THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 January 2012

Vụ bắn bị thương sáu người: Có nhất thiết phải cưỡng chế?

TP - Việc chủ đầm Đoàn Văn Vươn dùng súng, mìn... chống trả lực lượng cưỡng chế huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) sáng 5-1 làm 6 cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội bị thương là đáng lên án, cần xử lí nghiêm để làm gương cho những kẻ thích hành xử kiểu côn đồ, chống đối cơ quan chức năng. 

Tuy nhiên, có cần thiết phải cưỡng chế như vậy khi quyền lợi chính đáng của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng?

Ngôi nhà trông coi đầm bị cưỡng chế nhầm đã bị kéo sập
Ngôi nhà trông coi đầm bị cưỡng chế nhầm đã bị kéo sập.

Chân dung kẻ phạm tội
PV Tiền Phong về thôn Thúy Nẻo, nơi chủ đầm Vươn cùng gia đình sinh sống. Ngôi nhà sập sệ của một gia cảnh nghèo đập vào mắt hoang lạnh, cửa mở toang hoang, mẹ già của anh Vươn đi đâu mất từ sáng, chỉ còn người em gái út anh Vươn là chị Đoàn Thị Nhánh (39 tuổi) bị tâm thần và mấy người già cùng làng sang động viên. 

Bà Nguyễn Thị Ngúy (67 tuổi, hàng xóm) cho biết, tiếng là chủ đầm thế thôi, gia đình anh Vươn nghèo khổ lắm. Cái nhà sập sệ này là tài sản duy nhất ông bố Đoàn Văn Thiển (đã mất 6 năm nay) để lại cho. Khi còn sống, ông Thiển là một đảng viên gương mẫu, từng hơn 20 năm làm bí thư chi bộ thôn và luôn đi đầu các phong trào làng xã, chắt chiu nuôi 7 người con (5 trai và hai gái).

Tất cả 7 anh chị em nhà anh Vươn đều hiền lành, không có tiền án, tiền sự gì cả. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Đoàn Văn Vươn cố học lên Đại học Nông nghiệp (hệ tại chức)...

Bà Đoàn Thị Rích (60 tuổi) và ông Đoàn Văn Ngọn (63 tuổi, đều là hàng xóm) nói anh Vươn và gia đình sống rất hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Là kĩ sư nông nghiệp có kiến thức khoa học nên gần 20 năm nay, suốt ngày anh Vươn lặn lội ngoài đầm ven biển. 

Trưởng thôn Thúy Nẻo Đoàn Văn Mễ (54 tuổi) nói, anh Vươn sống hiền lành, rất cần cù được làng xóm quý mến, không điều tiếng hay vi phạm pháp luật gì cả. Gia đình còn nghèo lắm nhưng vay mượn tiền tỷ quyết đầu tư hết vào đầm nuôi trồng thủy sản cùng người em trai là Đoàn Văn Quý. 

Năm 1993, vợ chồng anh Vươn kéo nhau ra bãi bồi hoang ven biển đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. 

Hồi đó, bãi bồi ven biển xã Vinh Quang này chẳng ai nhận vì sự hoang vu, nguy hiểm của nó. Đứa con gái đầu lòng của vợ chồng anh Vươn bị chết đuối tại đầm từ nhỏ khi theo bố mẹ khai hoang... Hiện, vợ chồng anh Vươn còn hai đứa con trai. Đứa lớn học cấp 3, đứa nhỏ học cấp 1.

Cưỡng chế nhầm?
Tại buổi họp báo tối 12-1 của UBND TP Hải Phòng, Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền thừa nhận quyết định tổ chức cưỡng chế chỉ phần đầm 19,3ha chứ không phải cả 40,3 ha. 

Tuy nhiên, sau vụ nổ súng, không biết vì lí do gì mà lực lượng cưỡng chế đã tiến hành san phẳng ngôi nhà hai tầng của gia đình anh Đoàn Văn Quý (em trai anh Vươn) và gia đình anh Vươn - không nằm trên phần đất cần cưỡng chế. 

Trở lại việc cưỡng chế, thu hồi 19,3ha đầm, nhiều vấn đề còn chưa được làm rõ. 19,3ha đầm này do gia đình anh Vươn đổ nhiều tỷ đồng cùng công sức trong quai đê lấn biển mới thành. Năm 1997, UBND huyện Tiên Lãng thừa nhận việc lấn biển của anh Vươn. 

Quy định của Luật Đất đai năm 2003 đối với việc giao, thuê đất nuôi trồng thủy sản với thời hạn là 20 năm, có nghĩa là nếu chiểu theo đúng luật thì đến năm 2017, diện tích đầm 19,3ha của anh Vươn mới bị thu hồi để cho thuê tiếp nếu không sử dụng cho mục đích an ninh quốc phòng hay công cộng... 

Nhiều năm trước khi có vụ cưỡng chế sáng 5-1, gia đình anh Vươn đã nhiều lần đơn thư cầu cứu các cơ quan chức năng Hải Phòng, đề nghị được giao đất theo đúng quy định pháp luật, nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Thu hồi không đền bù
Ngôi nhà trông coi đầm bị cưỡng chế nhầm đã bị kéo sập
Ngôi nhà của gia đình anh Vươn.

Xung quanh việc cưỡng chế, thu hồi đầm, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Tiên Lãng cho biết: “ngày 4-10-1993, lãnh đạo huyện Tiên Lãng khi đó có quyết định giao cho anh Vươn 21 ha bãi bồi ven biển xã Vinh Quang để cải tạo, nuôi trồng thủy sản. Thời hạn giao là 14 năm. 

Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo, anh Vươn cùng gia đình khai hoang được thêm 19,3 ha bãi bồi ven biển phía ngoài nữa. Năm 1997, huyện thừa nhận thêm phần đầm khai hoang của vợ chồng anh Vươn. Thời gian này, anh Vươn chỉ phải nộp thuế nông nghiệp vì bãi bồi ven biển còn hoang chưa thu được gì nhiều. 

Đến năm 2008 hết hạn đã giao, lãnh đạo huyện nhiều lần yều cầu vợ chồng anh Vươn bàn giao lại toàn bộ diện tích đầm đang sử dụng (lúc này là 38,5 ha) bởi theo Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 thì số diện tích 38,5 ha thu hồi này sẽ không giao nữa mà huyện sẽ cho thuê bằng hình thức tổ chức đấu thầu. 

Sau đó, ai trúng thầu giá cao nhất sẽ được huyện cho thuê... Tất nhiên trong quá trình đấu thầu cho thuê, gia đình anh Vươn nếu muốn tiếp tục sử dụng đầm thì phải làm đơn và có phần ưu tiên...”.

Ông Hiền khẳng định việc huyện thu hồi 38,5 ha đầm của anh Vươn là đúng quy định pháp luật. Huyện cũng không bồi thường hay hỗ trợ gia đình anh Vươn một đồng nào cả...

Việc cưỡng chế, thu hồi 38,5 ha đầm của gia đình anh Vươn của huyện Tiên Lãng có đúng quy định pháp luật hay không, cần cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét thấu đáo? 

Lam Khê