THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 May 2012

Đồng tiền dễ chà đạp lên phẩm giá, đạo đức



08/05/2012 20:05:05
 - Dường như xã hội càng phát triển thì văn hoá, đạo đức càng xuống cấp. Nghịch lý đó khiến nhiều người bi quan.
 
Kienthuc.net.vn đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Lớp trẻ bây giờ dữ dằn hơn

Tôi thấy gần đây cứ mỗi khi có vụ giết người mà thủ phạm còn trẻ là người ta lại lên án lớp trẻ tàn ác, vô đạo đức...?

Đó là họ chỉ căn cứ vào hiện tượng để phân tích chứ chưa nhìn vào bản chất. Nói đến bản chất là nói đến cái tâm thức của cộng đồng ấy, của ứng xử ấy chứ không phải vụ giết người này, đám đánh nhau kia. Nhưng phải công nhận là bây giờ lớp trẻ dữ dằn hơn. Chỉ tức khí nhau là có thể chuyện bé xé ra to, thậm chí dẫn đến giết người, đó là cái đáng phải lưu ý.
 
Xã hội đông người, chỉ cần một số biểu hiện thì đã kích động vào nhận thức của con người. Thanh niên, kênh thông tin của họ rộng nên nhìn cuộc sống có những nhu cầu lớn hơn hiện thực, tạo nên bức xúc và nếu không được thoả mãn thì ngày càng dồn nén. Nếu phân tích thế thì nó lại khác.

Nhưng có một điều ai cũng thấy là xã hội càng phát triển thì dường như văn hoá, đạo đức lại càng xuống cấp?

Từ lâu rồi người ta đã phát hiện ra rằng, sự phát triển nếu không đặt cạnh văn hoá thì không đảm bảo được sự bền vững. Toàn thế giới hiện nay đứng trước một nghịch lý là khi tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đời sống vật chất thì liệu có đảm bảo được những giá trị tinh thần hay không?
 
UNESCO cũng đã đưa ra khái niệm xem văn hoá là động lực, là hệ điều tiết của sự phát triển bền vững. Như vậy là người ta đánh giá rất cao vai trò của văn hoá.

Thì ra đó là các vấn đề chung của cả thế giới chứ không phải của riêng nước ta?

Ta có cái bệnh sang Mỹ thì khen Mỹ, sang Pháp thì khen Pháp, thực ra họ đã vượt qua giai đoạn như mình hiện nay và cũng có những khủng hoảng chứ không phải không. Nhưng dù sao những nước phát triển họ đã được tích luỹ, được giáo dục, được trải qua... bình thường, nên ứng xử cũng khác hơn.
GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam.
GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam.
Cái hiện đại phá truyền thống ghê lắm

Văn hoá quan trọng thế nhưng sao vẫn bị xem nhẹ?

Khi đồng tiền lên ngôi thì phẩm giá, đạo đức bị chà đạp, bị xem nhẹ. Đó là một quy luật của phát triển. Nguyễn Du đã phải kêu lên: Trong tay đã sẵn đồng tiền, dẫu rằng đổi trắng thay đen mặc lòng. Cho nên nếu đồng tiền lên ngôi thì nó phá nhiều thứ trong xã hội.
 
Không có tiền thì không phát triển được, nhưng nó chỉ là phương tiện chứ không nên là mục đích. Nếu trở thành mục đích, tất cả vì tiền thì xã hội sẽ gặp những vấn nạn không thể giải quyết được. Nước ta có nhiều vấn đề, theo tôi nghĩ là do ta phát triển trong những điều kiện không bình thường.

Ông muốn nói tới thời gian chiến tranh?

Đúng vậy. Chiến tranh kéo dài tới 30 năm. Cái nguy hiểm nhất là vì kéo dài nên cái vốn không bình thường lại trở thành bình thường với người Việt Nam. Muốn phát triển phải bình thường hoá lại mọi thứ. Những việc trong chiến tranh nếu tiếp tục sử dụng trong hoà bình thì sẽ thành tiêu cực.
 
Ví dụ, chạy đua với thành tích là việc làm quan trọng trong kháng chiến, còn trong thời bình nếu cứ chạy theo thành tích thì sẽ dẫn đến tiêu cực.

Những dân tộc thông minh thì biết từ bỏ những vinh quang của chiến thắng để đi vào những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Còn ta thì say sưa với thắng lợi nên nhiều khi không tỉnh táo.

Tôi thấy ở ta hiện có hai thái cực, một là thấy xã hội phát triển, toàn màu hồng. Hai là chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực toàn màu đen?

