RFA 31.12.2011Hôm nay là ngày cuối cùng của năm Dương lịch 2011. Nhân dịp này, chúng tôi xin điểm lại một số sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong năm qua. Tranh chấp Biển ĐôngThời sự Việt Nam năm 2011 dường như gắn liền với những tranh chấp tại Biển Đông. Xuyên suốt từ Đại hội đảng lần thứ 11 hồi tháng Giêng cho đến các phiên họp cuối cùng trong năm của Quốc hội, vấn đề Biển Đông liên tục được đặt ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bộc lộ ý đồ lấn chiếm lãnh hải Việt Nam qua tấm bản đồ hình lưỡi bò. Nếu trong bài diễn văn bế mạc Đại hội đảng, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực đàm phán với các quốc gia liên quan để bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông; thì trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội vào cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại nêu đích danh Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Tranh chấp Biển Đông cũng một lần nữa khơi dậy tinh thần yêu nước của người Việt Nam nói chung và giới nhân sĩ trí thức nói riêng. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra liên tục trong hơn 10 Chủ nhật tại Hà Nội và Sài Gòn, phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông như xâm phạm lãnh hải Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam cũng như bắt giữ, đánh đập ngư dân Việt Nam. Đàn áp dân chủ Về chính trị, năm 2011 ghi nhận một số diễn biến của phong trào dân chủ tại Việt Nam.Trong lúc giới tranh đấu tiếp tục lên tiếng bày tỏ các quan điểm của mình trước tình hình đất nước, chính quyền cũng tỏ ra không khoan nhượng. Năm 2011 ghi nhận một số vụ án chính trị tiêu biểu như trường hợp Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở miền Bắc, Giáo sư Phạm Minh Hoàng ở miền Nam, vân, vân… Tại miền Trung, vụ gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn bị công an trấn áp, dọa nạt cũng gây nhiều chú ý cho dư luận trong và ngoài nước. Riêng tại Huế, trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý một lần nữa gây nhiều bất bình trong công luận khi sau một thời gian được tạm tha để chữa bệnh, công an đã đến tận Nhà Chung thuộc Tổng giáo phận Huế bắt Linh mục Nguyễn Văn Lý đưa đi giam cầm trở lại. Trấn áp tôn giáo Về tôn giáo, tuy có chút lắng dịu so với năm 2010, nhưng những tranh chấp giữa Nhà nước với Nhà thờ, giữa chính quyền với Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất vẫn còn nguyên vẹn.Thêm vào đó là các vụ trấn áp, bắt bớ nhắm vào tín đồ Hòa Hảo, các Mục sư Tin Lành, cũng như học viên Pháp Luân Công… từ Nam chí Bắc. Giáo xứ Thái Hà một lần nữa lại là điểm nóng tôn giáo khi giáo dân, tu sĩ và linh mục kiên quyết đòi chính quyền thành phố Hà Nội trả lại khu đất của Nhà thờ Thái Hà mà trước đây chính quyền mượn làm bệnh viện. Thành quả ngoại giaoTrong lĩnh vực bang giao quốc tế, năm 2011 Việt Nam tiếp tục khuếch trương ảnh hưởng trong khối ASEAN đồng thời tham dự mạnh mẽ hơn vào các diễn đàn khu vực; trong đó thành quả cụ thể mà Việt Nam đã đạt được là việc quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông. Trong năm qua, Việt Nam cũng đánh dấu những thăng tiến trong quan hệ với Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đầu tư, đến chính trị, quốc phòng, v.v… Kinh tế Về kinh tế, Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhất là khu vực Châu Âu.Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới World Bank và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, trong năm 2011 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 5.9%. Tuy nhiên nếu như năm 2011 ngành xuất khẩu gạo Việt Nam mang lại nhiều thành quả đáng ghi nhận qua việc tiếp tục duy trì vị trí quốc gia xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới và có khả năng chiếm vị trí số 1 của Thái Lan trong thời gian tới; thì lĩnh vực quốc doanh lại một lần nữa gây thất vọng khi vụ vỡ nợ của tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Lĩnh vực xã hội Về xã hội, Việt Nam năm 2011 tiếp tục chứng kiến tình trạng vật giá leo thang, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước thay nhau tăng giá, khiến cho đời sống của người làm công ăn lương càng thêm khó khăn.Cũng trong lĩnh vực xã hội, một sự kiện gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam trong nửa cuối năm qua là đề nghị thay đổi giờ đi học/làm việc nhằm giảm bớt tình trạng tắt nghẽn giao thông tại các thành phố lớn trong giờ cao điểm. Đề nghị này được tân bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng khởi xướng, ngay lập tức đã gặp phải nhiều phản ứng khác nhau: đồng tình cũng có mà phản đối cũng nhiều, tuy nhiên cho đến nay tất cả vẫn còn là dự án… Chặn Facebook nhưng chào đón người sáng lập Và cuối cùng, những ngày cuối năm 2011 Việt Nam mở cửa tiếp đón một vị khách đặt biệt, đó là nhà tỉ phú trẻ sáng lập mạng xã hội Facebook.Nếu hồi năm 2006, giới trẻ Việt Nam từng phát sốt khi được nhìn thần tượng Bill Gate bằng da bằng thịt, thì vào dịp Giáng Sinh năm nay, truyền thông Việt Nam đã theo dõi sát nhất cử nhất động của Mark Zuckerberg và cô bạn gái người Mỹ gốc Hoa Priscilla Chan, khi cặp đôi này cùng bạn bè đáp trực thăng đến Việt Nam. Tuy nhiên điều khôi hài ở đây là trong khi hồ hởi tiếp đón và ca tụng những thành công của Mark Zuckerberg, thì chính quyền Việt Nam lại ngăn cản người dân trong nước tiếp cận với sản phẩm làm nên tên tuổi của vị tỷ phú người Mỹ này, đó là trang mạng xã hội Facebook, được giới trẻ khắp thế giới coi là một phương tiện truyền thông không thể thiếu trong thời đại ngày nay. Theo dòng thời sự:
|
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog