THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 January 2012

Nguyễn Văn Thành – Một câu chuyện cảm động về 4 ngôi mộ lính nhảy dù Vị Quốc Vong Thân


Nguyễn Văn Thành



Trong cuộc chiến vừa qua, dù rằng đã hơn 36 năm nhưng những chuyện kể về sự chiến đấu kiêu hùng của những người Lính, vẫn còn được nhắc đến qua lời kể của người Dân sở tại và đây là câu chuyện về những người Lính Nhẩy Dù đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Mời quý vị theo dõi

Những ai đã từng sống tại thị xã Bà Rịa-Vũng Tàu hoặc có dịp đi qua con đường này, đối diện Nghĩa Trang Liệt Sĩ Bà Rịa-Vũng tàu, có 4 ngôi mộ (không có bia) trong vườn nhà ông Hai Lì, đã có mặt từ ngày 1 tháng 5 / 1975 cho đến nay
Những ai đã từng sống tại thị xã Bà Rịa-Vũng Tàu hoặc có dịp đi qua con đường này, đối diện Nghĩa Trang Liệt Sĩ Bà Rịa-Vũng tàu, có 4 ngôi mộ (không có bia) trong vườn nhà ông Hai Lì, đã có mặt từ ngày 1 tháng 5, 1975 cho đến nay…
Từ nguồn tin của người dân ở thị xã Bà Rịa-Vũng Tàu nói về sự linh ứng của 4 ngôi mộ này, theo họ cho biết đó là những ông lính bận đồ rằn ri, chiến đấu cho đến trưa ngày 1 tháng 5, 1975 rồi cùng nhau tự sát… cũng vì thế để tìm hiểu thực hư, sau gợi ý của Hùng Bảy Lổ (Canada) với sự bàn thảo của Anh Lâm Viên 20, chúng tôi với sự dẫn dắt, giới thiệu của MÐ Vẽ 91 lên đường đến tận nơi 4 ngôi mộ, chúng tôi gồm có MÐ Ðẹp 83 (TPB cụt môt chân), MÐ Thành 31, MÐ 93 và MÐ 90.
Kìa… vườn nhà ông Hai Lì nơi có 4 ngôi mộ, theo lời MÐ Vẽ nói về ông Hai Lì rất dữ dằn, khó chịu (dân cách mạng) nên chúng tôi hơi chùn lòng, sợ bị làm khó dễ. Ðiều linh ứng đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được là sau lời vái của MÐ Ðẹp: 'Xin vái với các anh sống khôn, thác thiêng hãy tạo thuận lợi cho chúng tôi là những đồng đội cũ, tìm đến để đưa các anh về chùa nhang khói, hy vọng những thân nhân của các anh sẽ sớm nhận được tin này." Khi bước vào vườn nhà, tức thì ông Hai Lì xuất hiện với nụ cười trên môi, niềm nở tiếp đón anh em chúng tôi (không hề có sự khó khăn nào) và hình như ông ấy đã biết rõ ý định của chúng tôi là xin bốc 4 ngôi mộ (vì lúc đó MÐ Ðẹp bận quần trận Hoa Rừng) ông Hai Lì nói: "Tôi đã chôn cất mấy ông này từ ngày 1 tháng 5, 1975, hơn 36 năm, tôi chờ đợi thân nhân mấy ông này nhưng không thấy, hằng năm tôi vẫn thường nhang khói, đắp mộ cho mấy ông này, nay các anh là đồng đội tìm đến, tôi rất vui và tôi hứa sẽ tạo mọi điều kiện cho các anh bốc mộ, đừng ngại gì cả."
Ðược lời như mở tấm lòng, chúng tôi xin ông vui lòng kể lại sự việc, vì sao có 4 ngôi mộ này. Theo lời ông Hai Lì kể: "Tôi là dân gia đình cách mạng, mấy ông rằn ri này gan lì lắm, mấy ổng chống đến cùng dù có lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh 30 tháng 4, 1975, mấy ổng chiến đấu cho đến trưa 1 tháng 5, 1975 rồi cùng nhau tự sát và chính tôi là người chôn cất mấy ổng, giấy tờ từng ông tôi bỏ vào một cái hộp chôn theo các ông."
Ngừng một lát, ông Hai Lì kể tiếp với giọng nói pha chút thán phục: "Mấy ổng linh lắm, nhiều năm trước thỉnh thoảng có những người đến mộ cầu xin, đều được linh ứng nên mọi người quanh đây rất kiêng nể. Có những kẻ 'vô ý thức' khi đi ngang qua đây, chỉ trỏ, bi bô với giọng điệu chế nhạo 'mả mấy thằng lính Ngụy' đều bị báo ứng như té xe, tông cột đèn, trầy tay, trẹo chân… vì thế, ngày nay có mấy anh đến thăm và di dời mấy ổng về chùa, tôi sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho các anh, các anh cứ làm, đừng ngại gì cả, tôi sẽ giúp với tất cả tấm lòng."