Theo tôi, phải nhìn xã hội bằng con mắt biện chứng hơn chứ không phải một chiều. Ngay trong một con người cũng có ưu điểm và nhược điểm. Do đó, nếu nhìn một chiều thì hoặc chỉ thấy màu hồng hoặc chỉ nhìn thấy màu đen và khó phát triển.
 
Thực ra thì đó là những cái giá phải trả cho sự phát triển. Cái cũ bị phá vỡ, còn cái mới chưa hình thành. Đi lên hiện đại thì cái hiện đại phá truyền thống ghê lắm. Mình cứ tưởng có thể giữ được. Chúng ta lại chưa kịp chuẩn bị cho tốt, nên cái khó khăn, nghịch lý tăng lên rất nhiều.

Thay đổi thì thay đổi, nhưng cái gì tốt đẹp thì phải giữ lại chứ. Tại sao ngày xưa nghèo khổ, nhà cửa chật trội mà vẫn sẵn lòng đón tiếp người ở quê ra. Còn nay nhà cao cửa rộng thì lại rất ngại?

Tôi có hỏi người Nhật, đi lên hiện đại thì có giữ được tình thân không? Họ bảo khó giữ được như kiểu ngày xưa. Vì ngày xưa mọi người đều như nhau, đều chung sống trong cộng đồng, tình yêu thương ấy gắn bó cho nên giúp được là cứ phải giúp, không giúp được là thấy xấu hổ vì không đúng với lương tâm, theo hệ giá trị của con người.
 
Cuộc sống hiện đại làm cho vị thế của mỗi một con người, công việc... ngày càng khác hơn. Từ nếp sống ấy tạo nên cách ứng xử mới. Gia đình và cộng đồng cũng bị phá vỡ. Tôi cũng là người cố giữ truyền thống, nhưng thấy khó lắm, ngay từ những bữa ăn chung trong gia đình cũng khó duy trì.
 
Mình có muốn giữ như xưa cũng không làm được, mà phải thay đổi. Sự thay đổi đó là tất yếu và ta phải chấp nhận để tìm cách ứng xử thích hợp.

Phải xây dựng một thang giá trị khác

Thế nên chúng ta mới mắc bệnh hoài cổ, thấy cái gì của ngày xưa cũng đẹp đẽ, tử tế hơn?

Người Việt Nam đang muốn níu kéo giữa cái cũ với cái mới. Thật ra thì không nên thế, mà ta phải xây dựng một thang giá trị khác: Cũng có tính cộng đồng, cũng có tình làng nghĩa xóm, nhưng ứng xử phải khác đi, không thể như ngày xưa được. Con người phải tăng cường ý thức về pháp luật bên cạnh tình cảm cộng đồng.

Theo ông, nếu phát triển lên nữa liệu ta có phải đối mặt với căn bệnh cô đơn và tự tử như của nước Nhật?

Cô đơn là hệ quả của một xã hội đề cao vai trò cá nhân. Của ta là đề cao vai trò cộng đồng. Mình xây dựng được cái hài hoà của cộng đồng, nhưng mặt yếu là không giải phóng cá nhân.
 
Xã hội phương Đông đều như thế cả. Nước Nhật học tư bản phương Tây cái dân chủ, đề cao vai trò của cá nhân nên phát triển rất nhanh. Nhưng mặt trái của nó là khi con người cảm thấy không còn lực để vượt lên nữa thì cô đơn, không biết bấu víu vào đâu.
 
Người Nhật bị sốc hơn vì phương Tây trải qua thời kỳ ấy dài, còn họ ép nó lại một thời gian ngắn. Của ta thì chưa xuất hiện cái cô đơn. Mỗi một nước, mỗi sự phát triển đều có cái giá của nó. Chỉ có những người lãnh đạo khôn khéo thì trả giá về chiến lược ít thôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!      
Bản sắc không chỉ là cái biểu hiện bên ngoài mà quan trọng hơn nó là cái ý thức về dân tộc, về sự lựa chọn của dân tộc ấy. Văn hoá theo tôi là một cấu trúc gồm 2 bậc, phần nổi phía trên gọi là biểu tầng, là cái thường xuyên thay đổi. Một dân tộc càng thay đổi lớn thì càng phát triển. Nhưng dù muốn thay đổi thế nào thì nó vẫn phải chịu sự chi phối của ý thức, nằm sâu trong cái cơ tầng, tức là hệ giá trị. Hệ giá trị sẽ điều tiết sự thay đổi để không dẫn đến sự hỗn loạn, vẫn được đảm bảo trong một trật tự nhất định. Giáo dục về bản sắc dân tộc tức là giáo dục về các hệ giá trị nằm sâu trong tâm thức, còn lựa chọn cái gì là tuỳ mỗi người. Nếu ép người ta phải thế này thế khác, thì sẽ bị phản đối.
Nhật Minh (Thực hiện)