Chủ mới của cây xăng không đạt chuẩn ở Mai Dịch (Hà Nội) cho biết, lượng bán đến 16h hôm 3/1 (một ngày sau khi làm chủ), khoảng 4.000-5.000 lít, chưa bằng một nửa của cây xăng khác mà đơn vị này đang kinh doanh.
> Cửa hàng xăng dầu không đạt chuẩn ngừng bán
> Phí bảo hiểm cháy nổ xe máy ngang tô phở> Tẩy chay xăng bán rong vì sợ chất lượng kém
Sau hai ngày ngừng bán hàng, cây xăng Mai Dịch (km số 9
đường Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội) đã kinh doanh trở lại từ sáng 3/1.
Ngày 2/1, Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Thành Công do bà Nguyễn
Thị Yến đại diện, đã tiếp quản kinh doanh cây xăng này thay cho Công ty
cổ phần sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm.
Chiều 3/1, cây xăng Mai Dịch vẫn khá đông khách đến đổ
xăng. Trong vòng 10 phút, khoảng 20 lượt khách tấp vào mua. Một số
người trong số này biết cây xăng không đạt chuẩn, nhưng phải mua vì xe
hết xăng, song cũng có người không quan tâm đến sự cố xăng không đạt
chuẩn.
Sau khi mở cửa trở lại, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch khá đông khách. Ảnh: Hà Đan. |
Bà Yến cho biết, bản thân bà có biết chuyện cửa hàng
xăng dầu Mai Dịch, thuộc Công ty cổ phẩn sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu
Từ Liêm, km 9 Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) không phù hợp với quy
chuẩn theo quy định và có nhiều lời đàm tiếu nên cửa hàng buộc phải sửa
sang lại.
Nhân viên công ty cổ phần thương mại xăng dầu Thành
Công đang tất bật sửa sang lại mái che, lau bụi và thay bóng đèn. Anh
Hải, một thủ kho cho biết, khi được giao cho đơn vị mới kinh doanh,
ngoài sửa sang lại, cây xăng sẽ có thêm hòm thư góp ý, số điện thoại
đường dây nóng, bảng giá và bảng thông báo. "Tên cửa hàng và đội ngũ
nhân viên cũng được thay đổi", anh Hải cho hay.
Sau khi cửa hàng ngừng bán một ngày, trước cửa cây
xăng có hàng chục điểm bán xăng rong với giá phổ biến 22.000 đồng mỗi
lít. Bà Yến khẳng định, vì lo sợ uy tín tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những
hàng xăng bán rong nên cửa hàng phải bán gấp trở lại. "Khi chúng tôi
ngừng bán, có hàng chục người bán xăng mini đứng bán cho khách với giá
cao hơn quy định. Xăng này không mua tại cửa hàng Mai Dịch, nhưng nếu có
vấn đề gì, họ cứ đổ lên chúng tôi thì cũng mệt, nên chúng tôi phải bán
trở lại", bà nói.
Về những tranh cãi xung quanh chất lượng xăng không
đạt chuẩn theo kết quả của cơ quan kiểm định, bà Nguyễn Thị Yến cho
rằng, cần phải kiểm tra cả xăng dầu từ đầu mối và tại đại lý. Theo bà
này, đại lý chỉ biết nhập hàng về bán và việc pha thêm tạp chất đòi hỏi
chuyên môn cao nên cũng không thể khẳng định xăng kém chất lượng do đại
lý pha trộn tạp chất.
Việc nhập xăng từ đầu mối về các đại lý phải tuân theo
một quy trình nghiêm ngặt. Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Thành
Công nhập hàng từ Công ty xăng dầu quân đội sau đó niêm phong lại. Cho
đến khi cơ quan kiểm tra lấy mẫu kết luận lô hàng đúng chất lượng, xăng
mới được đổ vào bể. Chai xăng mẫu chỉ được hủy khi đại lý bán hết toàn
bộ lô hàng nhập về. Để đảm bảo chất lượng, theo bà Yến, mỗi tháng cửa
hàng xăng dầu phải thay bể một lần. Thông thường, quy trình bảo quản
xăng dầu sau khi nhập về được thực hiện tương đối nghiêm ngặt.
Nhân viên cửa hàng cấp tập sửa sang để chuẩn bị khai trương. Ảnh: Bách Hợp. |
Chủ cửa hàng cũng tiết lộ, bà đã yêu cầu nhân viên
thau rửa toàn bộ khu vực bể chứa trước khi nhập đợt hàng mới. Trong đáy
bể có một số cặn, nhưng đã được rửa sạch, bà Yến cho biết. Ngày 2/1,
Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Thành Công đã nhập về 17.000 lít dầu
và 23.000 lít xăng. Bán từ sáng 3/1, tính đến khoảng 16h, số xăng bán
được ước khoảng 3.000 - 4.000 lít, dầu vài trăm lít.
Theo bà Yến, thực tế chi phí hoa hồng định mức hiện
nay thấp có thể là nguyên nhân khiến một số đại lý nghĩ đến chuyện làm
liều. Doanh nghiệp rất khó thu lãi khi định mức hoa hồng cho đại lý chỉ
khoảng 650 đồng mỗi lít xăng. Với định mức này, trừ chi phí vận chuyển
200 đồng mỗi lít, doanh nghiệp chỉ còn lãi khoảng 450 đồng. Nếu trừ 150
đồng khấu hao máy móc, 0,35% lượng hao hụt trong quá trình vận chuyển do
bay hơi, và 100 đồng tiền trả lương kèm theo 100 đồng chi phí điện nước
thì doanh nghiệp chỉ còn lãi rất ít.
"Với định mức hoa hồng thấp như vậy, doanh nghiệp phải
bán được 15.000 lít đến 17.000 lít mới gọi là tạm có lời. Phí định mức
hoa hồng phải vào khoảng 800 đồng mỗi lít thì doanh nghiệp mới có thể có
lãi", bà Yến nói.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Công ty
Xăng dầu quân đội, cho hay, lý do thay chủ do đơn vị trước đó làm không
tốt. "Công ty Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Thành Công cam kết làm
tốt nên công ty vẫn cho làm đại lý phân phối", vị lãnh đạo này cho hay.
Trước đó, trong văn bản có dấu hỏa tốc của Cục quản lý
chất lượng sản phẩm hàng hóa phát đi, ông Nguyễn Kim Quân, Phó tổng
giám đốc Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm cho
biết, công ty là đại lý phân phối sản phẩm của Tổng công ty Xăng dầu
quân đội. “Chúng tôi chỉ là đại lý bán hàng và nhập nguồn hàng của Tổng
công ty xăng dầu quân đội, việc thành phần, tiêu chuẩn như thế nào, đạt
hay không đạt thì chúng tôi không biết”, ông Quân nói.
Ông Quân cũng cho biết, công ty ký hợp đồng theo từng
năm với Tổng công ty xăng dầu quân đội. Theo hợp đồng đã ký năm 2011,
mỗi tháng, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch sẽ nhập khối lượng tối thiểu là
300 mét khối xăng RON92 và 90 mét khối dầu DO. Ông Nguyễn Xuân Cảnh,
người phụ trách kinh doanh của cửa hàng xăng dầu Mai Dịch cũng thông
tin, đã có văn bản gửi đến Tổng công ty xăng dầu quân đội đề nghị làm
rõ.
|
Bách Hợp - Hà Đan