THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 January 2012

Ngành tài chính, bảo hiểm trả lương cao nhất


Năm 2011, mức lương trung bình của người lao động trong ngành tài chính, bảo hiểm là 5,61 triệu đồng mỗi tháng. Kế đến là ngành thông tin và truyền thông với 5,43 triệu đồng.
Lương cao nhất 50 triệu đồng mỗi tháng
Lương Vinashin 3,5 triệu đồng một tháng 
Sông Đà Đất Vàng nợ nhân viên 10 tháng lương

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố chiều 19/1, tiền lương trung bình theo tháng của người lao động trong năm 2011 là 3,84 triệu đồng, tăng 19,6% so với năm 2010. Con số trên thấp hơn mức thu nhập bình quân là gần 700.000 đồng.

Ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm có lương cao nhất trong năm 2011. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trả lương cao nhất với trung bình là 5,61 triệu đồng, tiếp đến là ngành thông tin và truyền thông với 5,43 triệu đồng, ngành thương nghiệp bán buôn, bán lẻ với 4,68 triệu đồng... Mức lương bình quân thấp nhất thuộc về một số ngành như nông nghiệp - lâm nghiệp, thủy sản và khai khoáng - chế tạo với con số lần lượt là 3,78 triệu đồng, 3,85 triệu đồng và 3,95 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu xét theo lương của công nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thì ngành mỏ, hầm lò giữ mức cao nhất với trên 10 triệu đồng, gấp gần 5 lần nhân viên phục vụ bàn, dệt may... Còn với viên chức quản lý, cán bộ ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm vẫn được trả lương cao nhất, trung bình gần 16 triệu đồng một người, gấp 1,5 lần so với công nghiệp khai thác, chế biến và gấp đôi so với ngành xây dựng, nông - lâm nghiệp.

Nếu xét theo loại hình doanh nghiệp, lương bình quân của người lao động ở công ty 100% vốn nhà nước đạt 4,41 triệu đồng, đơn vị có vốn nước ngoài là 3,88 triệu đồng, khối FDI là 3,63 triệu đồng và thấp nhất là khu vực tư nhân với 3,32 triệu đồng.

Chênh lệch mức lương cao nhất - thấp nhất trong doanh nghiệp FDI khoảng 19,3 lần, trong khu vực 100% vốn nhà nước là 8 lần và đơn vị tư nhân khoảng 5,5 lần. Theo ông Phạm Minh Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, con số trên vẫn là khá lớn và cần rút ngắn để đảm bảo mức sống ổn định, giảm sự phân biệt khoảng cách giàu nghèo trong toàn ngành lao động.

Số liệu thống kê trên được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiến hành khảo sát trên 1.660 doanh nghiệp, chiếm 3% số doanh nghiệp đang hoạt động và trên 15.000 người lao động, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đơn vị được điều tra tại 17 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng kinh tế của cả nước, có thị trường lao động phát triển như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ...

Tính đến ngày 31/12/2011, 63 tỉnh thành đã báo cáo về tiền thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng bình quân Tết dương lịch 2012 là 928.000 đồng, giảm 11,4% so với năm 2010, thưởng Tết Nguyên Đán 2012 là 3,218 triệu đồng, tăng 20% so với năm 2010. Trong đó, khu vực FDI có mức thưởng Tết Nguyên Đán cao nhất với đỉnh điểm là 400 triệu đồng, song vẫn giảm hơn 100 triệu đồng so với năm ngoái. Con số trên thuộc về một doanh nghiệp tại TP HCM.

Xuân Ngọc