Chúng tôi cùng lặng người khi nghe kể về các anh, kính phục các anh đã tận trung bảo quốc. Những anh hùng vì nước quên thân, khí hùng tử anh hùng nào tử. Khi sống, chiến đấu hiên ngang cho đến khi khí tàn, sức kiệt chọn cái chết để bảo toàn danh dự và khi tử tiết đã hiển linh cho mọi người cùng thấy và chúng tôi nguyện với lòng sẽ đem các anh về nơi yên bình, sớm hôm nghe Kinh Phật ngõ hầu linh hồn các anh được siêu thoát khỏi cõi đời ô trọc này.
Xin nguyện cầu anh linh các anh dẫn lối đưa đường để những người thân yêu của các anh sớm tìm gặp lại các anh. Chúng tôi những người đồng đội cũ, đến đây với các anh với tấm chân tình, huynh đệ chi binh… ngày nay chúng ta đã mất tất cả nhưng không bao giờ mất được tình đồng đội… hơn 36 năm nằm đây, các anh là những chiến sĩ vô danh nhưng từ hôm nay các anh sẽ được vinh danh trong quân sử, những anh hùng trong QLVNCH nói chung và làm rạng danh thiên thần của binh chủng, một tay cũng đánh, một cánh cũng bay…
Gặp lại…
Nơi các anh nằm xuống (trong vườn nhà của ông Hai Lì) đối diện là Khu Nhà Ðá của Pháp để lại (bây giờ là NTLS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cách Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp khoảng vài trăm mét, nay là phường Long Tâm, TX Bà Rịa-Vũng Tàu có một toán lính Nhẩy Dù đã kháng cự mãnh liệt cho đến tận trưa ngày 1 tháng 5, 1975 rồi cùng gục ngã bất chấp lời kêu gọi đầu hàng của TT Dương Văn Minh vào trưa 30 tháng 4, 1975, chính sự chiến đấu kiêu hùng đó đã làm cho ông Hai Lì thán phục, tinh thần vì nước quên thân và sự hy sinh cao cả của các anh đã xóa mờ lằn ranh thù hận và cũng chính ông là người đã chôn cất 4 mộ phần này trong khu vườn của ông và giữ gìn cho đến ngày hôm nay, chúng tôi xin chân thành cám ơn ông đã chăm sóc những đồng đội của chúng tôi, ông Hai Lì là một người tốt đã tạo điều kiện dễ dàng để chúng tôi tìm gặp các anh và thuận lợi thứ hai là khi nói chuyện với vị sư trụ trì gần đó, sau khi nghe kể rõ mọi sự tình như nói ở trên, ngài sư trụ trì hứa sẽ chấp nhận cho các anh vào chùa mà không đòi hỏi khoản chi phí nào và hứa khi thân nhân các anh tìm gặp sẽ tạo mọi thuận lợi cho các thân nhân của các anh tùy nghi đem về hoặc để lại chùa nhang khói cũng được. Mọi việc coi như êm xuôi, chỉ còn chờ ngày tốt để đem các anh vào chùa.
Cuộc chiến đã trôi qua hơn 36 năm… những đắng cay, tủi nhục mà thân chiến bại từng nếm trải, vòng lao lý, kiếp gian truân, gian nan cực nhọc trên nẻo đường mưu sinh, người sống còn nhọc nhằn như thế huống gì người nằm xuống nơi chân trời, góc bể tưởng như đã bị quên lãng theo thời gian…ngày nay kiếm tìm được đồng đội ngã xuống nơi này là cả một công sức của những người có tâm huyết vì đồng đội, không một chút tư lợi, không chút lợi danh mà chỉ muốn đưa các anh về với gia đình người thân, hơn thế nửa vinh danh các anh những anh hùng trong cuộc chiến bi hùng này.
Người ngoài cuộc còn biết thán phục, biết vị nể, còn có tấm lòng huống chi chúng ta là những người từng đội chung màu Nón Ðỏ, lẽ nào làm ngơ!!! Xin hãy chung tay giúp sức cho những đồng đội còn ở quê nhà có điều kiện thăm hỏi, an ủi nhau lúc ốm đau, bệnh tật, lúc tuổi già bóng xế, những TPB còn lây lất, mưu sinh giữa dòng đời nghiệt ngã, những người mà máu xương của họ đã tô thắm dải đất này.
