Ngày 15/7/2009 Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 1628/TTCP – VP (V/v giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đương, tỉnh Hưng Yên) gửi Viện trưởng VKSND tối cao; Chánh án TAND tối cao, nội dung như sau: “Thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đương và một số công dân, thường trú tại Đội 3 (thôn 2, xã Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên) nhiều lần lên các cơ quan T.ư, trực tiếp đến trụ sở Thanh tra Chính phủ gửi đơn và khiếu nại bản án dân sự phúc thẩm số 25/2001/PTDS ngày 24/7/2001 của TAND tỉnh Hưng Yên xét xử vụ kiện tranh chấp nhà đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Khắc Sinh và bị đơn là ông Nguyễn Văn Đương.
Lực lượng cưỡng chế bàng quan để ông Đương tự thiêu đến chếtSáng ngày 21/7/2009, Thi hành án tỉnh Hưng Yên tiến hành cưỡng chế nhà ông Đương với lực lượng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, cảnh sát cơ động... Không đồng ý với hành vi vô lý và thiếu tôn trọng người dân, ông Nguyễn Văn Đương đã tự thiêu trong chính ngôi nhà của mình. Hậu quả là ông Đương đã chết và toàn bộ ngôi nhà năm gian đã cháy thành tro.
Cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt nhóm phóng viên khi tiếp cận hiện trường sáng nay (21/7) là mùi khét lẹt sau đám cháy phủ màu tang tóc khắp một vùng rộng lớn, trong khi đó đội ngũ công quyền với hàng trăm người, không một ai có động thái cứu giúp hay hỗ trợ gì mà hầu hết chỉ tập trung, chăm chắm vung dùi cui, lá chắn đập thẳng vào những người dân đang kêu khóc. Nhiều người dân ngã khụy xuống, máu be bét khắp mặt mũi và chảy đầm đìa thấm ướt tận vạt áo. Một chị phụ nữ bị cán bộ công an giật tung lớp áo ngoài rồi tung chân đá thẳng vào bụng khiến chị này đổ sập xuống nền đất nhầy nhụa bởi cơn mưa lớn hôm qua. Đây thật sự là một cuộc cưỡng chế khủng khiếp và hậu quả hết sức to lớn. Rõ ràng, nhân tính ở đây dường như không được mấy quan tâm. Người dân địa phương hết sức bất bình, phẫn nộ. Còn nhớ, trước đó các cơ quan ngôn luận đã lên tiếng cảnh báo bản án số 25/DSPT ngày 24/7/2001 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên có thể dẫn tới sự phẫn uất cho cá nhân và tiêu cực với xã hội. Tuy nhiên, lời cảnh báo đã bị xem nhẹ và hậu quả thì quá đau xót. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước cái chết đau đớn của ông Đương? Và ai sẽ phải trả lời công luận về vấn đề này?. Có lẽ, các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên lúc này sẽ chỉ có một câu trả lời: "Giải quyết hậu quả đã"! Cái được gọi là hậu quả do ai gây ra giờ vẫn còn bỏ ngỏ! |
Theo đơn của ông Nguyễn Văn Đương trình bày và tài liệu có trong hồ sơ cho thấy toàn bộ diện tích 696m2 đất và 150m2 ao do ông Nguyễn Văn Đương đứng tên chủ sở hữu do UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 10/5/2000, ông Nguyễn Khắc Hiền, gọi bố ông Đương là bác ruột kiện đòi nhà đất của gia đình ông Đương để làm nhà thờ họ Nguyễn nhưng khi hòa giải tại UBND xã Đại Hưng, ông Hiền đã thừa nhận nhà và đất này là nhà thờ cụ Đồ Lương (bố ông Đương) chứ không phải nhà thờ họ Nguyễn nên đã rút đơn kiện. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, TAND tỉnh Hưng Yên vẫn xác định 3 gian nhà là nhà thờ của họ Nguyễn. Theo ông Đương, không có tài liệu nào chứng tỏ 3 gian nhà gia đình ông Đương đang sử dụng là nhà thờ họ Nguyễn; họ Nguyễn đã có một nhà thờ tổ có tên là nhà thờ Đại Tôn, nằm tại ngõ Nghè thuộc xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu. Mặt khác, diện tích 150m2 đất ao là của bố ông Đương mua từ năm 1943, không liên quan đến bất cứ ai trong dòng họ nhưng TAND tỉnh Hưng Yên vẫn tách 55, 44 m2 từ diện tích ao để cho ông Nguyễn Khắc Sinh làm lối đi.
Ngày 02/01/2003, UBND xã Đại Hưng có báo cáo số 01/BC-UB với nội dung: “Cả quá trình xét xử tại địa phương chúng tôi chỉ thấy VKSND huyện Khoái Châu, TT Trợ giúp pháp lí tỉnh Hưng Yên và phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương đã về trực tiếp ở xã thẩm định, còn các cơ quan tòa án huyện và tỉnh không về địa phương thẩm định. Do vậy nên 3 cơ quan về xã thẩm định, sau khi thẩm định đã đưa ra quan điểm trái ngược với tòa án huyện và tỉnh”.
Ngày 25/6/2009, UBND xã Đại Hưng đã có văn bản nêu quan điểm của địa phương về vụ án như sau: “Để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương khi thi hành án, để đảm bảo quyền lợi và thỏa đáng theo nguyện vọng của ông Nguyễn Văn Đương về việc xem xét lại nội dung của bản án số 25/DSPT ngày 24/7/2001 của TAND tỉnh Hưng Yên. Đề nghị các quý ban căn cứ theo hồ sơ đã thụ lí, báo cáo của UBND xã tại thời điểm năm 2002 và thẩm quyền, pháp luật để làm cơ sở giải quyết theo nguyện vọng đề nghị của gia đình ông Đương”.
Việc khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đương đã được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội có văn bản số 427/UBTP ngày 12/2/2004 chuyển đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đương đến đ/c Chánh án TAND tối cao và đ/c Viện trưởng VKSND tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa có kết quả, do vậy ông Nguyễn Văn Đương và một số công dân vẫn đến các cơ quan T.Ư khiếu nại.
Ngôi nhà ông Đương bị cháy tan hoang.
|
Căn cứ nội dung đơn và quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đương đến đ/c Viện trưởng VKSND dân tối cao để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân và thông báo Thanh tra Chính phủ kết quả”.
Ngày 17/7/2009, phóng viên một số báo chí đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND xã Đại Hưng. ông Đào Ngọc Minh Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng trao đổi: Ngay từ đầu những năm 2000, khi vụ tranh chấp phát sinh, xã đã tiến hành hòa giải, vận động các bên rất nhiều lần. Có những cuộc họp kéo dài đến 8h tối, phía nguyên đơn đã cam kết không kiện nữa. Khi vụ việc đưa đến tòa án, xã cũng đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng đầy đủ, trung thực sự việc, căn cứ vào những hồ sơ pháp lí xã đang lưu giữ. Những tưởng sự việc sẽ được các cơ quan tòa án xem xét khách quan, giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lí…, nhưng cả hai cấp tòa đều ra những phán quyết khiến người dân và cả chính quyền cơ sở đều không chấp nhận được. Hơn nữa, chính quyền xã Đại Hưng cũng thấy bất ổn là cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm khi tiến hành điều tra, xét xử vụ án không hề về địa phương kiểm tra, gặp gỡ, tìm hiểu nguồn gốc đất đai, tài liệu liên quan đến mảnh đất có tranh chấp mà chính quyền hiện đang lưu giữ. Chính vì vậy mà hầu hết cán bộ và những người dân sống ở Đội 3, thôn 2, xã Đại Hưng, biết sự việc này đều thắc mắc không hiểu tòa dựa vào căn cứ pháp lí nào, ai cung cấp để phán quyết sai sự thật?
Khi được hỏi "hiện nay khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, người bị oan trái cứ đi kêu kiện chưa được giải quyết, còn cơ quan thi hành án cứ thúc ép thi hành thì chính quyền cơ sở sẽ xử lí thế nào?", ông Minh cho biết: Với trách nhiệm là chính quyền cấp dưới chúng tôi phải chấp hành nghiêm túc. Song, cũng nói thật là sẽ rất khó khăn, bởi lẽ chúng tôi chỉ biết thuyết phục và vận động người dân, nhưng khi quyền lợi chính đáng của dân bị xâm hại không được bảo vệ họ sẽ phải tự bảo vệ bằng chính khả năng của mình. Hiện nay, gia đình ông Đương đang gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan T.Ư đề nghị xét xử lại vụ án này, nếu thi hành án ép họ quá họ có thể sẽ manh động… Chính quyền xã cũng đã có báo cáo những việc này lên các cơ quan có trách nhiệm đề nghị xem xét giải quyết. Chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn các cơ quan chức năng xem xét lại vụ án dân sự này một cách khách quan, nghiêm túc, đừng phán quyết vội vàng, không đúng sự thật dẫn đến mâu thuẫn trong nhân dân ngày càng phức tạp và khó khăn cho cả chính quyền cơ sở…..
TAND huyện Khoái Châu và tỉnh Hưng Yên phán quyết sai, không khách nên đã thật sự gây bức xúc cho người dân và là nguyên nhân của hiện tượng khiếu nại kéo dài, vượt cấp tạo thành điểm nóng ở địa phương. Nguyên nhân sự oan ức của người dân bị dồn ép đến bước đường cùng đã dẫn đến việc ông Nguyễn Văn Đương phải liều mình để giữ đất của tổ tiên và danh dự cho dòng họ.
Nhóm PV điều tra