đàng hoàng."
Trước những diễn tiến của tình hình thu hồi đất đai tại huyện Văn Giang, và những phát biểu gần đây của các cấp chính quyền tỉnh như của ông phó chủ tịch Nguyễn Khắc Hào, ông chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Bùi Huy Thanh. Vào chiều ngày 16 tháng 5, chúng tôi gọi điện đến cho ông Bùi Huy Thanh, để nghe tiếng nói từ phía chính quyền, nhưng máy của ông Thanh reo chừng một phút sau đó tắt không liên lạc được.
Về phía người dân, mong muốn của họ là được tiếp tục sản xuất trên đất đai mà họ được nhà nước cấp sổ đỏ để sinh sống. Dù bị cưỡng chế bằng vũ lực hồi ngày 24 tháng 4, đến ngày 9 tháng 5 vừa qua, dân chúng đã mang tre ra rào lại khu đất của họ và tiếp tục trồng cây cảnh để sinh sống. Ông Lê Văn Dũng cho biết phải làm thế mặc dù có thể họ lại gặp khó từ phía chính quyền địa phương:
Vì thất nghiệp xảy ra nên bà con mang cây cối ra để có sinh hoạt thôi. Chứ còn người ta cứ lấy nữa thì mình phải chịu.Ô. Lê Văn Dũng, xã Xuân Quan
"Vì thất nghiệp xảy ra nên bà con mang cây cối ra để có sinh hoạt thôi. Chứ còn người ta cứ lấy nữa thì mình phải chịu."
Trong thời gian qua nhiều trí thức và dân chúng từ nhiều nơi trên thế giới đã bày tỏ ý kiến của họ về vụ việc cưỡng chế đất đai của người dân tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Mạng bauxite Vietnam ra một tuyên bố về việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực từ hồi đầu tháng 5. Đến nay đã có hơn 3200 chữ ký ủng hộ cho tuyên bố này. Một trong những yêu cầu của tuyên bố là yêu cầu xem xét lại toàn bộ dự án Ecopark nhằm điều chỉnh những bất hợp lý và bất hợp tình của dự án theo hướng ưu tiên lợi ích thực sự của Nhà Nước và của người nông dân có đất bị thu hồi.
Xin được nhắc lại Dự án Khu đô thị sinh thái Ecopark rộng đến 500 héc ta do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Tổng vốn ước tính trên 8 tỷ 200 triệu đô la Mỹ.