THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 November 2011

"Đột phá"?

25/11/2011 18:59:54

- "Nhà nước làm đúng việc của nhà nước, không làm lẫn việc của doanh nghiệp và xã hội dân sự, Nhà nước phải minh bạch về mọi hoạt động của mình và có các quy định bắt buộc các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự cũng phải minh bạch. Đấy là nét tích cực có thể rút ra từ vài cuộc chất vấn các bộ trưởng lần này" - Nhận xét của chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A.

Các đại biểu quốc hội đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ trong buổi chất vấn ngày 24/11/2011.

Các câu hỏi xoay quanh 3 nhóm vấn đề: điều hành giá; quản lý tài chính công, nợ công; các vấn đề liên quan đến chống thất thu thuế và vấn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Nhìn chung Bộ trưởng trả lời rõ ràng, rành mạch và khá thuyết phục.

Bộ trưởng
Các Bộ trưởng mới đều thừa nhận những yếu kém của cơ quan mình.

Xét về tỷ lệ thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn, thì có vẻ vấn đề điều hành, quản lý giá điện, xăng dầu chiếm ưu thế so với hai nhóm vấn đề còn lại. Thực ra, trong một nước có nền kinh tế thị trường, thì hai vấn đề sau mới chính là vấn đề chính, còn vấn đề điều hành giá chỉ là vấn đề phụ, không thể sánh nổi với vấn đề ngân sách, thu-chi của chính phủ và nợ công (vì đấy mới là việc chính của Quốc Hội và Bộ Tài chính). Thế nên còn phải phấn đấu nhiều để nước ta đạt được tư cách nền kinh tế thị trường!

Chất lượng của phiên chất vấn có lẽ 1/3 phụ thuộc vào người hỏi, 1/3 phụ thuộc vào người điều hành phiên chất vấn, và 1/3 vào người trả lời (tỷ lệ 1/3 chỉ mang tính tượng trưng để dễ hình dung).

Câu hỏi nêu ra mà không đúng hoặc có chất lượng kém (như đề xuất trần lãi suất cho vay thay cho trần lãi suất huy động, mà cả hai đều sai) thì chất vấn khó có thể chất lượng cao. Đáng tiếc vẫn còn nhiều câu hỏi như vậy.

Xét ở khía cạnh chất lượng của người trả lời chất vấn, các bộ trưởng mới, như các Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Chính và Thống đốc ngân hàng nhà nước có vẻ nhỉnh hơn. Khi hỏi về các giải pháp "đột phá" họ đều nhận ra sự yếu kém của bản thân cơ quan mình, của các cơ quan quản lý nhà nước, của những người thi hành công vụ, sự thiếu minh bạch...

Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng "giải pháp của mọi giải pháp" trong lĩnh vực (điều hành giá xăng dầu, điện, nước…[mà theo tôi không chỉ trong các lĩnh vực này]) là "vấn đề minh bạch và công khai". Minh bạch và công khai sẽ giúp giảm bớt tham nhũng và tăng lòng tin, những thứ ảnh hưởng rất sâu sắc đến sự phát triển lành mạnh của đất nước.

Nhà nước làm đúng việc của nhà nước, không làm lẫn việc của doanh nghiệp và xã hội dân sự, Nhà nước phải minh bạch về mọi hoạt động của mình và có các quy định bắt buộc các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự cũng phải minh bạch. Đấy là nét tích cực có thể rút ra từ vài cuộc chất vấn các bộ trưởng lần này. Nếu họ làm được như nhận thức và lời hứa của họ, thì còn tốt hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

Nguyễn Quang A