Xin thắp nén nhang, kính cẩn dâng lên các hương hồn những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Những anh hùng đã âm thầm ngã xuống cho quê hương, xin mãi mãi tưởng nhớ và vinh danh các anh những chiến binh can trường, lẫm liệt, lấy cái chết để bảo toàn danh dự.
Những anh hùng…
Trời tờ mờ sáng (19 tháng 8, 2011) chúng tôi rời Saigon trực chỉ Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nơi các anh yên nghỉ trong khu vườn nhà của ông Hai Lì thuộc Thị Xã Bà Rịa-Vũng Tàu , tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ðến nơi, mọi người trong nhóm bốc mộ đã hiện hiện đầy đủ, nghi thức cúng vái, cầu xin mọi việc được suôn sẻ do sư trụ trì chùa đảm trách.
Công việc bốc mộ được tiến hành, tất cả mọi người cùng hồi hộp chờ đợi từ nhát cuốc đầu tiên chạm vào ngôi mộ, sau đó hé lộ dần những hình hài của các anh đã chôn vùi nơi đây hơn 36 năm dài đằng đẵng… không quan tài, mà cũng chẳng có poncho bọc xác, chẳng còn gì với cát bụi thời gian, ngoài những mảnh xương tàn, quần áo đã mục nát… Chúng tôi cố tìm những mảnh giấy tờ đã được chôn theo các anh sau khi đã lượm lặt từng khúc xương còn xót lại, rồi cho vào từng hủ sành, ghi tên các anh, gởi vào chùa và cầu xin cho các anh được siêu thoát khỏi chốn dương trần đầy khổ đau, tủi nhục này và điều mong muốn mãnh liệt nhất là thân nhân các anh sớm tìm gặp lại các anh sau bao năm dài vắng bặt tin tức…
Trong lúc bốc mộ cũng có một số người dân đến xem tỏ ý thán phục trước tinh thần quả cảm, chiến đấu anh dũng của các anh nên đã tình nguyện phụ giúp lúc bốc mộ và ông Hai Lì cũng xúc động trước tinh thần đồng đội của nhóm bốc mộ chúng tôi, sau bao nhiêu năm vẫn còn giữ được tình cảm này, không bao giờ quên nhau, không ngại đường sá xa xôi, khi nhận được tin đã hết lòng lo cho nhau. Sự chân thành của ông làm chúng tôi cũng hãnh diện phần nào vì các anh, những anh hùng đã ngã xuống cho quê hương…nhưng thế Nước, vận Trời đã làm cho chúng ta ly biệt và mãi đến nay mới có cơ hội được vinh danh các anh. Tất cả mọi người cùng ứa lệ mừng vui khi tìm được những tấm thẻ bài, giấy tờ, tên tuổi các anh… và đây là những vị anh hùng của chúng ta:
-Ngôi mộ thứ nhất: Có thẻ bài tên Trương Vi Cử SQ: 75/115.815 LM:O nón sắt, đầu bút nịt.
- Ngôi mộ thứ hai: Có thẻ bài tên Võ Quang Hằng SQ: 68/123.320 LM:B nón sắt, dây nịt.
- Ngôi mộ thứ ba: (gồm có 2 người) trong đó Một Vô Danh không thẻ bài và có nón sắt. Người thứ hai tên có thẻ bài tên: Trần Văn Hà SQ: 67/824.827 LM:O nón sắt và một số giấy tờ như: Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Nhẩy Dù Khóa 298, mãn khóa ngày 21 tháng 4, 1973.
2 quyết định thăng cấp của Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù/Ban 1: do Tr/tá Lê Hồng ký và Th/tá Châu ký. 1 Chứng Chỉ đã học khóa Phòng Hỏa do Trung Tâm Tiếp Vận Vùng 3 ký, cùng một số hình ảnh (đã phai mờ theo thời gian) nhưng cũng tạm xem được, có hình đội nón Ðỏ, áo Nhẩy Dù.
Những di vật này còn tồn tại là nhờ ông Hai Lì, đã cẩn thận bọc thêm nhiều lớp bao nylon và nhét vào một ống nhựa khi chôn, nhờ sự chu đáo của ông mà hôm nay chúng ta mới đọc được những dòng chữ này và chứng tỏ các anh nằm tại đây là lính Nhẩy Dù.
Sau khi bốc mộ xong, chúng tôi đã đem 4 hủ cốt gởi chùa Báo Ân. Ðịa chỉ: Khu Công Nhân, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Ðức, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Còn các di vật và giấy tờ liên quan kể trên, chúng tôi nhờ MÐ Ðẹp giữ.

Nguyễn Văn Thành
Lê Văn Ðẹp