Nhiều bệnh viện từ lâu áp dụng quy định cấm bác sĩ nhận, người bệnh đưa phong bì, nhưng vẫn không ngăn chặn được. Không ít bác sĩ cho rằng "phong bì hối lộ thì không, cám ơn thì được" và phải "nói không từ người bệnh đến bác sĩ". |
Nhiều bệnh viện tại TP HCM nhiều năm nay đã áp dụng quy định cấm y bác sĩ, nhân viên nhận phong bì từ bệnh nhân. Ảnh: Thiên Chương |
Một y tá làm việc tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thừa nhận, thu nhập chính của cô mỗi tháng đến từ phong bì của bệnh nhân. "Tổng lương cộng các khoản phụ cấp từ bệnh viện, tiền trực đêm... của tôi là gần 4 triệu đồng. Số tiền này không thấm vào đâu so với công sức chúng tôi bỏ ra và áp lực phải chịu trong quá trình làm việc", y tá này nói.
Cô cho rằng sự thực là việc nhận phong bì trong bệnh viện đã trở thành thông lệ. Có điều những bộ phận nào tiếp xúc với bệnh nhân nhiều như khám, đỡ đẻ, mổ... thì có cơ hội để nhận nhiều hơn thôi.
Chị Huyền cùng một nhóm người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho rằng, tiền không phải là cách duy nhất khiến nhân viên y tế thay đổi thái độ phục vụ. "Chúng tôi chỉ mua quà biếu để cám ơn nếu thấy điều dưỡng hoặc bác sĩ tận tình. Đó là tấm lòng. Còn đưa tiền theo kiểu lót tay thì không nên, bởi lẽ làm như thế thì bất công cho những người bệnh không có tiền để dúi", chị Huyền nói. Còn theo anh Thanh đang chăm sóc người thân bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, với những nhân viên có thái độ không đúng mực, thay vì cho tiền, anh sẽ góp ý trực tiếp hoặc góp ý với lãnh đạo khoa. |
Y tá này cho biết thêm, thực tế không phải ai cũng đưa phong bì cho nhân viên y tế. Cũng như cô, nhiều người vẫn đối xử, phục vụ bệnh nhân có hay không phong bì đều như nhau, chứ không hề cố tình làm đau hơn, khám chậm hơn hay tỏ thái độ vòi vĩnh. Tất nhiên, trong từng khoa, phòng cũng có một số người - vì bản chất, hay vì cần tiền cấp bách hơn - mà có hành động vòi tiền. "Dẫu sao khi làm mà nhận được chút tiền bồi dưỡng từ người bệnh và người nhà thì mình cũng thấy phấn khởi hơn", cô y tá thừa nhận.
Một điều dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, nói chính suy nghĩ "có dúi tiền mới được đối xử tốt" khiến nhiều bệnh nhân không có điều kiện phong bì cho điều dưỡng, khi chuyển bệnh từ phòng này sang phòng khác trót bị va vào vách cũng cho rằng "nhân viên y tế ác ý, không có tiền nên đẩy ẩu tả".
"Nghề nào cũng có người này người nọ, nhưng nếu suy nghĩ bệnh nhân không có tiền thì không được phục vụ tốt là không đúng", nữ điều dưỡng nói.
"Thật ra, người đi khám bệnh khi đưa phong bì sẽ cảm giác yên tâm hơn, cũng như khi mình cần nhờ cậy ai việc gì, như xin cho con học chẳng hạn, nếu không có cái phong bì sẽ cảm giác không được việc", ông Chính chia sẻ.
Ông Chính cũng bày tỏ quan điểm, nếu phong bì mang tính cám ơn thì có thể chấp nhận được. "Tôi từng gặp nhiều trường hợp như thế. Đôi khi người bệnh còn nài nỉ, nhất quyết không chịu nhận lại khi mình từ chối. Khi ấy giải pháp đơn giản nhất là công khai khoản này để cả người bệnh và tập thể khoa phòng biết, sử dụng số tiền vào việc chung như mua sắm thêm trang thiết bị cho khoa, phòng hay làm điều gì đó mang ý nghĩa tốt, như giúp đỡ bệnh nhân khác".
'Nói không với phong bì: chuyện lâu dài'
Theo ông Chính, việc thực hiện không phong bì trong bệnh viện là có thể làm được, chỉ có điều không phải ngày một ngày hai. Vấn đề này theo ông cần giải quyết ở tầm vĩ mô, làm sao phải đảm bảo được đời sống cho nhân viên y tế để hạn chế tiêu cực, để việc nhận phong bì hay không nhận không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ngoài ra cũng cần tăng cường giáo dục người làm nghề mang tính nhân đạo này phải sống bằng cái tâm.
Còn ông Công nhận xét, lương của bác sĩ tuy không cao nhưng đó là mặt bằng chung trong xã hội, cũng như giáo viên, viên chức ở nhiều ngành khác, nên khó có thể coi đây là lý do chính đáng sinh ra "nạn" phong bì. Ông cho rằng việc thực hiện không phong bì trong bệnh viện là không khả thi, thậm chí cấm đưa tiền cho bác sĩ, nhân viên y tế còn làm "bệnh" này nặng hơn.
Ông nói: "Tôi từng biết không ít bác sĩ ngoại khoa, sáng hôm sau có vài ca mổ thì tối hôm trước thể nào cũng có người xếp hàng đến nhà riêng đưa phong bì nhờ cậy. Những vị này có biệt thự này, cơ ngơi kia. Việc này liệu có cấm được không? Thực ra, việc gì càng công khai, minh bạch thì càng dễ quản, chứ cấm thì có thể tạo cơ hội để người ta tìm nhiều cách đưa và với mức không ai biết được".
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, giải quyết chuyện phong bì trong ngành y thực sự là một bài toán khó, phải làm từng bước. Không thể hy vọng ngày hôm nay phát động phong trào là ngày mai đã hết nạn phong bì. Tuy nhiên nếu thực hiện tốt ở một số bệnh viện thì sẽ lan tỏa ra toàn ngành và sâu rộng trong nhân dân. Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện của 5 bệnh viện đã cam kết "nói không với phong bì".
Còn theo một giám đốc bệnh viện tại TP HCM, các bệnh viện đều làm căng nạn phong bì nên khó có chuyện nhân viên y tế dám vòi tiền. Chính vì thế việc đưa tiền đều do người bệnh chủ động. Như vậy, để dẹp nạn phong bì, trước tiên người bệnh và người nuôi bệnh phải kiên quyết không tiếp tay cho người xấu.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng cho rằng, lót tay vài chục nghìn cho nhân viên y tế là một tâm lý khó thay đổi của người nuôi bệnh vì hầu hết đều nghĩ rằng, có tiền thì sẽ được đối xử tốt hơn. "Điều này có thể đúng trong số ít trường hợp vi phạm đã bị xử lý, nhưng không phải nhân viên nào cũng làm việc vì phong bì và có phong bì thì thay đổi thái độ", bà Thủy nói.
Rất nhiều bác sĩ cũng thừa nhận: "Việc đưa phong bì có thể làm thay đổi thái độ, lời ăn tiếng nói nhưng không làm tốt hơn chất lượng điều trị".
Nhóm phóng viên